Ăn quá nhiều thịt, ít rau
Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 cho thấy, về khẩu phần ăn của người dân năm 2020, mức ăn rau quả đã tăng bình quân, nhưng cũng mới chỉ đạt khoảng 66,4% - 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị của tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành.
Mức tiêu thụ thịt tăng nhanh, hơn 1,5 lần, từ 84g/người/ngày (năm 2010) tăng lên 136,4g/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn. Trong khi đó, mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm. Tại các trường học ở thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh.
Tiêu thụ thịt và thực phẩm sẵn là nguyên nhân gây trẻ béo phì, thừa cân.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) còn 14,8% (năm 2010 tỷ lệ này là 23,4%). Rất đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19% năm 2020 (gấp hơn 2 lần), trong đó ở khu vực thành thị là 26,8% (gấp hơn 3 lần), nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Tập luyện thể thao sẽ giúp trẻ tránh tình trạng béo phì.
Dinh dưỡng hợp lý và tăng vận động để phòng béo phì
Theo PGS. TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu trẻ hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ, ngủ dưới 8 tiếng/ngày sẽ có nguy cơ thừa cân, béo phì gần gấp 3 lần với trẻ hoạt động thể lực nặng, ngủ đủ, ngồi máy tính ít. Chính vì vậy, học sinh ở lứa tuổi tiểu học cần vận động thể dục, thể thao 1-2 tiếng/ngày. Mặt khác, cho trẻ cân thường xuyên vào một ngày cố định trong tháng trước khi ăn. Nếu con tăng cân vượt chuẩn liên tiếp trong vòng từ 3 đến 5 tháng, bố mẹ cần có biện pháp điều trị ngay để tránh cho con bị béo phì. Khi bé đã định hình thói quen ăn uống, thừa quá nhiều cân bố mẹ mới can thiệp thì rất khó để giảm cân.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, biện pháp tốt nhất là chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng hoạt động thể lực, giảm thời gian tĩnh tại. Trẻ dưới 2 tuổi không nên xem ti vi, trẻ lớn hơn chỉ được xem ti vi dưới 2 giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần. Ngoài ra, thời gian ngủ, với trẻ 0-5 tuổi là 11 giờ/ngày; 5-10 tuổi là 10 giờ/ngày; trên 10 tuổi là 9 giờ/ngày.
Cũng theo giới chuyên môn, việc phòng chống thừa cân, béo phì không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà cần sự phối hợp của nhiều ngành khác, trong đó có ngành Giáo dục. Nhà trường cần cân đối bữa ăn học đường, tạo sân chơi để trẻ vận động, chơi thể thao. Mặt khác, trẻ cần được giáo dục để nhận thức được tác hại của béo phì và cách phòng chống. Bên cạnh đó, cha mẹ cần làm gương cho con về thói quen vận động và ăn uống cân đối, lành mạnh; động viên và khuyến khích con chơi thể thao hoặc tham gia các trò chơi vận động thay vì chơi game, “lướt” Facebook...
Từ 6 tuổi: Năng lượng 1600; Chất đạm 36g
Từ 7– 9 tuổi: Năng lượng 1800; Chất đạm 40g
Từ 10– 12 tuổi: Năng lượng 2100– 2200; Chất đạm 50g
Chú ý: Nếu không có điều kiện chế biến nhiều loại món ăn trong một ngày thì có thể tính lượng đạm của trẻ như sau: Cứ 100g thịt nạc tương đương với 150g cá hoặc tôm, 200g đậu phụ, 2 quả trứng vịt hoặc 3 quả trứng gà. Nếu ăn các loại bún, miến, phở, khoai, ngô, sắn thì phải giảm bớt lượng gạo đi.