Ths.BS Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản BV ĐHYD TP. HCM cho biết, khối u xuất phát từ buồng trứng nhánh phải chèn ép tất cả cơ quan nội tạng và lồng ngực. Trước đó 4 tháng, người bệnh có đến một bệnh viện khác khám nhưng không thể mổ do bệnh lý tim mạch.
Bệnh nhân mang khối u trước khi được phẫu thuật.
Cuộc hội chẩn khẩn đã được các bác sĩ của khoa Phụ sản, Tiêu hoá Nội tiết, Lồng ngực mạch máu, Tim mạch, Hô hấp, Gây mê hồi sức thực hiện và đi đến thống nhất sẽ phẫu thuật cắt khối u.
TS.BS Phan Tôn Ngọc Vũ, Trưởng khoa Gây mê hồi sức cho biết, đây là lần đầu ông gặp khối bướu ổ bụng to đến vậy. “Dù biết sẽ đối diện khó khăn khi mổ do người bệnh có những tiền sử suy tuần hoàn khi gây mê nhưng chúng tôi vẫn quyết định mổ cứu người bởi khối u quá to, nếu không phẫu thuật, bệnh nhân có thể bị chèn tim rất nguy hiểm”.
Ngày 8/5, ca mổ được tiến hành. Việc gây mê diễn ra khoảng một giờ đồng hồ, thời gian phẫu thuật kéo dài trong 5 giờ đồng hồ. Do khối u quá to, các bác sĩ đã phải dẫn lưu dịch sau đó mới tách bướu thành từng phần nhỏ trước khi đưa ra ngoài. Trong quá trình mổ, bệnh nhân có sốc nhẹ do lượng dịch được rút ra khá lớn nhưng may mắn mọi việc không xấu hơn.
“Có tổng cộng 48 lít dịch nhầy và 3 kg vỏ bướu đã được giải phóng khỏi cơ thể người bệnh. Tính đến hiện tại, đây là khối u ổ bụng to nhất tại Việt Nam và là trường hợp khối u ổ bung to thứ 5 ghi nhận trên thế giới”, các bác sĩ nói.
Chiều 14/5, sức khoẻ người bệnh đã ổn định, chị có thể ăn uống, đi đứng và tự đứng lên khi ngồi, việc mà trước đó phải nhờ người trợ giúp. “Tôi xúc động khi được các bác sĩ cứu bởi trước khi mổ tôi sống rất cực khổ. Mỗi lần đứng lên ngồi xuống là cả vấn đề”, người bệnh nói.
Cũng theo chị T, khối bướu xuất hiện từ năm 2014, ban đầu chỉ nhỏ bằng quả trứng. “Năm 2016, tôi đi khám nhiều nơi và cũng định mổ nhưng do tôi bị bệnh tim nên không mổ được. Nghĩ đã hết cách chữa trị nên tôi về nhà, cũng trong thời gian này, bướu to rất nhanh. Gần đây do quá khó thở nên tôi mới đi khám và may mắn được điều trị”.