Hà Nội

Choáng: Thịt lợn, bò Việt Nam đắt nhất thế giới

17-01-2014 15:09 | Thời sự
google news

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận chính công nghệ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt nước ta chậm đổi mới, chậm học hỏi không theo kịp các nước mới là yếu tố gây ra cái chết... không đáng có.

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận chính công nghệ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt nước ta chậm đổi mới, chậm học hỏi không theo kịp các nước mới là yếu tố gây ra cái chết... không đáng có.

Thịt Việt Nam đắt nhất thế giới

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cảnh báo nếu ngành chăn nuôi không giảm được giá thành sản xuất xuống bằng hoặc thấp hơn các nước thì thị trường thực phẩm thịt ngoại sẽ chiếm lĩnh.

 

Điểm yếu nằm ở hai mặt hàng chủ lực của chăn nuôi nước ta là thịt bò và thịt heo đều có giá thành sản xuất quá cao so với các nước. Dù đã có những bước cải thiện nhưng công nghệ, chuỗi sản xuất, năng suất vẫn không bì kịp nước ngoài.

Ông Vang cho biết giá thịt bò hơi mua tại Úc là 2 USD/kg. Gánh thêm 5% thuế nhập khẩu, phí vận chuyển và các chi phí khác, khi về đến Việt Nam giá 1 kg thịt bò hơi Úc chưa đến 60.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bò hơi Việt Nam lại ở mức trên 70.000 đồng/kg.

Tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm hiện nay, thịt bò nhập khẩu từ Úc ngày càng trở nên phổ biến và quen thuộc hơn với người tiêu dùng. Đa số người tiêu dùng đều cho rằng thịt bò Úc mềm, ngon, chất lượng hơn. Và quan trọng là giá cả lại không chênh lệch hơn giá thịt bò trong nước là bao nhiêu.

Hiện nay, giá bò Úc đã tăng cao do giáp tết nhưng ngoại trừ thịt phi lê bò đắt hơn 10.000-20.000đồng/kg, các mặt hàng khác như nạm, gân bò… giá cũng tương đương thịt bò Việt Nam.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết năm 2013 có khoảng 50.000 con nhập về Việt Nam, dự kiến trong năm 2014 sẽ còn tăng thêm. Trong thời gian tới, bò Brazil và Ấn Độ cũng sẽ nhập vào Việt Nam. Tại thị trường TP.HCM, các hệ thống bán hàng của nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất thành phố như Vissan đã không còn thấy thịt bò Việt Nam. Thay thế vào đó là thịt bò Úc, được nhập khẩu nguyên con về giết mổ.

Bò mang mác nội địa thực chất từ Thái Lan, Lào, Campuchia được dắt qua biên giới Tịnh Biên (An Giang), Lao Bảo (Quảng Trị)… nhưng số lượng đang giảm dần mà chất lượng lại kém. Trung bình một ngày có khoảng 4.000 con vào Việt Nam qua đường biên giới.

Giá bò trong nước cao hơn nên hiện giờ Vissan cũng không mua được. Vì vậy, đơn vị này buộc phải mua bò Úc từ các đơn vị nhập khẩu trong nước về bán. Bò Úc được nhập nguyên con, được kiểm định, kiểm dịch chặt chẽ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên rất an tâm về chất lượng.

Không chỉ thịt bò mà thịt heo, thịt gà sản xuất trong nước đều có giá thành sản xuất cao hơn hẳn các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình (Đồng Nai), cho biết giá heo hơi nước ta có thể nói luôn cao nhất thế giới. Hiện nay giá heo hơi nước ta đang ở mức 50.000 đồng/kg. Dù đang là mùa đông, nguồn cung thịt giảm, nhu cầu cuối năm quá lớn nhưng giá heo hơi ở Trung Quốc cũng chỉ nhỉnh hơn heo Việt Nam 5.000 đồng/kg, còn bình thường luôn thấp hơn Việt Nam.

So với Thái Lan hay xa hơn là Mỹ, Canada, giá thành nuôi heo ở Việt Nam đều cao hơn. “Sắp tới, gà nội sẽ chết nữa nếu gà Trung Quốc với giá rẻ như cho, chỉ hơn 10.000 đồng/kg ồ ạt tràn sang. Đấy là chưa nói đến thịt nhập khẩu ngày càng tăng từ Hàn Quốc, Mỹ, Ba Lan…” - ông Bình lo ngại.

Thịt ngoại thấp là hợp lý

“Ai cũng thắc mắc tại sao bò Úc mà lại giá rẻ thế. Thế nhưng điều đó lại rất hợp lý vì điều kiện chăn nuôi bò tại Úc đảm bảo sản xuất ra những con bò giá rẻ như vậy” - ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho hay.

Theo ông Bình, khó mà đem so sánh chăn nuôi bò tại nước ta hay các nước Campuchia, Lào, Thái Lan với ngành công nghiệp nuôi bò của Úc. Úc có đồng cỏ bao la, chăn nuôi tập trung quy mô lớn, lại không mất công chăm sóc.

Hơn nữa, giống bò Úc lại phát triển nhanh, trọng lượng cao hơn giống bò ta rất nhiều. Bò trong nước chỉ đạt 200-250 kg/con trong khi bò Úc 500-700 kg/con.

Một con bò tại Úc họ chỉ tính lượng thịt phi lê vì người tiêu dùng ở nước họ không ăn nội tạng, xương, đầu. Nếu nhập nguyên con thì DN thực phẩm nước ta sẽ được lợi nhiều hơn.

“Như con heo nuôi ở Mỹ, Canada, giá thành thức ăn chăn nuôi chỉ chiếm khoảng 50%, trong khi nước ta là 75%. Thức ăn thì nhập, thuốc thú y thì tăng cao, phòng, chống dịch bệnh thì yếu kém, nuôi thì nhỏ lẻ, lấy đâu giá heo rẻ được.

Trung Quốc là nơi sản xuất 60% lượng heo thế giới nhưng giá vẫn rẻ hơn vì con giống có, cám cung ứng đủ, kỹ thuật tốt hơn. Ngoài ra, chính phủ còn hỗ trợ mỗi trang trại heo mấy chục ngàn USD nên thịt heo bán ra giá rẻ” - ông Bình phân tích.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết DN nhập từ gốc nguyên con, không qua thương lái nên kiểm soát giá tốt. Vì vậy khi ra thị trường, giá thịt bò Úc mới rẻ như vậy. Tỉ lệ thịt của bò vàng sau khi giết mổ chỉ đạt 50%, còn bò Úc đạt lên đến 60%-65%. Ngoài ra, vì nhập nguyên con nên được giảm thuế, thuế nhẹ hơn nhập thịt đông lạnh.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng cho biết: “Thịt ngoại nhập vào đúng là cần kiểm tra, hạn chế nếu có thể để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, nói thịt ngoại bán phá giá là không đúng, không có chuyện đó.

Tại Mỹ, sau khi chọn lựa những con bò tiêu chuẩn, họ thả hàng trăm con trong một khuôn viên đồng cỏ vài chục hecta, không cần chăm sóc nhiều. Cũng giống như con heo, gà, chỉ nói so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, ngành chăn nuôi nước ta đã không theo kịp về hệ thống công nghiệp, tập trung.

Giống heo nước ngoài chỉ ăn 2 kg cám là cho ra 1 kg thịt, trong khi heo nước ta phải ăn mất 3-3,2 kg cám mới có 1 kg thịt”.

- So với thịt gia súc trong nước, thịt bò, heo nhập khẩu từ Úc có giá thấp vì: Giá thành sản xuất thấp hơn (đồng cỏ bao la, chi phí thức ăn thấp hơn, nuôi nhàn hơn), giống tốt (khối lượng gấp đôi gấp 3 giống bò, heo nội; tỷ lệ thịt cao hơn; tạo thịt nhanh), chuỗi sản xuất - tiêu thụ bài bản hơn.

- Ngay cả bò mang mác nội địa thực chất từ Thái Lan, Lào, Campuchia được dắt qua biên giới Tịnh Biên (An Giang), Lao Bảo (Quảng Trị)… , trung bình một ngày có khoảng 4.000 con vào Việt Nam qua đường biên giới.

- Chi phí đầu vào, chuỗi sản xuất và tiêu thụ rời rạc cũng là những yếu tố đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao làm doanh nghiệp (DN) nội mất khả năng cạnh tranh. Việt Nam đang tiến sâu vào sân chơi quốc tế và với thuế suất bằng 0, nhiều ngành sản xuất đang đối diện với nguy cơ chết trên sân nhà.

 

 


Ý kiến của bạn