Choáng: 80.000 “ma men” bị xử lý trong năm qua

06-01-2017 13:44 | Pháp luật

SKĐS - Tình trạng tham gia giao thông sau khi đã sử dụng bia, rượu đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam đã trở thành nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT)

Tình trạng tham gia giao thông sau khi đã sử dụng bia, rượu đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam đã trở thành nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), để lại nhiều nỗi đau dai dẳng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông, nhưng những vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra và không có dấu hiệu suy giảm.

Coi thường tính mạng khi làm bạn với “ma men”

Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), trong năm 2016, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã tập trung vào một số chuyên đề như: xử lý vi phạm tốc độ, xe quá tải, vi phạm nồng độ cồn, xe tự chế, xe hết niên hạn sử dụng... Lực lượng CSGT lập biên bản xử lý hơn 4,2 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), nộp Kho bạc Nhà nước 2,7 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, một số lỗi vi phạm thường là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT có số lượng rất cao. Cụ thể, CSGT đã xử lý 80.000 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, hơn 800.000 trường hợp không đội mũ bảo hiểm hoặc đội nhưng cài quai không đúng quy cách,...

Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết do tai nạn liên quan rượu, bia. Hậu quả của TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia thường rất nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại. Nhẹ thì xây xát, nặng hơn thì chấn thương sọ não hoặc tử vong, thiệt hại to lớn về cả tinh thần lẫn vật chất. Đôi khi, gánh nặng đó còn dai dẳng đè lên vai người thân, cha mẹ, vợ chồng, con cái và xã hội...Trong năm 2016, đã có tới 80.000 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, bị CSGT xử lý.

Trong năm 2016, đã có tới 80.000 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, bị CSGT xử lý.

Trước tình trạng lạm dụng bia rượu khi tham gia giao thông dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng, Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ Công an thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng mở các đợt chuyên đề về tuyên truyền, xử lý những hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, cùng với tần suất dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng để liên tục nhắc nhở, cảnh báo và đề cập đến những tác hại do việc lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông... Thậm chí, ở nhiều địa phương, chính quyền đã phải ban hành “lệnh” cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia trong giờ nghỉ trưa với hy vọng đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, với những thói quen và sở thích của mình, cùng với suy nghĩ chủ quan nên nhiều người vẫn bỏ qua tất cả, họ bất chấp quy định của pháp luật và tỏ ra xem thường tính mạng của bản thân và những người xung quanh.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT khẳng định, tình trạng người tham gia giao thông sau khi uống rượu bia là nguyên nhân chính gây ra TNGT nghiêm trọng. Mới đây, chỉ trong chưa đầy một tháng thực hiện cao điểm xử phạt vi phạm nồng độ cồn, cả nước đã có gần 10.000 trường hợp bị xử phạt, trong đó tập trung chủ yếu tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM. Đáng chú ý, việc xử phạt vi phạm giao thông với những người có nồng độ cồn là rất khó khăn, họ thường có thái độ chống đối, cản trở, phải huy động nhiều lực lượng cùng tham gia xử lý.

Báo động tỷ lệ sử dụng rượu bia ở Việt Nam

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 4% các trường hợp tử vong trên toàn cầu có liên quan đến rượu, bia; gánh nặng sức khỏe liên quan đến sử dụng rượu bia là 4,6%. Đối với Việt Nam, rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông; bạo lực gia đình; trực tiếp gây nên tình trạng đói nghèo, đặc biệt ở vùng nông thôn và dân tộc thiểu số... Qua khảo sát hơn 18 nghìn nạn nhân nhập viện do TNGT tại Việt Nam cho thấy, 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số người lái xe ôtô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Liên quan đến những tác hại khi sử dụng rượu bia, ông Lý Trần Tình - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, khi chất cồn vào cơ thể, nếu vượt quá mức cho phép dù chỉ rất ít cũng sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe thể chất và tâm thần. Cồn tác động rất lớn đến bộ não, ngay cả khi chỉ cần uống một lượng với nồng độ khoảng 0,25%o trong máu, tương đương với 0,3 lít bia hoặc 100ml rượu vang. Cồn gây tác động rất lớn đến hệ thống thần kinh mà đặc biệt là lên não, làm cho góc nhìn bị thu hẹp lại và thời gian phản ứng chậm đi. Do vậy, người uống rượu, bia bị hạn chế rất lớn trong việc điều khiển các loại phương tiện giao thông và rất dễ dẫn đến TNGT.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng và đang ở mức báo động. Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân, cơ quan chức năng cũng cần có chế tài xử phạt nghiêm đủ mức răn đe. Tại Nghị định 46, hành vi vi phạm uống rượu bia khi tham gia giao thông bị xử phạt hành chính lên tới 18 triệu đồng. Đặc biệt, Luật Hình sự quy định mức độ vi phạm có nguy cơ làm chết người, tổn thương sức khỏe người khác sẽ đưa ra chế tài xử lý hình sự.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn