Chớ xem thường loét niêm mạc miệng

05-12-2020 19:49 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Niêm mạc miệng là lớp bao phủ khoang miệng và lưỡi. Tổn thương viêm loét niêm mạc miệng có thể có mủ hoặc không có mủ. Bệnh gây đau đớn và khó khăn cho bệnh nhân khi ăn uống, nói năng.

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm loét niêm mạc miệng, bao gồm: Chấn thương: bỏng nhiệt do ăn uống thức ăn quá nóng; do đụng dập, té ngã, bị đánh; do các thủ thuật nha khoa như khoan trám răng, hàn răng...; trẻ em bị que kem, bút viết hoặc vật sắc nhọn đâm vào miệng lưỡi; Do tác động của các chất hóa học như acid, nước vôi, nước súc miệng quá đậm đặc, dùng nhiều kem đánh răng nhưng súc miệng chưa kỹ...; Nhiễm khuẩn: nhiều loại vi khuẩn gây viêm loét lợi răng hoại tử cấp tính quanh ổ răng; Nhiễm virus: viêm miệng do virus Herpes với triệu chứng là mụn nước lan rộng rồi tạo thành vết loét, gặp ở môi, mép, niêm mạc miệng...

Dấu hiệu viêm loét miệng

Khi bị viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi, có thể biết được nguyên nhân nhưng cũng có khi không biết được nguyên nhân mà chỉ thấy tự nhiên xuất hiện các vết loét kèm theo các dấu hiệu: sưng nóng đỏ đau, có vết lở loét rất khó chịu nhất là khi nhai nuốt, ăn uống; có thể là những áp-xe ở dưới lưỡi, dưới niêm mạc; nhẹ hơn là những vết loét ở lưỡi và niêm mạc miệng, khi viêm cấp thường tấy đỏ và rất đau, thậm chí sốt cao, nổi hạch góc hàm. Đặc biệt, các vết loét cấp ở niêm mạc miệng lưỡi thường tái phát, gây đau đớn và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Các tổn thương viêm loét khá đa dạng: Loét dạng aphthe (áp-tơ) nhỏ là hay gặp nhất, chiếm khoảng 80%; điển hình là có một vài đến nhiều vết loét đường kính dưới 1cm, nông, nằm rời rạc hoặc thành đám, tự lành trong khoảng 7-14 ngày và không để lại sẹo; Loét dạng áp-tơ lớn còn gọi là bệnh Sutton hoặc hoại tử niêm mạc miệng tái phát có viêm hạch ngoại biên, chiếm khoảng 10%. Vết loét có kích thước lớn hơn 1cm, gồm 1 hay nhiều vết loét, chậm liền có khi kéo dài nhiều tuần, để lại sẹo do hoại tử lan rộng; Loét dạng Herpes, nhưng không liên quan đến virus Herpes, số lượng vết loét nhiều, tổn thương kết thành chùm. Vết loét có màu đỏ ở xung quanh, trung tâm có mảng mục màu vàng, đau nhiều trong 2-3 ngày đầu, dần dần giảm đau khi bắt đầu lành.

Hình ảnh loét niêm mạc miệng.

Hình ảnh loét niêm mạc miệng.

Lưu ý trong điều trị và phòng bệnh

Điều trị viêm loét miệng lưỡi chủ yếu là giảm đau vì đau là triệu chứng khó chịu nhất. Đa số các trường hợp không cần điều trị mà bệnh sẽ tự khỏi sau 7-14 ngày.

Những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể sử dụng các thuốc điều trị như: dùng các loại thuốc hạ sốt; cho bệnh nhân súc miệng bằng dung dịch hydrogen peroxide 1; dùng thuốc kháng virus như: acyclovir, famciclovir, alcyclovir; Khi có nhiễm khuẩn dùng kháng sinh...

Có thể áp dụng những cách tự chăm sóc khi bị loét miệng như: ngưng uống rượu bia, bỏ hút thuốc lá. Không nên ăn thức ăn cay, mặn, chua, chát, nóng. Khi bị đau nhiều, có thể dùng ống hút để uống nước nhưng không uống nước nóng. Chỉ chải răng ở những chỗ không đau, không chải răng ở những chỗ đau do viêm loét, tránh gây chấn thương thêm cho niêm mạc miệng lưỡi do chải răng.

Phòng bệnh thế nào?

Cần chú ý xem loại thức ăn nào đã gây dị ứng và gây viêm loét miệng thì không bao giờ ăn loại thức ăn đó nữa. Đối với các loại thuốc chữa bệnh gây dị ứng phải ghi nhớ để không dùng loại thuốc đó mới tránh được viêm loét miệng do dị ứng thuốc. Ngoài ra, cần ăn uống đủ chất, nhất là các loại thức ăn chứa nhiều các vitamin C, PP, B6, B12 như: rau xanh các loại, hoa quả chín, cam, chanh, bưởi, thịt, cá, trứng, sữa... để phòng viêm loét miệng do thiếu vitamin loại này.

Cần bỏ hút thuốc lá, nghiên cứu cho thấy, việc hút thuốc lá không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe của bạn mà còn là tác nhân gây hầu hết các trường hợp ung thư miệng.

Hằng ngày, cần chăm sóc và giữ gìn vệ sinh răng miệng: Hãy bảo đảm rằng luôn đánh răng và dùng chỉ nha khoa để xỉa răng thường xuyên sau mỗi bữa ăn. Tình trạng vệ sinh răng miệng kém có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể dễ bị viêm nhiễm miệng.

Cần kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ ít nhất 2 lần mỗi năm. Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp bạn khỏe mạnh, mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống lại viêm nhiễm.


BS. Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn