Chớ xem thường chứng hạ canxi máu

20-10-2014 08:00 | Y học 360
google news

Hạ canxi máu là tình trạng nồng độ canxi máu trong cơ thể thiếu hụt do bị thấp một cách bất thường.

Hạ canxi máu là tình trạng nồng độ canxi máu trong cơ thể thiếu hụt do bị thấp một cách bất thường. Canxi có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Nó không chỉ là điều cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển của xương, mà nó còn có một vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền tín hiệu thần kinh lên não, chức năng tế bào và sự co cơ. Hạ canxi máu có thể gây những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể nên cần được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Nguyên nhân gây hạ canxi máu

Hạ canxi máu là khi nồng độ canxi huyết thanh toàn phần dưới 8,8mg/dl (2,20mmol/l) trong điều kiện protein huyết thanh bình thường hoặc canxi ion hóa dưới 4,7mg/dl (1,17mmol/l). Có nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó chủ yếu là: suy tuyến cận giáp, albumin máu thấp, thiếu hụt magiê, vitamin D hoặc khẩu phần canxi...

Hạ canxi máu cũng có thể do nghiện rượu và các biến chứng của nó như viêm tụy, suy thận, suy gan, suy dinh dưỡng...

Trẻ em cần tắm nắng
hàng ngày để bổ sung lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể. Ảnh: TM

Biểu hiện khi bị hạ canxi máu

Người hạ canxi máu có thể không biểu hiện triệu chứng, đặc biệt ở giai đoạn đầu, nhưng các triệu chứng cũng có thể xuất hiện rầm rộ và ngày một nặng hơn. Các biểu hiện lâm sàng của hạ canxi máu là do rối loạn điện thế màng tế bào, gây kích thích hệ thần kinh - cơ. Dấu hiệu hay gặp là tình trạng co cứng cơ (chuột rút) ở vùng lưng và chân. Những trường hợp hạ canxi máu diễn biến từ từ, âm ỉ có thể gây các dấu hiệu thần kinh nhẹ như trầm cảm, lú lẫn hay kích thích tâm thần. Phù gai thị và đục thể thủy tinh có thể xuất hiện khi bị hạ canxi máu kéo dài. Ngoài ra, người bị hạ canxi máu còn có các triệu chứng như: rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều), tăng phản xạ gân xương và cảm giác nóng hoặc ngứa ran (cảm giác ghim và kim châm) ở bàn tay và bàn chân.

Ở trẻ sơ sinh, nếu bị hạ canxi máu sẽ có các biểu hiện: trẻ khó bú, khó ăn, trẻ bị kích thích vật vã, có khi ngủ gà hoặc chậm chạp, biếng ăn, tăng phản xạ gân xương, co rút cơ, trẻ bị co giật và run, có trẻ có thể thấy mê mệt, dễ cáu kỉnh. Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng giống với triệu chứng của một số bệnh khác, do đó, khi trẻ có các triệu chứng này, điều quan trọng là phải đưa trẻ đi khám bác sĩ mới chẩn đoán đúng bệnh.

Các triệu chứng báo hiệu tình trạng hạ canxi máu nghiêm trọng: Khi thấy các trường hợp hạ canxi máu có biểu hiện nghiêm trọng như: co giật hoặc động kinh, khó ăn hoặc biếng ăn ở trẻ sơ sinh, co thắt cơ, thì cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức.

Các biến chứng của hạ canxi máu là gì?

Hạ canxi máu không được điều trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển và sức khỏe của trẻ nhỏ: trẻ chậm lớn, chức năng vận động chậm phát triển, não bị tổn thương, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, bị nhuyễn xương, xương mềm, yếu do thiếu vitamin D trong quá trình tạo xương. Ở người lớn và trẻ em có thể bị các biến chứng: loãng xương; kém phát triển, dễ xảy ra cơn tetani do hoạt động thần kinh quá mức. Cơn tetani xuất hiện do hạ canxi máu nặng nhưng cũng có thể gặp trong trường hợp chỉ hạ canxi ion hóa trong khi canxi toàn phần bình thường, ví dụ như trong tình trạng kiềm hóa máu. Biểu hiện của cơn tetani là các triệu chứng cảm giác như dị cảm ở đầu chi, môi, lưỡi, bàn cổ chân, đau cơ lan tỏa, co cứng cơ vùng mặt, tay, chân.

Điều trị thế nào?

Hạ canxi máu cần được điều trị bằng truyền canxi tĩnh mạch để khôi phục và bổ sung lượng canxi thiếu hụt trong cơ thể. Ngoài đường truyền tĩnh mạch, canxi cũng có thể được bổ sung qua đường tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống. Nếu hạ canxi máu thứ phát do các bệnh lý khác thì cần kết hợp điều trị dứt điểm bệnh lý đó.

Để phòng bệnh hạ canxi máu cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh. Ăn uống đủ dinh dưỡng nhất là thức ăn chứa nhiều canxi. Tăng cường vận động ngoài trời, với trẻ em cần tắm nắng hàng ngày để bổ sung lượng vitamin D cần thiết và tăng cường hấp thu canxi cho cơ thể.

BS. Hồng Hạnh

 


Ý kiến của bạn