Hà Nội

Chớ xem thường bệnh viêm màng não mủ

06-05-2010 08:05 | Đời sống
google news

Viêm màng não mủ là một bệnh có thể gặp trong cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Bệnh viêm màng não mủ do một số vi khuẩn gây ra nhưng đáng chú ý nhất là do vi khuẩn não mô cầu

Viêm màng não mủ là một bệnh có thể gặp trong cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Bệnh viêm màng não mủ do một số vi khuẩn gây ra nhưng đáng chú ý nhất là do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitis). Viêm màng não mủ có thể lây lan thành dịch. Hiện nay người ta có thể chủ động phòng bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu rất có hiệu quả.

 Vi khuẩn não mô cầu gây viêm màng não mủ.
Điều kiện nào cho vi khuẩn não mô cầu gây bệnh?

Nghiên cứu cho thấy có khoảng từ 2 - 8% trẻ em lành mang vi khuẩn não mô cầu ở đường hô hấp trên như ở họng, mũi, hầu (người ta thường gọi là người lành mang vi khuẩn hoặc nói đúng hơn là người mang mầm bệnh không triệu chứng). Vi khuẩn não mô cầu có ở người bình thường nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi (như khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút vì một lý do nào đó) thì vi khuẩn não mô cầu trở nên gây bệnh. Lúc này người ta gọi là vi khuẩn gây bệnh cơ hội. Trong các vụ dịch viêm màng não do não mô cầu thì vi khuẩn não mô cầu lây từ trẻ này sang trẻ khác. Khi mắc bệnh thì bệnh được thể hiện nhiều loại khác nhau từ nhẹ như viêm mũi, họng (viêm đường hô hấp trên) đến nặng như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não. Đối với các thể bệnh nặng (bệnh nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não) thì vi khuẩn não mô cầu sẽ đi vào máu, đường bạch huyết và gây nên những triệu chứng điển hình của bệnh nhiễm khuẩn huyết.

Nhận biết viêm màng não mủ

Đối với bệnh viêm màng não mủ thì vi khuẩn từ máu, bạch huyết đi đến khu trú và phát triển, mưng mủ ở sọ, màng mềm gây nên bệnh viêm màng não mủ. Bệnh thường khu trú tại màng não, vùng vòm sọ. Thể bệnh viêm màng não đơn thuần và điển hình thường xuất hiện nhanh, sốt cao 39 - 40oC; bệnh nhân thường ở trong trạng thái kích thích, vật vã, co giật động kinh cùng với biểu hiện tâm thần do nhiễm khuẩn như đau đầu dữ dội, nôn vọt. Người bệnh thường nằm theo tư thế cò súng, có dấu hiệu cứng gáy, dấu hiệu Kernig và vạch màng não dương tính (ở trẻ nhỏ thường có thóp phồng). Bệnh nhi thường sợ ánh sáng nên trẻ hay nằm quay mặt vào tường, có thể có dấu hiệu xuất huyết. Có thể gặp ban xuất huyết ngoài da, đặc điểm của ban xuất huyết do não mô cầu là có kích thước không đồng đều, to, nhỏ khác nhau, đôi khi có kèm theo hoại tử. Nếu bệnh phát hiện muộn thì điều trị gặp nhiều khó khăn và khi điều trị khỏi có thể để lại nhiều di chứng nặng nề. Ngoài thể viêm màng não đơn thuần còn có thể gặp  loại viêm màng não - não phù nề kịch phát. Biểu hiện là sốt cao, kích thích, vật vã, mạch chậm, huyết áp dao động, rối loạn hô hấp, hôn mê... Những loại bệnh viêm màng não mủ nặng như thế này nếu không phát hiện sớm, xử trí không kịp thời và đúng thì tính mạng người bệnh dễ bị đe doạ. Vì vậy để giúp cho chẩn đoán chính xác và kịp thời thì khi nghi là bệnh viêm màng não mủ cần được hội chẩn sớm để được chọc nước não tuỷ. Thông thường người ta thấy khi chọc nước não tuỷ sẽ thấy có hiện tượng tăng áp lực, dịch não tuỷ đục, protein tăng. Bằng phương pháp ly tâm nước não tủy lấy cặn để nhuộm đơn  sẽ thấy có trên 3 tế bào bạch cầu trong một vi trường (thường bạch cầu tăng rất cao). Nhuộm gram cặn ly tâm của nước não tủy sẽ thấy có song cầu khuẩn, hình hạt cà phê, không bắt màu gram (gram âm), vi khuẩn có cả trong và ngoài tế bào bạch cầu. Nếu có điều kiện nuôi cấy vi khuẩn (cần nuôi cấy sớm để tránh vi khuẩn bị chết) vào các loại môi trường đặc hiệu  để xác định thì rất tốt.

 Vi khuẩn não mô cầu gây viêm màng não mủ.
Nguyên tắc phòng bệnh

Khi trẻ bị viêm đường hô hấp dù là viêm đường hô hấp trên hay đường hô hấp dưới cũng rất cần cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Các ông bố, bà mẹ chớ chủ quan khi thấy trẻ chỉ có một  vài triệu chứng nhẹ về đường hô hấp mà bỏ qua sẽ rất nguy hiểm nhất là trẻ ở vùng đang có bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu gây ra. Hằng ngày nên vệ sinh họng, miệng cho trẻ. Đối với trẻ lớn cần tập thói quen cho trẻ tự vệ sinh họng, miệng bằng cách đánh răng sau ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Nên định kỳ cho trẻ đi khám bệnh về đường hô hấp. Nếu bác sĩ phát  hiện trẻ mắc bệnh về đường hô hấp thì cần cho trẻ điều trị dứt điểm theo đơn của bác sĩ khám bệnh cho con mình. Nơi địa phương đang có dịch hoặc có trẻ nghi mắc bệnh viêm màng não mủ thì cần cách ly bệnh nhi và tránh tiếp xúc với  trẻ bị bệnh vì vi khuẩn có thể lây qua các giọt nước bọt, chất nhày họng do bệnh nhi ho, hắt hơi hoặc nói bắn ra không khí xung quanh rồi  trẻ lành trực tiếp hít phải sẽ mắc bệnh (nếu trẻ đó chưa có kháng thể chống vi khuẩn não mô cầu). Bên cạnh đó cần có chế độ dinh dưỡng tốt và giữ ấm cho trẻ. Phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất vẫn là dùng vaccin phòng bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu gây ra. Trẻ em dưới 36 tháng cần được dùng loại vaccin này để gây miễn dịch chủ động.  

ThS.BS. Bùi Mai Hương(BV Xanh Pôn)


Ý kiến của bạn