Chớ xem nhẹ nguồn thực phẩm giầu kẽm trong bữa cơm hằng ngày

17-08-2018 13:53 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ em trong các hộ gia đình thu nhập thấp thường ăn khẩu phần ăn ít thịt cá, hải sản sẽ dẫn tới thiếu kẽm, hệ miễn dịch kém, chậm lớn và mắc nhiều bệnh mạn tính. Bổ sung kẽm đầy đủ sẽ giúp làm giảm 18% tỷ lệ tiêu chảy, 41% tỷ lệ viêm phổi, giảm tỷ lệ tử vong trên 50%.

Những tác dụng tuyệt vời của kẽm với cơ thể

Kẽm giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành.

Kẽm tham gia vào thành phần của trên 300 enzym kim loại. Là chất xúc tác không thể thiếu được của ARN-polymerasa, có vai trò quan trọng trong quá trình nhân đối AND và tổng hợp protein. Do đó, kẽm giúp tăng phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng. Nếu thiếu kẽm, sự phân chia tế bào sẽ khó xảy ra nên ảnh hưởng trầm trọng tới sự tăng trưởng cả cân nặng và chiều cao.

Ngoài ra, kẽm còn tham gia vào quá trình sinh tổng hợp và điều hòa chức năng của trục hormone dưới đồi như GH (Growth hormone), IGF-I là những hormone tăng trưởng và kích thích tăng trưởng.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc bổ sung kẽm có hiệu quả tăng trưởng chiều cao tốt hơn ở cả trên trẻ bình thường cũng như trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.

Bên cạnh đó kẽm còn giúp duy trì và bảo vệ các tế bào vị giác và khứu giác. Thiếu kẽm, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây biếng ăn do rối loạn vi giác. Trẻ em biếng ăn sẽ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển.

Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng..).

Bổ sung kẽm đầy đủ giúp giảm 41% chứng viêm phổi

Những thức ăn nguồn gốc thực vật có chứa kẽm với giá trị sinh học thấp, do chứa nhiều chất ức chế hấp thu kẽm. Do đó, khẩu phần ăn ít thịt cá, hải sản mà chỉ chủ yếu ăn ngũ cốc và các thực phẩm thực vật sẽ làm tăng nguy cơ thiếu kẽm.

Nghiên cứu can thiệp cho thấy việc Bổ sung kẽm cho trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi có tác dụng phục hồi rõ rệt cả về tốc độ phát triển chiều cao và cân nặng, làm tăng nồng độ hormon IGF-1.

Theo nghiên cứu của Castillo – Duran, việc bổ sung kẽm cho trẻ có cân nặng sơ sinh thấp cho thấy có sự tăng trưởng tốt cả về chiều cao và cân nặng trong 6 tháng đầu đời.

Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy bổ sung kẽm giúp làm giảm 18% trường hợp tiêu chảy, 41% trường hợp viêm phổi và làm giảm tỷ lệ tử vong trên 50%.

Nhu cầu của kẽm cần có trong khẩu phần ăn hàng ngày:

Trẻ dưới 5 tháng: 2,8mg/ngày,

Trẻ 6-11 tháng-2 tuổi: 4,1mg/ngày

Trẻ 3-5 tuổi: 4,8mg/ngày,

Trẻ 6-9 tuổi: 5,6mg/ngày,

10-19 tuổi: khoảng 7,2 đối với nữ, và 8,6mg/ngày đối với nam.

Thực phẩm giầu kẽm

Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng..).

Đậu xanh nảy mầm cũng là thực phẩm giàu kẽm và dễ hấp thu. Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò.

Do đó, người mẹ cần ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm để có đủ kẽm cho cả hai mẹ con..

Bảng thực phẩm do viện Dinh dưỡng Quốc gia cung cấp


Thanh Loan (ghi)
Ý kiến của bạn