Đã lâu không ăn cháo lòng, tiết canh, nên buổi sáng hôm ấy, vợ chồng anh Huy rủ nhau đi ăn một bữa. Dù cũng hơi e ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, nhưng một phần nhìn bát tiết canh ngon, một phần vì tin tưởng vào hàng cháo lòng “trước nay vẫn ăn quen”, nên anh Huy tặc lưỡi đánh chén một bát tiết canh nhỏ. Ăn xong rồi, cả ngày anh Huy nghe ngóng trong bụng không thấy làm sao nên rất yên trí. Ấy vậy mà đến đêm bụng dạ nó mới giở chứng, đau quặn và đi tiêu chảy liên tục. Cũng bị mất ngủ theo vì chồng, chị Tuyết lục tìm vỉ thuốc cầm tiêu chảy mà lần trước chị cũng bị đau bụng đi ngoài, bác sĩ kê cho uống. May quá, vỉ loperamid đây rồi, vẫn còn hạn sử dụng đến năm 2018. Chị Tuyết lấy luôn 2 viên đưa ra cho chồng uống và thấy ngay hiệu quả, không còn phải “ôm” toilet suốt nữa. Sáng hôm sau, để cho chắc dạ, anh Huy uống thêm 2 viên thuốc nữa…
Nhưng lạ làm sao, dù không “chạy” đi tiêu chảy nữa, nhưng bụng anh Huy lại đau quặn hơn, rồi nôn thốc nôn tháo, mệt lả, hạ huyết áp... Vợ anh vội bắt xe đưa anh đến trung tâm y tế. Tại đây anh được truyền dịch bù nước điện giải, chỉ như vậy thôi mà anh thấy bớt mệt rất nhiều, dù vẫn bị đau bụng và đi ngoài thêm vài lần nữa.
Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận anh bị ngộ độc thức ăn, anh Huy được bác sĩ Hoàng Mai Phương (Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội) giải thích: Khi bị tiêu chảy, biện pháp đầu tiên ở nhà là pha dung dịch oresol đúng tỉ lệ rồi uống để bù nước và điện giải cho cơ thể đỡ mệt. Sau đó, nếu tình trạng tiêu chảy nặng hơn thì phải đến cơ sở y tế để được khám, tìm nguyên nhân rồi bác sĩ mới kê đúng đơn thuốc được. Trong trường hợp bị ngộ độc thức ăn thì việc tống được hết chất độc của thức ăn ra khỏi cơ thể là rất tốt, bởi khi đào thải được hết chất độc, sức khỏe sẽ ổn định trở lại mà không cần dùng thêm bất cứ thứ thuốc nào khác ngoài dung dịch bù nước oresol.
Loperamid đúng là một thuốc được dùng để cầm tiêu chảy trong các trường hợp tiêu chảy cấp không rõ nguyên nhân và một số tình trạng tiêu chảy mạn tính. Bởi thuốc làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa và tăng trương lực cơ thắt hậu môn. Thuốc còn có tác dụng kéo dài thời gian vận chuyển qua ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải qua niêm mạc ruột, do đó làm giảm sự mất nước và điện giải, giảm lượng phân. Nhưng nếu dùng thuốc trong trường hợp bị ngộ độc thức ăn thì vô tình đã khiến cho tình trạng bệnh nặng thêm, bởi thuốc còn làm giảm sự gấp gáp trong phản xạ đại tiện không kìm chế. Do cơ chế tác dụng này của thuốc nên khi người bệnh bị ngộ độc thức ăn mà dùng loperamid sẽ làm cho các chất độc của thức ăn không được cơ thể tống ra ngoài mà lại bị giữ, phát tác và gây hại cho người bệnh làm cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn như trường hợp của anh Huy.