Mặc dù Bộ Y tế đã thông tin vắc-xin Quivaxem vẫn an toàn cho trẻ, tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn kiên quyết không cho con em mình đi tiêm chủng loại vắc-xin này đúng độ tuổi và thời gian mà “săn” vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1 xách tay hoặc tìm mua trên mạng... Theo khuyến cáo của các chuyên gia, việc chờ đợi vắc-xin dịch vụ để tiêm cho trẻ của nhiều gia đình đã khiến trẻ mất “cơ hội vàng” phòng bệnh...
Phụ huynh không nên tiêm phòng cho trẻ tại nhà mà cần đưa con đến các cơ sở y tế. Ảnh: TM
Mặc dù con gái đã đến thời hạn tiêm chủng vắc-xin tổng hợp mũi đầu tiên từ cách đây gần 1 tháng, nhưng chị Nguyễn Thanh N. ở Nam Trung Yên - Cầu Giấy, Hà Nội vẫn không cho con đến trạm y tế phường tiêm dù cán bộ y tế phường đã đến tận nhà để gửi giấy mời tiêm chủng. Lý do chị N. đưa ra là: “Gia đình tôi đang nhờ người quen mua hộ vắc-xin 5 trong 1 từ Singapore mang về để tiêm cho bé”. Trường hợp như chị N. không phải hiếm, chị Trần Thùy Trang ở Hoàng Mai cũng không cho cậu con trai hơn 4 tháng tuổi đi tiêm vắc-xin Quivaxem mũi 2 cho dù đã đến lịch tiêm vì chị vẫn đang hy vọng có nguồn vắc-xin dịch vụ mà chị đã giao dịch để đặt mua từ “người quen” với giá lên đến tiền triệu - trong khi giá bình thường khoảng hơn 700.000đ/mũi tiêm.
Trước thông tin băn khoăn về việc tại sao ở các nước khác vẫn có vắc-xin dịch vụ, trong khi ở Việt Nam lại khan hiếm vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tại Singapore vẫn có vắc-xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 là do họ có kế hoạch đặt hàng và với số lượng lớn từ nhiều năm trước đó. Bình thường, vắc-xin muốn có phải đặt hàng 2 - 3 năm. Các nhà sản xuất vắc-xin có thành phần ho gà vô bào đang thay đổi công nghệ sản xuất nên đã ngừng sản xuất vắc-xin để phục vụ các lô hàng đơn lẻ, ưu tiên đơn hàng lớn, đặt hàng lâu lăm. Từ nay đến cuối năm, thậm chí hết năm 2016, sẽ vẫn khan hiếm, thậm chí không có vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1 vì các công ty nhập khẩu của Việt Nam thường mua theo lô lẻ, số lượng không nhiều nên giờ muốn nhập cũng không được cung cấp vì họ không đủ nguồn vắc-xin.
Ông Phu cho biết thêm, hiện nay chỉ thiếu vắc-xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1, còn các vắc-xin dịch vụ khác như thủy đậu, sởi, viêm não mô cầu... đều vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Về thông tin có hiện tượng nâng giá vắc-xin dịch vụ và nhiều gia đình có con nhỏ “săn” vắc-xin dịch vụ qua mạng hay chờ hàng xách tay..., ông Phu cho biết, Bộ Y tế nghiêm cấm việc tiêm vắc-xin dịch vụ tại nhà và nghiêm cấm đẩy giá vắc-xin, tuy nhiên nếu phụ huynh cứ tiếp tục chờ đợi vắc-xin dịch vụ hay hàng “xách tay”, trẻ có thể sẽ bị mắc bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B. Bài học qua vụ dịch sởi năm 2014, hay gần đây là ho gà, bạch hầu... Qua giám sát cho thấy, phần lớn các trường hợp mắc bệnh là do không được tiêm, hoặc tiêm không đầy đủ vắc-xin phòng bệnh, hoặc do trẻ tiêm muộn. Với các loại vắc-xin “xách tay”, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân không nên sử dụng vì đây là nguồn hàng trôi nổi, không bảo đảm chất lượng (do vắc-xin được bảo quản trong điều kiện thích hợp). Do đó, người dân cần phải thay đổi nhận thức giữa tiêm dịch vụ và mở rộng. Các vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng được tổ chức tiêm đầy đủ trong tháng, đảm bảo số lượng theo nhu cầu và an toàn.
Nguyễn Hoàng