Khai thác bệnh sử được biết, cụ L. có tiền sử cao huyết áp, đái tháo đường type 2. Tuy nhiên cụ vẫn sinh hoạt đi lại bình thường, cũng như đạp xe đi chơi gần xa tại chỗ ở. Cách đây khoảng hơn 1 tháng khi đạp xe, cụ bị chó gần nhà tuột xích cắn vào cẳng chân phải. Được biết đây là giống chó ta.
Sau tai nạn, cụ L. được gia đình đưa tiêm phòng, chăm sóc thay băng vết thương tại gia đình. Sau đó viết thương vẫn còn viêm tấy, đau nhưng do nhiễm COVID-19 nên cụ L. đành thay băng chăm sóc tại nhà. Gần đây khi xét nghiệm lại lần nữa khi âm tính với COVID-19, gia đình đưa cụ đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thì vết thương đã tiến triển thành hoại tử đen.
Qua thăm khám ThS.BS Trần Tuấn Anh, Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn cho biết: "Vết thương hiện của cụ L. khá phức tạp, chân phải bắp chân teo, mặt trước cẳng chân hoại tử đen 15 x 8cm, mạch mu chân khó bắt. Phim chụp X-quang cho thấy người bệnh tắc hoàn toàn động mạch chày sau 2 bên. Người bệnh được chỉ định nong mạch nhưng tiên lượng khá dè dặt".
Bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ thêm, khả năng cắt cụt chi của cụ L. rất cao vì tuổi cao, bệnh nền và bệnh tiến triển khá lâu. Thực tế ngoài bệnh nền từ lâu có thể do tác động nhiễm trùng từ vết thương do chó cắn gần đây làm cho tình trạng hẹp mạch máu tăng và dẫn đến tắc cục bộ, thiếu nuôi dưỡng và hoại tử phần mô chi tương ứng. Cụ L. còn khá minh mẫn nên các bác sĩ đã giải tích nguy cơ cho cụ và gia đình.
Qua trường hợp này, các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần lưu ý vấn đề sức khỏe người già, bệnh nền kết hợp cần được theo dõi và chăm sóc thường xuyên. Bên cạnh đó việc quản lý nuôi chó và chó thả rông cần được mọi người hưởng ứng để xã hội văn minh, môi trường sống sạch sẽ và cũng giảm những nguy cơ bệnh tật như ca bệnh cụ L.
Thực tế đã xảy ra rất nhiều tai nạn đau lòng do chó cắn. Theo số liệu của UBND TP Hà Nội, hiện tại tổng đàn chó, mèo của thành phố vào khoảng 460.000 con, đứng thứ hai cả nước sau Nghệ An. Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp tử vong vì bệnh dại và bị chó cắn... Chính vì thế, mới đây Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030, trong đó giao 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành lập đội bắt chó, mèo thả rông, nhằm phòng chống bệnh dại trên người và vật nuôi.
Kế hoạch này yêu cầu người dân khai báo việc nuôi chó mèo với UBND cấp xã; cam kết xích, nhốt trong khuôn viên gia đình; bắt buộc rọ mõm, đeo xích khi đưa thú nuôi ra không gian công cộng; tiêm vaccine phòng dại định kỳ. Bên cạnh đó, người nuôi chó mèo chịu chi phí nuôi dưỡng, tiêu hủy khi vật nuôi bị bắt và phải bồi thường, chịu trách nhiệm nếu vật nuôi làm hại đến người khác...
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế những ngày qua cho thấy, mặc dù đã có Nghị định 90/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y nhưng tại các địa điểm công cộng, khu vui chơi có trẻ nhỏ như các công viên, vườn hoa vẫn có rất nhiều loại chó không được rọ mõm, vô tư thả rông. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hại và gây nhức nhối, bức xúc cho người dân. Mục tiêu hướng tới thủ đô không còn bệnh dại trong giai đoạn 2022-2030 liệu có đạt được?
Theo ThS.BS Cao Việt Hưng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, thực tế có rất nhiều trường hợp bị chó mèo cắn khi vào viện cấp cứu rất thương tâm, đặc biệt là các bệnh nhân khi đã lên cơn dại thì tỉ lệ tử vong gần như 100%. Đây là căn bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật bị bệnh dại lên vùng da bị tổn thương. Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt…
Bệnh dại có thời gian ủ bệnh dài và phát hiện bệnh muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần, có khi hàng năm nên vết thương do chó cắn đã liền sẹo, thậm chí người ta còn quên mất việc người bệnh từng bị chó cắn!
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân, nhất là gia đình có trẻ nhỏ không nên cho trẻ chơi chung với chó, mèo nhiều. Nếu là chó mèo của gia đình thì phải bắt buộc tiêm phòng đầy đủ định kỳ. Khi nghi ngờ trẻ có tiếp xúc không an toàn với chó, mèo hoặc bị chó, mèo cào, cắn, liếm lên vết thương hở cần đưa trẻ đi tiêm phòng dại ngay.