Nhưng những gì đang thể hiện ở nhiều khu chợ truyền thống hiện nay, các nhà quản lý khó đảm bảo được tương lai cho chúng.
Chợ hiện đại vắng như “chùa bà đanh”
Tốc độ đô thị hóa của TP. Hà Nội nhanh chóng khiến cho rất nhiều khu chợ truyền thống dần thu hẹp hoặc... biến mất. Thay vào đó, sức hút mới lại tập trung ở các mô hình chợ - trung tâm thương mại (TTTM). Tuy nhiên, theo ghi nhận gần đây, người bán hàng trong các TTTM đông hơn người mua, cảnh đìu hiu diễn ra ở hầu hết các TTTM trong khi chợ dân sinh truyền thống dù buôn bán đông đúc tấp nập nhưng lại trong tình trạng xập xệ, nhếch nhác.
Điển hình cho loạt công trình “thay da đổi thịt” phải kể đến chợ Hàng Da. Chợ này được hình thành cách đây khoảng 30 năm bằng tiền đóng góp của các tiểu thương. Trong khoảng 20 năm, chợ Hàng Da luôn hoạt động tấp nập, là nơi bán buôn, bán lẻ với đủ mọi mặt hàng. Nhưng kể từ năm 2008, chợ Hàng Da được xây dựng thành dạng hỗn hợp Chợ - TTTM. Quyết định này khiến chợ Hàng Da từng sầm uất bậc nhất Hà Nội hoàn toàn mất đi sức sống. Phần lớn các gian hàng phải đóng cửa vì không thể kinh doanh cũng không thể cho thuê.
Trong khi đó, chợ Mơ - từng là một điểm đến khá quen thuộc của nhiều người dân Hà Nội cũng có chung số phận, do chợ bị đưa xuống tầng hầm không tiện cho mua bán, lại thêm không khí rất ngột ngạt nên khách cứ dần thưa thớt. Thậm chí nhiều gian hàng đóng cửa im lìm. Chợ Cửa Nam cũng vậy, sau giai đoạn hoàng kim, giờ đây nó chỉ còn cái tên, bên trong hoàn toàn không có hoạt động gì liên quan đến chợ dân sinh.
Trước thực trạng này, một số chuyên gia đã tỏ ra lo ngại về việc tiếp tục phá chợ truyền thống để xây chợ hiện đại. Nói cách khác, khi chuyển đổi một mô hình đã gắn liền với thói quen sinh hoạt của người dân, các nhà quản lý cần xem xét và cân nhắc nhiều vấn đề, đặc biệt là truyền thống mua sắm của người dân. Rõ ràng, những khu chợ gói ghém nét đẹp văn hóa, lịch sử, truyền thống không dễ dàng thay đổi hoặc từ bỏ.
Những khu chợ gói ghém nét đẹp văn hóa, lịch sử, truyền thống không dễ dàng thay đổi hoặc từ bỏ.
Tương lai của chợ truyền thống
Một trong những nguyên nhân khiến chợ hiện đại nhận về sự lạnh nhạt của người dân chính là vì chúng đã đánh mất yếu tố cốt lõi của mình. Trong tiềm thức của người Việt nói chung, người Hà Nội nói riêng, chợ không chỉ có chức năng cơ bản là nơi trao đổi hàng hóa, hoạt động thương mại. Chợ truyền thống Hà Nội còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, ít nhiều mang màu sắc văn hóa và lưu giữ được cái hồn cốt truyền thống của mình. Người ta đi chợ không phải vì nhu cầu mua thứ gì đó mà đôi khi chỉ để được sống trong không khí chợ, để được ngấm trong mình một nét văn hóa chợ rất đặc trưng của Thăng Long xưa và Hà Nội nay.
Các chợ trung tâm ở Hà Nội cũ như chợ Đồng Xuân, chợ Mơ, chợ Hôm... đều là những chợ có lịch sử đáng tự hào. Ví như chợ Hôm, khu vực mua sắm nằm trên địa bàn phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, được thành phố xếp loại là 1 trong 9 chợ loại I của Hà Nội, nổi tiếng về sự cung ứng các mặt hàng thực phẩm tươi sống và rau quả. Tại tầng 1 của chợ Hôm là các quầy hàng rau quả và thực phẩm tươi sống với đủ sắc màu tươi rói, đầy sức chào mời các bà nội trợ. Không ngẫu nhiên mà chợ Hôm lại nổi tiếng bởi ở đây có cả một truyền thống buôn bán kinh doanh đã hình thành và được gìn giữ qua nhiều năm tháng. Hơn 500 hộ kinh doanh, từ những người có vốn lớn buôn bán to đến những người vốn ít chỉ đủ bán hàng lá hoặc quà bánh.
Khảo sát thực tế tại một số chợ truyền thống tại khu vực nội của Hà Nội, đa phần các tiểu thương và người buôn bán nhỏ đã thay đổi mô hình kinh doanh để đáp ứng với nhu cầu thực tế. Ví như ở chợ Đồng Xuân, doanh thu bán hàng đạt trên 100 tỷ đồng/tháng, lượng hàng hóa thực phẩm các loại luân chuyển qua chợ từ 10-20 tấn/ngày, nhưng chợ đã được bố trí thành những khu vực riêng để có thể vừa kinh doanh, vừa khai thác hoạt động du lịch, khách du lịch có thăm quan kết hợp mua sắm, ăn uống tại chợ.
Theo các chuyên gia, để có thể tồn tại được, các chợ truyền thống cần phải đa dạng hóa loại hình kinh doanh, dịch vụ. Trong khu vực nội đô, mô hình kinh doanh chợ truyền thống có lợi thế để duy trì nếu như kết hợp song song với hoạt động khai thác du lịch. Hiện nay, các chợ truyền thống vẫn được cải tạo, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo an toàn cho người dân khi kinh doanh, mua sắm. Tuy nhiên, việc cải tạo nâng cấp phải đảm bảo không làm mất đi “tính chợ” mà nó làm cho cơ sở vật chất được tốt hơn, phù hợp hơn để khai thác kinh doanh.
Suy cho cùng, mỗi khu chợ đều gắn với thói quen sinh hoạt của một cộng đồng dân cư. Bởi thế, ngoài chức năng phát triển kinh tế dân sinh, chợ cũng phải là địa điểm sinh hoạt cộng đồng thu hút được lối sống mới trong quá trình đô thị hóa. Văn minh thương mại luôn phải song hành với văn hóa ứng xử trong đời sống, có như thế, các khu chợ của thế kỷ XXI mới tạo nên một nét văn hóa độc đáo và tồn tại dài lâu.