Hà Nội

Chó trong y dược học

01-02-2018 20:29 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Đối với Tây y, không có bộ phận nào của chó được dùng làm thuốc. Ngay như các thuốc có nguồn gốc phủ tạng (opthérapie), tức là các thuốc bào chế từ trích tinh gan, tuyến giáp, nang thượng thận, tụy tạng, các cơ quan này được chủ yếu lấy từ heo, bò chứ không phải chó.

Nhưng chó đóng vai trò đáng kể trong sự hình thành, phát triển các lãnh vực y dược như: sinh lý học, dược lý học, dược lý di truyền (pharmacogenetics).

Họ Chó (Canidaae) có nhiều giống. Riêng giống chó nhà với tên khoa học là Canis familiaris L.giống được thuần hóa giúp người giữ nhà và săn bắn từ thời xa xưa, ít ra cũng vài ngàn năm trước Công nguyên.

Chó trong y dược họcIvan Pavlov (1849 - 1936) đã đưa ra lý thuyết rất nổi tiếng “phản xạ có điều kiện” nhờ và chó

Trong Đông y, nhiều bộ phận của chó được dùng làm thuốc. Thí dụ như: cẩu thận (Penis, Testis canis) gồm dương vật, và tinh hoàn của chó, theo y học cổ truyền, được dùng chữa thận dương suy nhược, liệt dương, di tinh. Cẩu bảo (Calculus canis) là sỏi lấy từ dạ dày của chó bị bệnh, theo tài liệu Đông y cổ được dùng giải độc, chữa mụn nhọt, nôn mửa, nấc, nghẹn. Gọi là cẩu bảo, tức vật quý của chó, vì chó bị bệnh có sỏi trong dạ dày rất hiếm.

Chó đã dùng với các súc vật khác như: chuột nhắt, chuột cống, chuột lang (guinea pig), thỏ, mèo, ngựa, bò, heo, khỉ … tạo thành đội ngũ gọi là “súc vật thí nghiệm” (laboratory animals) sẵn sàng hy sinh vì cuộc sống của con người. Không có chúng, các loại thuốc mới không thể ra đời. Bởi vì, trước khi thử thuốc trên lâm sàng, tức thử trên người, bao giờ một loại thuốc mới cũng phải được thử tác dụng điều trị, độc tính, độ an toàn trên súc vật thí nghiệm.

Trong lĩnh vực sinh lý học, vào đầu thế kỷ 20, chính nhờ nghiên cứu sinh lý bộ máy tiêu hóa trên chó mà nhà bác học Ivan Pavlov (1849 - 1936) đã đưa ra lý thuyết rất nổi tiếng là lý thuyết “phản xạ có điều kiện” (conditioned reflex). Chó thí nghiệm được cho ăn thịt và được chiếu đèn lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Sau cùng chỉ cần chiếu đèn là lập tức miệng chó sẽ tiết nước bọt, dù không có thịt ăn vào. Phản xạ có điều kiện ở đây là ánh đèn đã được thành lập. Pavlov còn mở rộng lý thuyết này sang lý thuyết “hoạt động cấp cao của hệ thần kinh gồm phản xạ có điều kiện và phản xạ không có điều kiện”. Trong lĩnh vực dược lý học, tức là lĩnh vực nghiên cứu tác dụng của thuốc đối với cơ thể sống, chó là vật thí nghiệm cho nhiều loại thuốc. Chó được xem là súc vật tốt nhất dùng để nghiên cứu tác dụng của thuốc đối với huyết áp. Để nghiên cứu tác dụng của thuốc đối với sự tiết axít dịch vị, thí dụ như thuốc kháng axít, người ta thường dùng phương pháp Pavlov mở lỗ dò khảo sát trực tiếp dịch vụ trong dạ dày chó. Trong công tác kiểm nghiệm thuốc, ngoài kiểm nghiệm tính chất lý hóa, một số thuốc còn phải được kiểm nghiệm sinh học (biological testing). Thí dụ như adrenaline, để kiểm nghiệm một mẫu adrenaline nào đó, người ta sẽ xem tác dụng của nó trên huyết áp của chó và so sánh với thuốc adrenaline chuẩn. Để xem tác động của thuốc gây mê tác động trên hệ thần kinh trung ương, người ta dùng chó làm vật thí nghiệm, đặc biệt là chó cái.

Trong lĩnh vực dược lý học có một chuyên ngành có tên là Dược lý di truyền (pharmacogenetics). Đây là chuyên ngành chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố di truyền đối với sự đáp ứng tác dụng của thuốc. Thí dụ như có nhiều loại vật khi mới sinh ra, cơ thể của chúng không có khả năng chuyển hóa thuốc trong khi loài gà ngay từ trong trứng đã có khả năng biến đổi thuốc theo chiều có lợi cho cơ thể chúng. Hay có một số loài người bẩm sinh trong cơ thể không có enzym glucose 6-phosphate dehydrogenase (G6PD) nên có một số thuốc người thường sử dụng không sao nhưng đối với họ thì rất độc do không có G6PD để chuyển hóa  thuốc. Chó là một  trong những vật nghiệm được dùng trong chuyên ngành nghiên cứu này. Đặc biệt, có một số bệnh di truyền gặp ở người nhưng đồng thời cũng gặp ở chó. Có thể kể các bệnh di truyền cùng gặp ở người mà chó như: bạch tạng (albinism), đục thủy tinh thể (cataract), điếc (deafness), viêm võng mạc sắc tố (retinitis pigmentosa), loạn  dưỡng sụn (chondrodystrophia), huyết hữu (hemophylia). Do vậy, các nhà dược lý di truyền nghiên cứu ảnh hưởng của sự khiếm khuyết di truyền trên sự đáp ứng tác dụng thuốc ở chó và nhiều súc vật khác để suy ra cho người khi các khiếm khuyết di truyền đó cũng gặp ở người. Chó đốm (Dalmatian dog) là đối tượng được nghiên cứu về bệnh “tăng axít uríc niệu bẩm sinh” vì loại chó này khi bị khiếm khuyết di truyền không chuyển hóa được các chất có nhân purin (caffeine, theophylline) giống như người và thải trừ axít uric trong nước tiểu rất nhiều.

Chó trong y dược học

Như vậy, trong y dược học chó có nhiều công lớn. Nhưng cái gì trong đời mà không có mặt trái của nó, do sống gần gũi với người, chó có khi là nguồn lây bệnh cho người, bệnh dại, một bệnh do chó truyền cho người từng là nỗi kinh hoàng của loài người và hiện nay vẫn còn gieo rắc sự hiểm nguy (nói đến bệnh dại, cần nhắc đến công ơn to lớn của nhà bác học Pasteur, người đã tìm ra thuốc chủng ngừa bệnh dại). Chó cũng là thủ phạm truyền cho người một số bệnh gọi là “ký sinh trùng lạc chỗ” tức bị các loại ký sinh trùng sống ở động vật là chó xâm nhập vào người để gây bệnh, chẳng hạn như bệnh sán Echinococcus granulosus, bệnh sán Dipylidium canicum. Nhưng ta hoàn toàn có thể xóa bỏ những điều không tốt đẹp này khi nghĩ về chó. Chó mãi mãi là con vật trung thành thân thương khi được nuôi dưỡng hợp vệ sinh (đồng thời với việc ta ăn ở vệ sinh), không thả rong chó và nhất là tiêm ngừa cho chó đầy đủ.


PGS.TS.DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Ý kiến của bạn