Chỉ bằng bài tập thể dục giữa giờ mỗi ngày, trẻ em cảm thấy phấn chấn và khỏe mạnh, học tốt hơn. điều này cho thấy tầm quan trọng trong việc rèn luyện sức khỏe đối với trẻ.
Trong xã hội hiện đại, nhu cầu giải trí càng cao thì việc chú ý rèn luyện thân thể càng ít được chú trọng, nhất là trẻ em. Điều này sẽ gây nhiều bất lợi cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.
Nâng cao ý thức cho trẻ rèn luyện thân thể hàng ngày
Rèn luyện thân thể hay còn gọi đơn giản là tập thể dục là một chế độ rèn luyện lành mạnh cho cả trí não và thân thể. Để việc rèn luyện thân thể cho trẻ hiệu quả, cần lưu ý những nguyên tắc sau đây:
Môn thể thao giúp trẻ rèn luyện phải phù hợp theo lứa tuổi: ngay từ giai đoạn sơ sinh, cha mẹ đã có thể giúp trẻ tập những động tác đơn giản như: giơ chân, giơ tay hay xoa bóp cho trẻ. Trẻ tập bò, tập đi, cha mẹ có thể giơ tay đón trẻ để trẻ tự tin tiến bước. Ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ có thể đi bộ, chạy trong phòng, vươn người, ném bóng... Trẻ ở lứa tuổi học tiểu học có thể học bơi, học múa, tập thể dục thẩm mỹ, đi bộ, đá bóng trong sân… Trẻ càng lớn, càng nhiều môn thể thao hấp dẫn để chọn lựa như: bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn, chạy bộ, nhảy cao, trượt patin, bơi lội…
Môn thể thao trẻ tham gia phải tùy thuộc thể trạng của trẻ: nếu trẻ có xu hướng thừa cân, nên chọn bơi lội, đá bóng, đạp xe đạp, cầu lông… Tuy nhiên, những trẻ yếu ớt thì không nên chọn những môn đòi hỏi mất nhiều năng lượng, trẻ sẽ dễ mệt, thậm chí có thể làm suy kiệt cơ thể sau những buổi tập luyện quá sức với trẻ.
Môn thể thao cần tương thích với năng khiếu và sở thích của trẻ: khi được tập luyện những môn mà trẻ có năng khiếu và yêu thích, trẻ sẽ tham gia một cách thoải mái, tự giác còn nếu bị ép buộc thì trẻ sẽ phản kháng và không mấy quan tâm đến việc tập luyện.
Môn thể thao cho trẻ luyện tập cần tùy thuộc tính cách của trẻ: nếu trẻ thích hoạt động tập thể thì nên chọn các môn mang tính đồng đội. Một số trẻ nhút nhát, ngại tiếp xúc với đám đông thì trước tiên hãy để trẻ tập cùng cha mẹ. Sau đó, cho trẻ làm quen dần với hoạt động nhóm như dự tiệc sinh nhật, đi dã ngoại với các gia đình khác, chơi các trò chơi với bạn cùng lứa tuổi.
Phối hợp các môn thể thao để trẻ phát triển toàn diện hơn: nên cho trẻ tập cả các môn rèn luyện mang tính vận động (chạy, nhảy, bơi) phối hợp với các môn rèn luyện trí tuệ (cờ tướng, cờ vua, xếp hình). Nên cho trẻ luyện tập từ mức thấp đến cao, luôn có khởi động hoặc “làm nóng cơ thể” trước khi bước vào luyện tập môn thể thao dành cho trẻ.
Việc lựa chọn thời gian và thời điểm tập luyện của trẻ: rất quan trọng để không ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể (tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh, bài tiết…). Nên cho trẻ tập thể dục buổi sáng hàng ngày khoảng 10 - 15 phút, tập vào thời gian nhất định trước bữa ăn sáng hoặc cho trẻ đi dạo cùng cha mẹ trước hoặc sau bữa tối ít nhất 1 tiếng.
Tác động tích cực, lâu dài của việc rèn luyện thân thể
Tập thể dục với những bài tập hợp lý luôn mang lại cho con người những lợi ích quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe cho bản thân và một cuộc sống lành mạnh. Những tác động tích cực và lâu dài của thói quen rèn luyện thể lực được ghi nhận như sau:
Tăng cường sức mạnh cho hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống chọi bệnh tật tốt hơn. Trẻ em nhờ luyện tập thân thể giúp giảm đáng kể tỉ lệ mắc các bệnh thông thường như: cúm, dị ứng, và nhiều bệnh lý nguy hiểm, kể cả bệnh ung thư.
Giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2, với cơ chế hoạt động rèn luyện thân thể làm gia tăng hoạt tính của hoóc-môn insulin giúp việc chuyển hóa và hấp thụ chất carbohydrate được tốt hơn. Ngăn ngừa việc tăng huyết áp đột biến và cải thiện việc điều chỉnh lượng cholesteron phù hợp ở trẻ em.
Củng cố hoạt động toàn bộ hệ thống tim mạch cơ thể, quan trọng nhất là tim và phổi. Gia tăng khả năng bơm máu giúp nâng cao sức khỏe cho hệ tim - phổi của trẻ, ngăn ngừa tốt những căn bệnh về tim thường gặp có thể xảy ra.
Tập thể dục giúp ngăn ngừa tình trạng dư cân - béo phì dễ xuất hiện ở trẻ và sẽ kiểm soát tốt lượng mỡ dư thừa trong cơ thể. Trẻ dư cân - béo phì có thể giảm được thể trọng và lượng mỡ dư thừa của cơ thể một cách nhanh chóng thông qua tác động đốt cháy nguồn năng lượng dư thừa bằng những bài tập thể dục.
Thể dục tăng cường sức mạnh cũng như độ dẻo dai của hệ thống xương và cơ bắp của trẻ, đây cũng là nghiệm pháp giúp những trẻ không may bị bệnh “xương thủy tinh” có cơ may phục hồi khả năng vận động và giảm đáng kể tình trạng gãy xương bất thường gây đau đớn cho trẻ.
Giúp trẻ nhận được nhiều lợi ích hơn cho sức khỏe
Tập thể dục làm gia tăng lưu lượng máu đến tất cả cấu trúc mô của toàn cơ thể, đặc biệt là não bộ. Lưu lượng máu đến mô càng nhiều thì càng cung cấp nhiều dưỡng chất và lượng oxygen đầy đủ cho tất cả tế bào của cơ thể.
Những trẻ lanh lợi giúp cơ thể gia tăng khả năng hấp thu lượng oxygen thông qua các bài tập thể dục nhịp điệu (aerobic). Chính những động tác thể dục này sẽ làm gia tăng đáng kể khả năng tiêu thu oxygen của các tế bào, giúp trẻ cảm thấy khỏe khoắn và phấn chấn hơn, điều này rất có lợi cho sức khỏe.
Tăng lưu lượng máu sẽ tăng cường quá trình vận chuyển những sản phẩm chuyển hóa cần thiết cho cơ thể và lấy đi những độc chất được đào thải từ trong tế bào ra khỏi cơ thể, giúp tái tạo, hoặc phục hồi những mô, tế bào bị tổn thương.
Tập thể dục giữa giờ là cách tốt nhất giúp trẻ lấy lại cân bằng sau những giờ học tập mệt mỏi
Trẻ em siêng năng luyện tập sẽ luôn cảm thấy tự tin, dễ chịu và có vóc dáng cân đối khi trưởng thành vì thông qua việc tập luyện thể lực giúp gia tăng quá trình đào thải những độc chất ra khỏi cơ thể. Lý do đơn giản việc luyện tập đều đặn sẽ giúp hệ hô hấp hoạt động tốt hơn và tăng bài tiết mồ hôi cơ thể. Hơi thở và việc bài tiết mồ hôi chính là cách tối ưu nhất giúp cơ thể “dọn dẹp sạch sẽ độc chất” từ bên trong cơ thể.
Giúp trẻ phát triển trí não hoàn thiện hơn
Tập thể dục cải thiện hoạt động não bộ. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy trẻ lanh lợi, hoạt bát thông qua luyện tập sẽ có trí nhớ rất tốt vì chức năng của não bộ được hoàn thiện hơn.
Chọn lọc bài tập mang tính chức năng chính là phương cách giúp loại bỏ những hóc môn có hại, đồng thời gia tăng sự phóng thích những hoóc-môn có lợi cho não. Một trong những hoóc-môn quan trọng đó sẽ đóng vai trò là chất dẫn truyền thần kinh, tạo vùng trí mới cho não bộ.
Trẻ lanh lợi vì được rèn luyện thể lực có khả năng tập trung việc học tốt hơn rất nhiều, ngay cả khi thời gian đã ở cuối tiết học sau một ngày dài học tập tại trường, chính vì vậy việc tập thể dục giữa giờ là cách tốt nhất giúp trẻ lấy lại cân bằng sau những giờ học tập mệt mỏi.
Một số nghiên cứu nhận định rằng rèn luyện thân thể giúp làm giảm những căng thẳng, lo lắng cho trẻ, cải thiện trạng thái trầm cảm ở trẻ, đặc biệt tạo cho trẻ cảm giác sống yêu đời hơn và giúp trẻ ngủ thật ngon giấc.
ThS.BS. Đinh Thạc
(Bệnh viện Nhi đồng 1)