Chở trẻ nhỏ bằng xe máy, cha mẹ cần lưu ý những gì?

29-05-2023 17:54 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhiều bậc phụ huynh chở trẻ nhỏ bằng xe máy do sơ suất đã đặt con vào những tình huống nguy hiểm. Theo chuyên gia, cha mẹ phải đặc biệt lưu ý, không được chủ quan và thờ ơ, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra khi lưu thông cùng con trên đường.

Nhiều chuyến đi dã ngoại dành cho học sinh bị hủyNhiều chuyến đi dã ngoại dành cho học sinh bị hủy

SKĐS - Sau khi Sở GD&ĐT yêu cầu các trường học hạn chế việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm mang tính tự phát, nhiều trường và lớp học mặc dù đã đặt tour vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 nhưng đều đã hủy.

Hồi chuông cảnh báo

Mới đây, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở Bình Định khi bé 4 tuổi vặn tay ga làm xe máy đâm vào bờ tường xi măng khiến 3 người tử vong và 1 người bị thương.

Trước đó đã có rất nhiều vụ tai nạn tương tự xảy ra khi xe máy dừng đỗ nhưng chưa tắt máy, vô tình các cháu nhỏ ngồi phía trước vặn tay ga làm người lớn ngồi sau bị bất ngờ, không kiểm soát được tốc độ của phương tiện. Chính sự chủ quan, bất cẩn của các bậc phụ huynh đã dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Phần đông người Việt chọn xe máy là phương tiện chủ lực khi di chuyển. Anh Trần Nhật (ở Trưng Vương, Phú Thọ) cũng không ngoại lệ và cũng là người có thói quen mỗi khi chở con thường cho con ngồi đằng trước hoặc đứng trên phần để chân của xe ga.

Anh Nhật cho biết sau khi đọc báo về vụ 3 người tử vong vì cháu bé vặn tay ga xe máy mới đây, anh thực sự rùng mình bởi từ trước tới nay anh thường cho con ngồi hoặc đứng đằng trước mỗi khi đi xe máy.

Cha mẹ cần nằm lòng những lưu ý gì khi chở con bằng xe máy? - Ảnh 2.

Theo thống kê, mỗi năm số vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em dưới 6 tuổi chiếm khoảng 20% tổng số vụ xảy ra trong năm. Ảnh minh họa

"Qua vụ việc này tôi thấy mình cần rút kinh nghiệm, không thể chủ quan khi nghĩ rằng tay lái của mình vững thì có thể cho con đứng hoặc ngồi đằng trước bởi rủi ro xảy ra thì không thể nói trước được. Có một lần trong lúc dừng xe nghe điện toại, con tôi đã chạm vào tay ga, may mà lúc đó tôi xử lý kịp nên không xảy chuyện".

Theo thống kê, mỗi năm số vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em dưới 6 tuổi chiếm khoảng 20% tổng số vụ xảy ra trong năm. Nguyên nhân của các vụ tai nạn đều xuất phát từ ý thức chủ quan của người lớn.

Người lớn cần cẩn thận trong mọi hành động

Trao đổi với PV báo Sức khỏe & Đời sống, anh Tạ Hoàng Anh - kỹ sư tại một công ty chuyên cung cấp các thiết bị sửa chữa xe máy và các giải pháp kỹ thuật sửa chữa xe máy tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, có những hành động tưởng như vô tình của các bậc phụ huynh nhưng nhiều khi lại khiến hậu quả để lại cho con vô cùng nghiêm trọng.

Theo anh Hoàng Anh, con trẻ thường hiếu động, nhiều khi không hiểu được hành động mà mình đang làm. Ngoài vô tình vặn tay ga khi dừng xe gây tai nạn thì trẻ nhỏ cũng dễ bị ngã từ trên xe khi xe đang chạy trong trường hợp trẻ ngồi sau không có đai nịt với người lớn. Bởi khi xe đang di chuyển, các bé hay có thói quen ngủ gật khi ngồi phía sau xe máy.

Hơn nữa, nhiều yên xe máy khá rộng so với tầm vóc trẻ, nên khi hai chân chưa thể kẹp vào yên, sự cân bằng phụ thuộc hoàn toàn vào đôi tay và tư thế ngồi. Quá trình xe chạy, trẻ thường lệch dần về một bên. Xe bị xóc, nghiêng hoặc thay đổi tốc độ đột ngột trong khi trẻ buồn ngủ sẽ khiến các em có thể bị ngã khỏi xe. Trường hợp nguy hiểm có thể gây tai nạn nữa là trẻ bị kẹp chân, kẹp quần, váy vào nan hoa của bánh xe.

"Thực tế nhiều bậc phụ huynh sử dụng xe tay ga thường cho con đứng trước yên, kẹp giữa hai chân và coi đây là tư thế chắc chắn tránh được hiện tượng các em tự ngã. Nhưng đây lại là vị trí gây ra nhiều tổn thương. Dòng không khí đập thẳng vào mặt theo đó bụi bẩn hoặc côn trùng có thể lọt vào mắt. Mặt khác, khi phanh xe đột gột, toàn thân các em lao về phía trước, đầu có thể đập vào tay lái".

Cha mẹ cần nằm lòng những lưu ý gì khi chở con bằng xe máy? - Ảnh 3.

Hướng dẫn vị trí an toàn cho trẻ khi ngồi trên xe máy.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho con, theo anh Hoàng Anh, mỗi khi cha mẹ dừng đỗ lại để làm gì đó hoặc dừng trước đèn đỏ cần tắt máy ngay, cẩn thận hơn thì rút hẳn chìa khóa ra khỏi xe vì có khi tắt máy rồi nhưng trẻ vẫn có thể nghịch và bật máy nổ được. Hoặc nếu vì lý do gì đó không tắt máy được thì các cha mẹ nên giữ tay phanh (đối với xe ga) và giữ chân phanh (đối với xe số). Hoặc với xe số thì sau khi dừng lại, quay về số 0 và tắt máy để tránh trường hợp xe bị rồ máy lao đi.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên lựa chọn cho trẻ các loại mũ bảo hiểm vừa đầu, tránh quá chật gây khó chịu giúp khi va chạm bớt ảnh hưởng đến vùng đầu non nớt của trẻ. Kính và khẩu trang cũng cần trang bị đầy đủ cho con để yên tâm hơn mỗi khi di chuyển ngoài đường tránh côn trùng bay vào mắt.

"Chở trẻ con bằng xe máy, vị trí an toàn nhất là sau lưng người lớn, có dây đai để nịt chặt trẻ vào bụng người chở hoặc đặt trẻ ngồi giữa người lớn, giữ chặt bé bằng hai tay và không cho con ló đầu ra ngoài. Nếu trẻ từ 3 tuổi trở lên, phụ huynh nên cho bé đội mũ bảo hiểm khi ra đường đồng thời cần kiểm tra kỹ phần chân của bé có nguy hiểm với bánh xe hay không trước khi di chuyển", anh Hoàng Anh khuyên.

Xót xa vụ bé gái 4 tuổi vặn tay ga xe máy phi vào tường khiến 4 người trong một nhà thương vongXót xa vụ bé gái 4 tuổi vặn tay ga xe máy phi vào tường khiến 4 người trong một nhà thương vong

SKĐS - Thời gian qua đã có không ít những vụ tai nạn thương tâm xảy ra do sự bất cẩn của người lớn khi vẫn giữ ga xe máy để trẻ nhỏ hiếu kỳ gây họa.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn