Khi đứa trẻ bị mắc bệnh
Khi đứa trẻ bị mắc bệnh nào đó, một số người mẹ thường không cho con bú sữa của mình vì có hiện tượng trẻ không muốn bú sữa, khi bú sữa dễ bị nôn và đi tiêu chảy. Người mẹ cũng thường có quan niệm rằng không nên cho trẻ bú sữa vì sợ trẻ khó tiêu hóa... Trên thực tế nếu cho trẻ ngừng bú sữa mẹ khi bị mắc bệnh, sau đó để trẻ bú sữa trở lại sẽ gặp rất nhiều khó khăn và dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
Vì vậy, khi trẻ bị bệnh, người mẹ nên cho trẻ bú sữa của mình với số lần nhiều hơn bình thường và số lượng càng nhiều càng tốt vì trong trường hợp này trẻ cần bú sữa mẹ để phục hồi sức khỏe vì sữa mẹ là loại thức ăn dễ tiêu hóa nhất đối với trẻ và có thể giúp trẻ bớt đi tiêu chảy. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ và bú càng nhiều càng tốt. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, vẫn cần tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ. Nếu trẻ bị tiêu chảy nhiều, cho uống dung dịch oresol cùng với sữa mẹ; đồng thời trong vài ngày đầu chỉ nên cho trẻ ăn nhẹ nếu trẻ ăn được, dùng loại thức ăn dễ tiêu hóa và chia làm nhiều lần ăn với khoảng 5 - 6 bữa mỗi ngày. Sau đó, cho trẻ ăn tăng dần từ số lượng ít đến số lượng nhiều và thường xuyên hơn. Chú ý cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu năng lượng, giàu chất đạm để phát triển bình thường. Cần cho trẻ uống nước nhiều hơn sau khi trẻ đã hồi phục.
Kháng thể có trong sữa mẹ là sự bảo vệ trẻ cần thiết và tốt nhất
Khi người mẹ bị mắc bệnh
Khi người mẹ bị mắc bệnh nào đó, một số trường hợp người mẹ thường ngừng không cho con bú sữa của mình vì có quan niệm sợ con bị lây bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế trong phần lớn các trường hợp, việc làm này không cần thiết. Đối với các bệnh nhiễm khuẩn thông thường, việc người mẹ vẫn tiếp tục cho con bú sữa sẽ không làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ vì kháng thể có trong sữa mẹ là sự bảo vệ trẻ cần thiết và tốt nhất. Đối với những bệnh đặc thù như: nhiễm HIV, lao tiến triển, suy tim nặng thì người mẹ không nên cho con bú.
Việc dùng thuốc của người mẹ khi bị mắc một bệnh nào đó cần phải hết sức thận trọng và cân nhắc vì hầu hết tất cả các loại thuốc sử dụng đều đi vào sữa mẹ mặc dù với hàm lượng rất nhỏ. Lưu ý một số thuốc có thể ảnh hưởng đến trẻ và một số thuốc có khả năng gây tác dụng phụ. Thực tế rất ít các trường hợp người mẹ phải ngừng việc cho con bú sữa khi dùng những loại thuốc thông thường như: thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng sinh, vitamin... Một số trường hợp người mẹ không được cho cho con bú sữa khi dùng thuốc chống ung thư hoặc đang điều trị bằng chất phóng xạ. Các loại thuốc có thể dễ gây tác dụng phụ như người mẹ dùng thuốc để chữa bệnh tâm thần, chống co giật... đôi khi cần phải cho trẻ ngừng bú sữa. Những thuốc kháng sinh mà người mẹ cho con bú cần nên tránh sử dụng là chloramphenicol, tetracyclin, metronidazol, sulphonamide... Người mẹ tuyệt đối không được dùng các loại thuốc làm giảm sự tiết sữa như: thuốc lợi tiểu, thuốc tránh thai có chứa oestrogen...