Giá trị dinh dưỡng của trứng
Trứng là một trong những thực phẩm cung cấp nhiều chất đạm có giá trị sinh học cao, dễ hấp thu (tỉ lệ hấp thu chất đạm của trứng là 100%, tương đương với đạm trong sữa nếu biết cách chế biến đúng). Ngoài ra trong lòng đỏ trứng còn cung cấp nhiều chất béo, các vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như : sắt, viatmin A, kẽm…Vì vậy trứng là một thức ăn bổ dưỡng.
Tỉ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng tương quan với nhau rất thích hợp, cân đối. Thành phần của trứng có lòng đỏ và lòng trắng. Lòng đỏ là thành phần quan trọng nhất của trứng trong đó tập trung phần chủ yếu của các chất dinh dưỡng. Lòng đỏ trứng gà có 13,6% đạm, 29,8% béo và 1,6% chất khoáng.
Chất đạm trong lòng đỏ trứng có thành phần các acid amin tốt nhất, hoàn thiện nhất. Lòng trắng chiếm phần lớn là nước, có 10,3% chất đạm, béo và chất khoáng rất thấp. Chất đạm của lòng đỏ trứng chủ yếu thuộc loại đơn giản và nằm ở trạng thái hòa tan, chất đạm của lòng trắng chủ yếu là Albumin và cũng có thành phần các axit amin tương đối toàn diện. Chất đạm của trứng là nguồn rất tốt các acid amin cần thiết có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể, đặc biệt cần thiết cho sự phát triển cả về cân nặng và chiều cao của trẻ.
Trứng có nguồn chất béo rất quý đó là Lecithin. Lecithin thường có ít ở các thực phẩm khác, nó tham gia vào thành phần các tế bào và dịch thể của tổ chức đặc biệt là tổ chức não. Nhiều nghiên cứu cho thấy Lecithin có tác dụng điều hòa lượng cholesterol, ngăn ngừa tích lũy cholesterol , thúc đẩy quá trình phân tách và bài xuất nó ra khỏi cơ thể. Trứng cũng chứa lượng cholesterol đáng kể (600mg cholesterol/100g trứng gà), nhưng trứng cũng có tương quan thuận lợi giữa Lecithin và Cholesterol do vậy Lecithin sẽ phát huy vai trò điều hòa cholesterol ngăn ngừa qúa trình xơ vữa động mạch và đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể.
Trứng cũng là nguồn vitamin và chất khoáng tốt. Các chất khoáng như sắt, kẽm, đồng, mangan, iốt...tập trung hầu hết trong lòng đỏ. Lòng đỏ có cả các vitamin tan trong nước (B1, B6) và vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, K). Trong lòng trắng trứng chỉ có một ít vitamin tan trong nước (B2, B6). Cả trong lòng đỏ, lòng trắng có chất Biotin. Biotin là vitamin B8, tham gia vào chu trình sản xuất năng lượng để sản xuất năng lượng của cơ thể. Trong lòng trắng trứng tươi chất Biotin kết hợp với một protein là Avidin làm mất hoạt tính của Biotin, tạo phức hợp Biotin-Avidin rất bền vững và không chịu tác dụng của men tiêu hoá. Khi nấu chín Avidin sẽ được giải phóng khỏi phức hợp Biotin-Avidin. Khi ăn trứng sống có biểu hiện ngộ độc chính là tình trạng thiếu Biotin với các dấu hiệu :chán ăn, nôn mửa, viêm lưỡi, viêm kết mạc, viêm quanh móng...
Trước hết chúng ta cần biết giá trị dinh dưỡng của trứng như thế nào?
Thông thường 1 quả trứng gà ta nặng khoảng 40g (cả vỏ), 1 quả trứng vịt: 70g (cả vỏ) nếu bỏ vỏ thì 100g trứng gà tương đương 3 quả, còn 100g trứng vịt tương đương 1,5 quả
quả
Giá trị dinh dưỡng của 100g trứng | Trứng gà | Trứng vịt |
Năng lượng (Kcalo) Protein (g) Lipit(g) Gluxit(g) Canxi ( mg) Săt(mg) Kẽm(mg) Vitamin A ( mcg) Vitamin D ( mcg) Cholesterol (mg) | 166 14,8 11,6 0,5 55 2,7 0,9 700 0,88 470 | 184 13,0 14,2 1,0 71 3,2 0,8 360 - 864 |
Như vậy giá trị dinh dưỡng của trứng gà và vịt không khác nhau nhiều lắm, nhưng thành phần các vi chất dinh dưỡng thì trứng gà tốt hơn trứng vịt, hàm lượng kẽm, vitamin A của trứng gà cao hơn trứng vịt, trong trứng gà còn có cả vitamin D, một loại vitamin có rất ít trong thực phẩm, hàm lượng chất đạm của trứng gà cũng cao hơn trứng vịt, chất béo trong trứng gà thấp hơn nên ít gây đầy bụng khó tiêu, như vậy nên cho trẻ ăn trứng gà thì tốt hơn.
Lượng trứng cho trẻ ăn bao nhiêu là đủ?
Tuy trứng là thực phẩm rất tốt nhưng cũng không nên cho ăn quá nhiều, vì hàm lượng chất béo trong trứng cao làm bé dễ bị đầy bụng, khó tiêu rối loạn tiêu hóa tùy theo tháng tuổi mà cho ăn số lượng khác nhau :
Trẻ 6 -7 tháng tuổi: chỉ nên ăn ½ lòng trứng gà/bữa, ăn 2 – 3 lần/tuần
Trẻ 8 – 12 tháng tuổi: ăn 1 lòng đỏ/bữa ăn 3 – 4 bữa trứng 1 tuần
Trẻ 1 – 2 tuổi: nên ăn 3 – 4 quả trứng/tuần, ăn cả lòng trắng
Trẻ từ 2 tuổi trở lên nếu bé thích trứng có thể cho ăn 1 quả/ngày.
Cách chế biến trứng như thế nào là tốt nhất?
Không nên ăn trứng gà sống hay hòa tan trứng sống trong cháo nóng, canh nóng mà nên luộc hoặc nấu chín để phòng nhiễm khuẩn... Đường sinh dục của gà có rất nhiều vi khuẩn nên cả trong và ngoài trứng gà đều có thể nhiễm khuẩn, đặc biệt là Salmonella - một yếu tố gây ngộ độc thức ăn.
Ngoài ra, trong lòng trắng trứng sống còn có một chất chống lại biotin (vitamin H), cản trở hấp thu dưỡng chất này. Vitamin H là yếu tố không thể thiếu được trong quá trình sử dụng protein và đường - bột, cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể. Vì vậy, ăn trứng sống hoặc chín tái đều có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trứng gà rán hoặc ốp mà dùng lửa to thì dễ khiến bên ngoài cháy mà bên trong chưa chín. Lúc đó, lòng trắng trứng bị cháy sẽ khó hấp thu, lại tiêu hủy các vitamin tan trong nước như vitamin B1, B2, còn lòng đỏ chưa được tiệt khuẩn nếu có. Vì vậy, khi rán hoặc ốp trứng, nên để lửa nhỏ, thời gian lâu một chút cho lòng đỏ vừa chín là tốt.
Nếu ăn trứng gà sống, tỷ lệ hấp thu và tiêu hóa chỉ được 40%, ở trứng luộc là 100%, trứng rán chín tới 98,5%, trứng rán già 81%, trứng ốp 85%, trứng chưng 87,5%. Do đó tốt nhất là nên ăn trứng luộc chín tới, không những bảo đảm được chất dinh dưỡng như protein, lipid, khoáng chất... mà các vitamin cũng bị mất đi ít.
Lưu ý khi luộc trứng gà
Không ít người khi luộc trứng thường cho rằng cho vào đun sôi chín là được, nên nhiều khi trứng bị nứt hoặc vỡ làm mất chất dinh dưỡng.
Cách luộc đúng là: Cho trứng cùng với nước lã vào nồi rồi đun sôi dần. Khi nước sôi, vặn nhỏ lửa đun khoảng 2 phút rồi tắt bếp ngâm trứng khoảng 5 phút. Như vậy, trứng vừa chín tới, lòng đỏ không bị chín kỹ quá, dễ hấp thu. Lúc luộc trứng, có thể cho thêm một ít muối để giữ cho trứng không bị vỡ.
Trứng vừa lấy ở tủ lạnh ra không nên luộc ngay, cũng không nên ngâm trong nước nóng hay luộc bằng lửa quá to vì dễ gây vỡ trứng, hoặc không chín lòng đỏ.
Sau đây là một số cách chế biến trứng cho trẻ tùy theo tháng tuổi :
Trẻ 6- 12 tháng: nên cho ăn bột trứng: cách nấu bột trứng: nấu chín bột, mới cho trứng, đập lòng đỏ trứng vào bát đã có rau băm nhỏ, đánh đều trứng và rau, nồi bột sôi trên bếp đổ trứng và rau vào quấy đều nhanh tay, bột sôi lên là được, không nên đun kỹ quá trứng khó hấp thu, cũng không nên luộc chín trứng rồi nghiền lòng đỏ nấu bột vì qua nhiều lần chế biến trứng khó hấp thu
Trẻ 1-2 tuổi: có thể ăn cháo trứng, cũng tương tự như nấu bột trứng, khi cháo chín mới cho trứng, đun sôi lại là được, ngoài ra có thể cho trẻ ăn trứng luộc vừa chín tới.
Trẻ từ 2 tuổi trở lên: có thể ăn cháo trứng, trứng luộc, trứng rán đúc thịt, trứng sốt cà chua ăn với cơm, tốt nhất là ăn trứng luộc chín tới.
(Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia)
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sốt xuất huyết - Những sai lầm khiến bệnh chuyển nặng