Điều đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định đưa “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khâu Vai” xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có “chợ tình” và có bản sắc, nét độc đáo riêng. Điển hình tại Bulgaria, mỗi mùa xuân, thị trấn Stara Zagora hàng trăm năm nay diễn ra chợ bán… trinh nữ. Trong phiên chợ chỉ mở 4 lần một năm, các cô gái còn trinh sẽ đi lại trước mặt những người đàn ông. Đây có thể sẽ là chồng của họ sau này, nếu cuộc mua bán kết thúc với mức giá vừa lòng đôi bên.
Một cặp đôi đã đến với nhau khi đến với chợ tình núi Quan Âm ở Trung Quốc
Tại Trung Quốc, lâu nay, cứ cuối năm là phiên chợ tình núi Quan Âm dành cho những người độc thân khu vực “Việt - Cảng - Áo” (Quảng Đông, Hongkong và Macao) lại được tổ chức tại khu du lịch núi Quan Âm ở Đông Hoàn, Quảng Đông. Chợ tình này họp định kỳ 2-3 tháng một phiên, thường thu hút hàng ngàn nam thanh nữ tú độc thân tìm đến để tìm hiểu nhau. Rất nhiều cặp tham gia chợ tình này đã thành công, quyết định sẽ về với nhau, chấm dứt cảnh sống độc thân.
Riêng tại Việt Nam, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, một số địa phương có hoạt động văn hóa chợ tình đã nổi tiếng. Ở xã Huổi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có một chợ tình tồn tại rất lâu đời, mỗi tháng họp 2 phiên. Phiên đầu tháng vào ngày 13-14 ở bản Huổi Đun, phiên cuối tháng vào ngày 28-29 lại dời lên bản Mường Lống. Đồng bào Mông, Thái trong vùng đi chợ tình mua bán trao đổi hàng hóa là phụ, đi chơi gặp nhau, chọn bạn tình, “bắt vợ” là chính.
Sa Pa - xứ sở của mây mù thơ mộng, có chợ tình Sa Pa họp vào chiều và đêm thứ bảy hàng tuần. Đến chợ tình Sa Pa, trai gái mong tìm chọn được bạn tình, những người đã có vợ có chồng lại mong gặp được người yêu cũ. Sau nữa là chợ tình Háng Pò, (tỉnh Lạng Sơn) họp năm một phiên vào mùng 2/4. Chợ tình Háng Pò, thu hút các bạn trẻ nam nữ dân tộc Dao, Tày, Nùng không chỉ ở Lạng Sơn mà còn ở các tỉnh như Cao Bằng, Bắc Giang đến dự, hát giao duyên, tìm bạn tình với ước mong kén vợ, chọn chồng.
Chợ tình Khâu Vai gắn liền với truyền thuyết về tình yêu của một cặp đôi trai gái người dân tộc thiểu số. Hàng năm, Chợ tình Khâu Vai đã được tổ chức thành lễ hội văn hóa thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước
Trở lại với chợ tình Khâu Vai đã có lịch sử hình thành được 102 năm, họp mỗi năm một lần vào ngày 27/3 âm lịch. Chợ tình Khâu Vai (Phong Lưu Khâu Vai) gắn với sự tích một câu chuyện tình của cặp đôi người dân tộc thiểu số.
Truyền thuyết lưu lại, chàng Ba người dân tộc Nùng, nhà ở Khâu Vai, khôi ngô tuấn tú, tài giỏi. Cô Út xinh đẹp là con tộc trưởng người Giáy. Hai người yêu nhau nhưng gia đình cô Út không đồng ý vì chê nhà chàng Ba nghèo và khác dân tộc, không cùng con ma. Do bị ngăn cấm, chàng Ba và cô Út đã trốn nhà đưa nhau lên hang núi Khâu Vai sống. Từ đó, xung đột, tương tàn giữa hai gia đình, hai dòng họ đã xảy ra. Thương bố mẹ, thương dân bản hai bên bỗng trở nên thù hận chỉ vì tình yêu của mình, chàng Ba và cô Út đã quyết định chia tay nhau quay về làng, họ thề kiếp sau sẽ thành vợ thành chồng. Ngày họ chia tay là 27/3 âm lịch.
Chàng Ba và cô Út đã cắt máu ăn thề, dù không lấy được nhau nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 27/3 âm lịch, họ lại lên Khâu Vai hát cho nhau nghe, kể cho nhau những chuyện buồn vui trong cuộc sống. Hai người ca hát hết đêm đến hôm sau họ lại trở về với cuộc sống ngày thường của mỗi người. Ngày cuối cùng họ tìm đến nhau cũng vào ngày 27/3, họ tìm đến gốc cây rừng, bên hòn đá thề năm xưa, ôm chặt nhau và ra đi mãi mãi. Từ đó, dân làng đã dựng hai miếu thờ là miếu Bà và miếu Ông ngay chính nơi họ mất để tưởng nhớ về một mối tình.
Những mối tình không nên duyên chồng, vợ hẹn gặp nhau tâm sự vào phiên chợ tình Khâu Vai (Ảnh: Báo Hà Giang)
Hơn 100 năm qua, chợ tình Khâu Vai vẫn hiện diện, được chính quyền địa phương tổ chức và phát triển thành lễ hội như một sự tiếp biến văn hóa. Tới chợ tình Khâu Vai, người ta tìm đến nhau, sau một năm (cũng có thể là nhiều năm) xa cách, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, nay mỗi người đều có duyên phận riêng của mình. Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, ôn lại những tình cảm xưa. Cũng có những cặp vợ chồng cùng nhau đến chợ, nhưng khi đến nơi, mỗi người lại tự đi tìm người bạn của mình mà không có một sự ghen tuông nào cả. Họ tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của nhau. Đối với họ, đó là việc làm có ý nghĩa thiêng liêng, cao cả, là bổn phận và cũng là trách nhiệm của mình đối với một nửa hôn nhân của mình.