“Chợ Tết” trong tranh con trai thi sĩ Đoàn Văn Cừ

20-01-2020 06:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhiều thế hệ người Việt cho đến nay vẫn bị khung cảnh đậm chất làng quê Bắc Bộ trong bài Chợ Tết của thi sĩ Đoàn Văn Cừ quyến rũ. Con trai thi sĩ - họa sĩ, nhà giáo Đoàn Văn Nguyên mới đây lấy cảm hứng từ chính bài thơ này đã tạo nên cả một không gian Chợ Tết bằng tranh sơn mài vô cùng độc đáo.

Nước thời gian

Lấy cảm hứng từ 2 câu thơ nổi tiếng của cha: “Bà cụ già bán hàng bên miếu cổ/ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau” (Chợ Tết), Đoàn Văn Nguyên lấy tên triển lãm là Nước thời gian, giới thiệu 62 bức tranh sơn mài đủ mọi đề tài, kích thước. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 3 trong sự nghiệp cầm cọ của ông.

Nhà giáo ưu tú, hoạ sĩ Đoàn Văn Nguyên cầm cọ đã hơn 30 năm nay. Giống với cha mình, thi sĩ Đoàn Văn Cừ, ông Nguyên có một tình yêu gần như mê đắm với làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Ông tâm sự: “Tôi lấy tên triển lãm Nước thời gian là để vinh danh chất liệu sơn mài. Đặc tính của sơn mài là tranh càng để lâu càng trở nên trong trẻo, thời gian là thứ nước lọc diệu kì. Có những thứ thời gian làm nó tăng thêm giá trị thì sơn mài chính là thứ đó”.

Ông Dương Văn Nhuận - Chủ tịch UBND xã Minh Trí trao đổi với PV.

Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên bên bức chân dung vô giá về thi sĩ Đoàn Văn Cừ.

Trong tranh của ông dễ thấy những cây đa, bến nước, sân đình, chợ quê tấp nập kẻ mua người bán, tưởng như một thời đẹp đẽ xưa cũ chưa từng lùi xa. Nhiều bức sơn mài khổ lớn của ông Nguyên còn mô tả khá chi tiết những cuộc chọi trâu, thả diều, đấu vật... gợi nên cả một không khí náo nhiệt của hội hè đình đám có “Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ vài cụ già chống gậy bước lom khom/ cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ”.

Tác giả Trương Nhuận nhận xét: “Điểm nhấn nổi bật nhất trong triển lãm tranh sơn mài của hoạ sĩ Đoàn Văn Nguyên chính là khả năng phô diễn trước mọi đồng nghiệp làng sơn mài lâu nay kỹ thuật sử dụng tài tình, hoà sắc nhuần nhuyễn những sắc màu truyền thống quen thuộc của nghề vẽ sơn mài: son trai, son tươi, son thắm, son nhì, sơn cánh gián, sơn then, vỏ trắng và vàng bạc... tạo nên sự lộng lẫy, sâu lắng mà vẫn rất đằm thắm, đầy sức lan toả cho mỗi cung bậc cảm xúc trong tranh!”.

Đoàn Văn Nguyên là con trai thứ chính của thi sĩ Đoàn Văn Cừ. Nhiều năm nay, ông đau đáu với việc giữ gìn di cảo của cha. Chính ông Nguyên đã tập hợp toàn bộ sáng tác của Đoàn Văn Cừ, thậm chí cả di cảo bút tích chép tay quý hiếm để in lại thành Toàn tập Đoàn Văn Cừ.

Ra mắt triển lãm này, Đoàn Văn Nguyên cho biết: “Tôi không mở triển lãm để bán tranh. Đây là cuộc chơi vì nghệ thuật, người sưu tập và khán giả nếu đồng cảm thì mua. Không bán được bức nào cũng không sao cả”.

Trong số 62 tác phẩm trình làng, Đoàn Văn Nguyên dành tình cảm đặc biệt cho bức Chọi trâu. Đây cũng là tác phẩm giúp tác giả được xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật. Và một tác phẩm được ông xếp vào hàng “vô giá”, Nhà thơ thôn ca Đoàn Văn Cừ, nhà sưu tập trả bao nhiêu cũng không bán. Tác phẩm này được đánh giá là một trong những bức chân dung đẹp của giới mỹ thuật Việt Nam.

Những bức nude bằng vàng

Ngoài làng quê, trong triển lãm này, người xem còn có dịp mãn nhãn với hơn 10 bức tranh về thiếu nữ khỏa thân. Không phải mình hạc xương mai mà là vẻ đẹp Phục hưng phồn thực, căng tràn sức sống, vẻ đẹp của những thôn nữ. Đáng chú ý, loạt tranh này được Đoàn Văn Nguyên bắt đầu vẽ từ khá sớm, bức đầu tiên ra đời năm 1987.

Nude của Đoàn Văn Nguyên không khiến khán giả là phụ nữ phải ngại ngùng vì ông không tả thực. Họa sĩ sơn mài Nguyễn Huy Hoàng nhận xét: “Đoàn Văn Nguyên vẽ khỏa thân cách điệu. Anh không bao giờ sao chép hiện  thực mà tái hiện lại theo góc nhìn của mình. Tranh của anh có tính khái quát cao, tạo dáng rất đẹp, tôn vẻ đẹp phụ nữ lên rất khéo”.

Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, vì họa sĩ có cá tính mạnh nên tranh sơn mài của anh khỏe khoắn, mảng miếng sắp xếp với nhau tạo ra bố cục, màu sắc đẹp.

Họa sĩ xuất thân nhà giáo còn tiết lộ thêm, trong 60 bức tranh sơn mài trưng bày tại triển lãm, có nhiều bức bằng vàng và khẳng định: “Riêng tranh khỏa thân chỉ toàn bằng vàng, không có một hạt bạc nào”. Lý giải cho sự chịu chơi này, ông nói: “Tốn kém bao nhiêu mặc kệ. Vì cơ thể phụ nữ là ngọc là ngà nên dùng toàn vàng mới xứng”.

Họa sĩ Đỗ Đức sau khi xem tranh sơn mài của Đoàn Văn Nguyên nhận xét: “Không hiểu sao khi xem tranh của Đoàn Văn Nguyên tôi hay có liên tưởng đến những nông dân nơi thôn dã. Họ là những con người luôn vững chãi, tự tin vào sức mạnh ẩn sau đồng ruộng của mình. Những mảng màu vu khoát của ông vuông vức, mạnh mẽ như vai thợ cày khi ông buông xuống nhân vật của xới vật với hình ảnh những đấu sĩ đọng lại ở những đường kỉ hà bao quanh gam màu rất nhã, vàng đất lẩn cùng trắng xốp của trứng, ánh kim sang trọng lấp lửng dưới lớp bạc quỳ tinh tế vừa đủ để lộ sự sang trọng của lớp vàng thếp phía dưới. Sơn mài truyền thống của Đoàn Văn Nguyên đạt đến sự nhuần nhị bậc thầy của nghề. Đúng là việc xử lý chất liệu sơn mài của Đoàn Văn Nguyên không thể chê vào đâu được”.

Trong những câu chuyện ngoài lề, Đoàn Văn Nguyên kể: sinh thời, thi sĩ Đoàn Văn Cừ rất mê hội họa, thơ ông giàu tính hội họa: “Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh/Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh”... Ông là một trong những thi sĩ thông tỏ nhiều ngoại ngữ, sử dụng tốt cả tiếng Anh, tiếng Pháp. 14 tuổi, Đoàn Văn Cừ đã gửi con từ Nam Định về Hà Nội học họa với một khao khát con trai sẽ theo gương Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm...

Đoàn Văn Cừ viết trong di chúc dặn các con: “Gia tài văn chương của cậu để lại phong phú, đa dạng. Khi làm toàn tập, từng bước, cẩn thận, không vội vàng, bình tĩnh mà nhàn”. Đoàn Văn Nguyên đã dùng tranh của mình để minh họa cho cuốn sách Toàn tập Đoàn Văn Cừ. Lúc còn sống, thi sĩ thành Nam từng dặn con trai: “Dùng tranh minh họa chứ không dùng ảnh minh họa tác phẩm của cha”.

Đoàn Văn Nguyên sinh năm 1946 tại Nam Định, học Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam từ 1961 và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1978.

Ông có nhiều giải thưởng: Huy chương Vàng các cuộc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990, 1999, 2009, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

Các tác phẩm của ông được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt nam, Bảo tàng Mỹ thuật Quân đội Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Phương Đông (Liên bang Nga), Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Berlin (Đức), Bảo tàng Nghệ thuật Sanvado Chilê.


Chi Mai
Ý kiến của bạn