Chợ quê vọng về...

06-11-2015 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Khi cuộc sống càng phát triển, người ta càng có nhu cầu tìm lại những giá trị xưa cũ, đặc biệt là những gì đã và đang mai một theo thời gian, chợ quê là một trong số đó.

Khi cuộc sống càng phát triển, người ta càng có nhu cầu tìm lại những giá trị xưa cũ, đặc biệt là những gì đã và đang mai một theo thời gian, chợ quê là một trong số đó. Nét văn hóa đặc sắc này khiến ta phải mỉm cười hạnh phúc mỗi khi nhớ về, nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác nghẹn ngào khi chứng kiến cảnh chợ quê đang bị o ép và đe dọa bởi quá trình đô thị hóa. 

Những chợ quê hiếm hoi ven Hà thành

Đối với những người dân ở Đồng bằng Bắc bộ, chợ phiên là một nét văn hóa độc đáo trong cuộc sống sinh hoạt. Với lịch sử tồn tại hàng trăm năm, chợ phiên làng quê không thể lẫn vào đâu bởi những đặc trưng văn hóa trong trao đổi hàng hóa của nó. Tại Hà Nội, chỉ cách đại lộ Thăng Long khoảng 3km vẫn còn một phiên chợ quê thuần túy mang đậm bản sắc truyền thống nằm ở làng Bình Phú, huyện Thạch Thất. Nơi đây gìn giữ được gần như toàn vẹn thói quen, bản sắc và cả những mặt hàng đậm chất chợ quê. Với những món quà, tấm bánh của bà, của mẹ trong ký ức tuổi thơ của biết bao người.

Chợ quê vọng về...

Với lịch sử tồn tại hàng trăm năm, chợ phiên làng quê không thể lẫn vào đâu bởi những đặc trưng văn hóa trong trao đổi hàng hóa của nó.

Ven Hà Nội không chỉ có chợ Bình Phú, người ta còn nhắc nhiều đến một phiên chợ quê khác nữa, đó là chợ Hạ Bằng (xã Hạ Bằng, Thạch Thất, Hà Nội). Phiên chợ này thường được họp trên một khoảng đất rộng với những lều quán cũ kỹ, không gian của chợ phiên Hạ Bằng gợi cho người ta liên tưởng tới khung cảnh mộc mạc, dân dã, đầy hoài cổ của một phiên chợ quê từ những năm 80 thế kỷ trước. Người ta tìm đến chợ Hạ Bằng không chỉ là để tìm lại nơi lưu giữ hồi ức của chợ phiên Đồng bằng Bắc bộ xưa mà còn bởi những con người hồn hậu chất phác nơi đây. Những mặt hàng mây tre đan được coi là một đặc sản của chợ Hạ Bằng được bày bán, bởi đây chính là mảnh đất của làng nghề mây tre đan nổi tiếng xứ Đoài.

Nhắc đến chợ quê thì có lẽ người Hà Nội sẽ nghĩ ngay đến một cái tên đặc biệt khác nữa, đó là chợ Sa - phiên chợ nổi tiếng thuộc xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Đã từ rất lâu, đến mức chẳng ai còn nhớ phiên chợ này được khởi nguồn từ khi nào, chỉ biết, người dân quanh đây gắn bó với phiên chợ Sa như một phần không thể thiếu trong sinh hoạt thường nhật. Chợ được họp ngay trên bãi đất rộng bên cạnh chiếc cầu Ngòi, xã Cổ Loa, phiên chợ nào cũng đông, thu hút người dân ở các vùng lân cận đổ về trao đổi hàng hóa. Chợ thường họp từ 5h sáng, nhưng cũng có phiên mới 3h sáng chợ đã tấp nập kẻ bán người mua. Thường đó là phiên chợ rơi vào ngày 26 tháng chạp cuối năm - phiên chợ kết thúc một năm buôn bán của người dân quanh vùng. Ngoài hàng hóa thường ngày phục vụ cuộc sống từ các nơi khác chuyển về, nét độc đáo của chợ Sa chính là những sản vật do người dân trong vùng sản xuất được, đem ra chợ trao đổi.

Chợ Sa, chợ Bình Phú hay chợ Hạ Bằng chỉ là một số trong hàng ngàn chợ phiên của người Việt. Thế nhưng nó đang dần trở nên xa lạ với những người trẻ sống trong thành phố, từ nhỏ đã được thụ hưởng cuộc sống hiện đại với những siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tất cả đều nhận thấy, để xảy ra câu chuyện buồn này cũng bởi vì quá trình đô thị hóa, xã hội không ngừng phát triển...

Mặt trái của đô thị hóa?

Nhiều năm trở lại đây, giới nghiên cứu kinh tế, văn hóa, xã hội hay nhắc đến khái niệm “đô thị hóa” như một xu thế không thể đảo ngược trong phát triển, cùng với đó là chính sách xây dựng “nông thôn mới”. Đành rằng đô thị hóa có những điểm khác biệt - dưới góc độ văn hóa - có khi hàm chứa mâu thuẫn với việc xây dựng nông thôn mới, thế nhưng hai vấn đề có nhiều nét, nhiều điểm tương đồng, có ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa ở cả đô thị và nông thôn.

Và trong công cuộc đô thị hóa, bảo tồn nét đẹp văn hóa chợ quê là một công việc hết sức khó khăn, đặc biệt khó khăn đối với các chính quyền cơ sở. Bởi lẽ, chúng ta chưa xây dựng được một chương, một đề án nào hoàn chỉnh để xây dựng và bảo tồn các nét văn hóa của chợ phiên các vùng quê. Đây chính là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của ông cha ta truyền lại. Tuy nhiên, nếu như làm không khéo, sẽ dễ dàng làm mất đi nét văn hóa dân dã, bình dị vốn có của phiên chợ quê. Ở thời điểm hiện tại, nếu không tiến hành bảo tồn thì trước sức ép, sự lan tỏa của quá trình đô thị hóa, những phiên chợ quê cũng sẽ dần biến mất.  

  Vũ Quang

 


Ý kiến của bạn