Đường đi đến Cầu ngói Thanh Toàn thuộc xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, TP. Huế, chẳng bao xa. Chừng độ mươi cây số. Nhưng có người bạn rủ tôi đi bằng thuyền khởi hành từ sông Hương. Thật thú vị. Lại nghe nói thuyền sẽ rẽ về sông Như Ý rồi len lách theo những con kênh lớn là tới chợ quê Thanh Toàn. Người lái thuyền là anh Vũ, cũng ở Thủy Thanh hồ hởi kể nhiều chuyện ở quê mình. Anh nói, con sông Như Ý hiền dịu vậy nhưng câu chuyện 11 cô gái anh hùng Thành Huế lại bắt đầu từ đây.
Tiểu đội nữ anh hùng
Nếu tính quê thì cả 11 cô trong tiểu đội ngày ấy đều là người xã Thủy Thanh. Đây là một tiểu đội nữ liên lạc và chiến đấu duy nhất có những chiến công hồi chiến dịch Mậu Thân 1968. Những cuộc hội họp hay triển khai bí mật đều ở bên cầu ngói Thanh Toàn và bắt đầu bằng những con thuyền theo con sông Như Ý chảy qua làng để bí mật tiếp cận những căn cứ điểm quân sự của Mỹ Ngụy. Các cô gái đều ở tuổi mười bảy, mười tám hăng hái đóng góp công sức cho chiến dịch. Họ đóng vai những người đi buôn bán hay đánh cá trên sông để tiếp cận và ghi nhớ lại những đồn bốt quan trọng trong thành phố Huế. Thành ủy Huế đã trao nhiệm vụ cho tiểu đội nữ chiến sĩ Sông Hương làm nhiệm vụ dẫn đường đưa bộ đội tấn công vào các mục tiêu quân sự của địch. Đồng thời 11 cô gái này còn trực tiếp cầm súng chiến đấu khi chiến dịch khốc liệt diễn ra. Tiểu đội nữ dân quân này được đổi tên thành đội du kích “11 cô gái sông Hương”.
Chợ quê Cầu ngói.
Đúng đêm 30 Tết năm 1968, tiểu đội nữ chiến sĩ sông Hương đã phối hợp dẫn đường cho quân chủ lực chia làm 3 mũi tiến vào thành phố Huế nhanh chóng đánh chiếm các căn cứ điểm trọng yếu của địch. Quân giặc hoảng loạn tháo chạy. Nhưng trong một thời gian ngắn sau đó, địch đã huy động trở lại với sự yểm trợ của quân đội Mỹ, với nhiều xe tăng, xe bọc thép và bộ binh đánh chiếm lại các địa bàn đã bị mất. Tuy nhiên các nữ chiến sĩ sông Hương không hề nao núng đã cùng quân giải phóng đánh trả quyết liệt. Các cô gái đã gài mìn đánh xe tăng và cùng nhau cầm súng xông ra xả đạn tiêu diệt kẻ thù, khiến chúng trở tay không kịp. Hai đội quân đan xen trong trận chiến trên đường phố ngày càng ác liệt. Sau 25 ngày đêm anh dũng chiến đấu, theo lệnh của Ban Chỉ huy, các lực lượng rút quân khỏi thành Huế. Không ít các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Riêng đội du kích “11 cô gái Sông Hương” cũng chỉ còn lại 7 người trở về căn cứ tại điểm tập kết trên bến sông Như Ý. Đó là những người con gái anh hùng của làng Thủy Thanh đã làm khiếp vía quân thù. Sau trận chiến đấu ấy, tiểu đội “11 cô gái sông Hương” đã được Bác Hồ viết thư khen ngợi và đề tặng những câu thơ còn lưu giữ đến ngày nay, ở bảo tàng lịch sử:
“Dõng dạc trong tay khẩu súng trường.
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường.
Bác khen các cháu dân quân gái.
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương...”
Sau đó đội dân quân nữ phát triển và đổi thành Trung đội Võ Thị Sáu, người đội trưởng Phạm Thị Liên của 11 cô gái sông Hương trở thành Trung đội trưởng. Bốn năm sau trong trận chiến khốc liệt (4/1972), Trung đội trưởng anh hùng Phạm Thị Liên cũng hy sinh khi tuổi mới ngoài đôi mươi. Anh lái đò kể, hiện mẹ chị Liên là Bà mẹ anh hùng Nguyễn Thị Bờ vẫn ở Thủy Thanh. Ngôi nhà mẹ ở là nơi 11 cô gái thường hội họp và bàn kế hoạch tác chiến. Năm 1972, mẹ còn bị giặc bắt vì tội nuôi giấu cán bộ cách mạng. Hai năm sau, mẹ mới được thả nhưng vẫn kiên cường tham gia cuộc chiến cho đến năm 1975 giải phóng toàn miền Nam. Riêng đối với Phạm Thị Liên có nhiều chiến công, tên tuổi chị còn được đặt cho một con đường ở Kim Long (Huế) nơi chị đã hy sinh.
Con thuyền như trôi chậm lại. Trong nỗi bồi hồi còn nồng ấm tình người, anh lái đó kể tên từng người trong tiểu đội “11 cô gái sông Hương”, với những cái tên rất thân quen của quê mình. Trong đầu tôi bỗng hiện lên những nụ cười xinh tươi của những nữ anh hùng trẻ tuổi ngày ấy, nào là Phạm Thị Liên, Đỗ Thị Cúc, Nguyễn Thị Hoa, rồi nữa đó là Nguyễn Thị Xinh, Hoàng Thị Xuân... Những hình ảnh tuổi thơ của các chị vẫn còn in dấu chân bên cầu Thanh Toàn và còn mãi với thời gian, mãi mãi thanh xuân trẻ trung với quê hương Thủy Thanh. Và, con cầu đã hiện ra phía trước, nghiêng nghiêng soi bóng trên nhánh sông Như Ý. Những bông hoa súng biêng biếc thắm đỏ dưới ánh nắng vàng óng chiếu dọi xuống dòng nước êm đềm.
Cầu ngói Thanh Toàn.
Thơm thơm giọng hò giã gạo vào hội chợ quê
Người nữ hướng dẫn viên cuốn hút chúng tôi bằng những câu chuyện, kể về lịch sử của Cầu ngói Thanh Toàn hình thành cách đây 240 năm; do bà Trần Thị Đạo người của làng bỏ tiền ra xây dựng, năm 1776, để cho dân vượt kênh Như Ý sang chợ. Đây là một con cầu với hình dáng lượn cong dài gần 20 mét, rộng gần 6 mét, được chia làm 7 gian. Cấu trúc phía dưới là cầu, phía trên là nhà được lợp ngói lưu ly tạo thành mái che cho mọi người qua lại. Hai bên thành cầu có dãy bục gỗ làm ghế ngồi cho ai muốn nghỉ chân và ngắm con sông. Vào những ngày hội, cuộc đua thuyền hay bắt vịt diễn ra ngay dưới chân cầu. Dân làng lên chật cầu và cười vui rôm rả. Khi ấy họ còn thắp hương lễ bà Đạo tại bàn thờ nhỏ được dựng ngay trên cầu. Đó là vào những ngày hội chợ quê được tổ chức vào đúng những kỳ Festival ở thành phố Huế, cứ hai năm một lần.
Từ xưa trong dân gian, cầu Thanh Toàn đã được ghi nhận như một nét văn hóa của Huế với câu ca dao: “Ai về Cầu ngói Thanh Toàn. Cho em về với một đoàn cho vui”. Đây là con cầu giống như Chùa Cầu ở Hội An nổi tiếng; hoặc gần gũi với Cầu Ngói Kim Sơn ở thị xã Phát Diệm, Ninh Bình... nhưng Cầu ngói Thanh Toàn có nét độc đáo ở họa tiết điêu khắc trên các vì kèo và sự khác biệt ở mái lợp bằng gạch men cuốn màu sắc rực rỡ thể hiện nét tài hoa của những người thợ xứ Huế. Bên cạnh đó, trên đỉnh cầu có một cặp rồng đang chầu mặt trời. Những con cầu này đều được in lên tem, hoặc bưu ảnh phát hành như một dấu ấn văn hóa đặc trưng của những vùng sông nước nước ta. Những ngày lễ hội Festival Huế, tại xã Thủy Thanh đều tổ chức lễ rước linh vị bà Trần Thị Đạo, được coi là nghi lễ cho ngày khai mạc “Chợ quê ngày hội” bên cầu Thanh Toàn.
Theo như cô hướng dẫn viên trong những trò chơi và sinh hoạt, nhiều vẻ đẹp của chợ quê ở đây cùng với những trò hát đối, hát bài chòi, hát lý, nam ai, nam bình... thì sự tham gia của nam thanh nữ tú trong tiết mục Hò giã gạo là sôi nổi và độc đáo nhất của vùng quê này. Sức hút của Hò giã gạo chính ở nét ứng xử hóm hỉnh và khéo nhời của những người diễn xướng mang tính ngẫu hứng bất ngờ. Cũng là một điệu hò nhưng lời có thể sáng tác tức thời với những ngôn ngữ quê hương ấm áp tình người, hay rộn rã niềm vui với đối tác của những chàng trai cô gái khi ngắm nhìn nhau mà nảy hứng ngỏ lời. Bên đố, bên đáp sôi nổi như muốn dính kết tình thân, suốt cả ngày trời cho đến đêm trăng. Nhiều lời trong Hò giã gạo xưa còn lưu lại như những bản đồng dao thú vị. Riêng phần cuối của Hò giã gạo là Hò nhân ngãi (hay còn gọi là hò ân tình). Đây cũng là lúc gạo đã gần giã hết, khi trăng lên, họ bộc bạch những điều mơ ước trong lòng. Hầu như ai tham gia đến khi kết cũng đều nhớ đến những câu hò ngộ nghĩnh, ngoa lời đáng yêu như: “Hỏi em có nhớ hay không. Anh thương em từ thuở mẹ bồng trên tay”. Hay bên nữ hò: “Em thương anh vô giá quá chừng. Trèo non quên mệt, ngậm gừng quên cay”. Hoặc có những câu tương tư rằng: “Anh thương em từ nón đến quai. Thương trong lớp lá, thương ngoài đường may”. Để rồi cuối cùng cả hai bên cùng hò: “Hai ta ơn trượng nghĩa dày. Dù xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngày mới xa”. Hò hô hố hô hò... Hò hô...Khoan khoan mời khoan lại hò...lờ. Nghĩa là mãi không dứt. Trăng cứ trong vắt chết lặng giữa những ngôi sao lấp lánh mắt cười...
Đậm đà khoai nướng Thanh Toàn
Có người đi chợ Cầu ngói, ở ngay đầu cầu Thanh Toàn, về bỗng reo lên ai khoai nướng Thanh Toàn đây! Nghe tiếng rao về món ngon ở đây mà thấy xôn xao những nụ cười. Ngửi thấy mùi khoai nướng thơm phức mà thấy rạo rực tình người. Thì ra khoai ở đây nổi tiếng trong các kỳ hội chợ, ngoài những món quen thuộc của Huế như cơm hến, bùn bò, bánh bèo, bánh khoái...Trong bản đồ du lịch Thanh Toàn, đi qua những 10 điểm du lịch nhưng rồi cuối cùng hội tụ về đây, dưới chân cầu này để ăn khoai Thủy Thanh và ngắm trẻ con bơi lội dưới sông Như Ý.
Mọi nỗi niềm trong cuộc sống trở nên hiền hòa. Mọi ưu phiền bỗng bất ngờ tan biến. Và những đôi mắt của tiểu đội “11 cô gái Sông Hương” bỗng hiện lên trước mặt tôi. Đó là những cô bé ở tuổi 13 đã bắt đầu từ con cầu này, lên đường tham gia cách mạng. Và đến đây để nghe cây cầu Thanh Toàn tự kể chuyện mình và những người bạn từ thuở ấu thơ. Những bàn chân ấy còn ghi lại trong ký ức và đâu đây hiện về trong hàng vạn người đang hồ hởi niềm vui khi bước chân lên cầu, cùng với lời đồng dao: “Ai về Cầu ngói Thanh Toàn. Cho em đi với một đoàn cho vui”.