Hà Nội

Chó Pitbull tấn công khiến bé 4 tuổi đứt khí quản, thủng trán

28-12-2019 10:01 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Được biết cùng thời điểm đó, chó Pitbull còn tấn công cả mẹ cháu bé làm tổn thương vùng mặt nghiêm trọng và tấn công cả chủ nhà.

Vào hồi 18 giờ 13 phút ngày 27/12/2019, Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận trường hợp cháu bé 4 tuổi bị chó Pitbull tấn công, làm rách vùng cổ ngực, đứt khí quản, cánh tay trái chảy máu nhiều.

Theo đó, cháu bé N.T.B (4 tuổi, trú tại TP Thái Nguyên) nhập viện do bị chó nhà bác cắn rách vùng cổ ngực, cánh tay trái chảy nhiều máu, vết thương ngang vùng cổ hở khí quản. Được bác sĩ chẩn đoán vết thương đứt khí quản, đa vết thương.

Theo ThS. BS. Đặng Quang Dũng - Phó trưởng khoa Gây mê Hồi sức cho biết: Sau khi mổ cấp cứu khâu lỗ thủng khí quản, khâu cầm máu các vết thương đầu, mặt và tay cháu bé B. đã qua được cơn nguy kịch, hiện tại đang thở máy và được các bác sĩ tại Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tích cực theo dõi tình hình.

Những vết thương tại vùng cổ cháu B.

Được biết cùng thời điểm đó chó Pitbull còn tấn công cả mẹ cháu bé làm tổn thương vùng mặt nghiêm trọng và tấn công cả chủ nhà.

Trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm về trường hợp người lớn và trẻ em bị chó cắn, để lại hậu quả rất nghiêm trọng.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, những gia đình có con nhỏ nên hạn chế nuôi chó. Mặt khác, các hộ nuôi chó phải chấp hành đầy đủ việc tiêm phòng dại, rọ mõm cho chó khi thả rông, đặc biệt cần cách ly với trẻ nhỏ.

Hình ảnh vết thương vùng mặt mẹ cháu bé.

Để phòng chó cắn và bệnh dại do chó mèo cắn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn.

Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại.

Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại.


Dương Hải
Ý kiến của bạn