Hà Nội

Chó Phú Quốc tấn công khiến trẻ rách mặt, đứt vành tai

20-07-2023 16:23 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Một con chó Phú Quốc rất to, cao khoảng 50cm, được thả rông và không đeo rọ mõm bất ngờ lao vào tấn công bé trai khiến người nhà không kịp ngăn cản.

Bị chó cắn là tai nạn phổ biến, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Nếu không xử lý vết thương đúng cách và kịp thời nhất là vào mùa nắng nóng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp bị chó cào, cắn. Trường hợp điển hình là bệnh nhi Hoàng Phước N., 8 tuổi (ở Xuân Khanh, Sơn Tây, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hoảng hốt, sợ hãi, mặt bị cào rách, vành tai phải biến dạng, mất một phần sụn, chảy nhiều máu.

Qua khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhi cho biết: "Vết thương là do bị chó lạ vồ, cào vào tai khi bé vừa ra khỏi nhà. Đó là giống chó Phú Quốc, rất to, cao khoảng 50cm, đang được thả rông và không đeo rọ mõm, chó lao vào bé rất nhanh nên người nhà không kịp ngăn cản".

Sau khi tai nạn xảy ra, bé N. được gia đình đưa ngay đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Các bác sĩ đã sơ cứu vết thương rồi hội chẩn với chuyên khoa truyền nhiễm – Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để đánh giá nguy cơ về bệnh dại. Bệnh nhi sau đó được tiêm phòng dại và trở lại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương thực hiện phẫu thuật phục hồi vành tai.

TS.BS Đỗ Bá Hưng – Khoa Tai Thần kinh, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật phục hồi vành tai cho bệnh nhi chia sẻ: "Vành tai phải của bệnh nhi đã bị đứt rời một phần gờ luân, bờ nham nhở dài khoảng 3cm, lộ sụn vành tai. Kíp mổ đã tiến hành loại bỏ một phần sụn, cắt lọc phần mép vết thương nham nhở và khâu tạo hình vết rách vành tai.

May mắn là tổn thương không sâu hơn vào các tổ chức trong tai và bệnh nhân được đưa đến bệnh viện sớm để xử lý kịp thời, đúng cách".

photo-1689855885997

TS.BS Đỗ Bá Hưng – Khoa Tai Thần kinh thăm khám cho bệnh nhi bị chó cào tai.

Bên cạnh đó, BS. Hưng cho biết thêm: "Đối với một vài trường hợp vì không biết hoặc chủ quan trong điều trị vết thương do chó, mèo cắn, cào dẫn đến bị nhiễm bệnh dại. Trong khi đó, bệnh dại khi đã lên cơn tỉ lệ tử vong là 100%. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng virus dại được truyền sang người. Cho tới nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Do vậy, ngay sau khi tai nạn xảy ra, cần sơ cứu vết thương đúng cách, tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại càng sớm càng hiệu quả. Đây vẫn là biện pháp hữu hiệu duy nhất để phòng ngừa bệnh dại cho người bị chó cắn".

Một trường hợp khác, bệnh nhi Nguyễn Ánh L, 6 tuổi (ở Túc Duyên, Thái Nguyên) nhập viện cuối tháng 5/2023 trong tình trạng có nhiều vết thương hở phức tạp ở đầu, tai trái, tay trái do bị chó cắn. Bệnh nhi đã được BSCKII. Nguyễn Thị Hoa Hồng, ThS.BS Ngô Duy Thịnh cùng kíp mổ phẫu thuật tái tạo hình tổn thương mất chất vùng mặt.

photo-1689855886962

Những vết thương trên khuôn mặt bệnh nhi do chó cắn.

Theo đó, kíp mổ đã tiến hành khâu phục hồi cơ vòng miệng, đóng vết thương vùng nhân trung 2 lớp, đóng vết thương các vùng má, dưới hàm, vùng sau cánh tay… Đối với tổn thương ở cơ vòng mắt, vùng phần mềm và da vùng thái dương, do phần da còn lại không đủ phủ toàn bộ vết thương nên các bác sĩ phải bóc tách phần mềm dưới da, phục hồi phần da tổn thương mất chất tạo vạt che phủ kín lại vết thương.

Hiện tại vết thương của bệnh nhi đã ổn định và dần phục hồi.

Phòng tránh nguy cơ chó mèo cắn

Theo TS.BS Đỗ Bá Hưng, để phòng tránh nguy cơ chó, mèo cắn, cào, người dân nên chú ý:

- Khi nuôi chó, mèo cần tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông vật nuôi, chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.

- Các bậc phụ huynh hay bảo mẫu cần hết sức lưu ý tránh để trẻ chơi với chó lạ hay chó, mèo có kích thước lớn, dữ tợn.

- Khi bị chó, mèo cắn, cào, đối với vết thương nhỏ cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút, sau đó làm sạch vết thương bằng các loại thuốc sát trùng như cồn, oxy già. Trường hợp vết thương chảy máu, dùng gạc y tế vô khuẩn đắp lên vết thương, băng ép.

- Nếu vết thương ngoài da sâu và máu chảy bắn thành tia cần dùng dây thun để garô xung quanh vết thương, băng lại và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

- Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc bôi, đắp vào vết thương, tự chữa bằng các mẹo dân gian, mẹo trên mạng xã hội…

Từ vụ cụ bà 82 tuổi bị chó cắn tử vong: Người dân đề xuất khẩn cấp quy định cấm nuôi chó PitbullTừ vụ cụ bà 82 tuổi bị chó cắn tử vong: Người dân đề xuất khẩn cấp quy định cấm nuôi chó Pitbull

SKĐS - Sau hàng loạt vụ chó Pitbull tấn công gây chết người, nhiều người đã đề xuất khẩn cấp quy định cấm tuyệt đối nuôi loại chó này ở Việt Nam, đồng thời truy cứu trách nhiệm chủ chó nếu cố tình nuôi.


Phương Anh
Ý kiến của bạn