(SKDS) - Chán nản với hình thức mua sắm “công nghiệp” kiểu siêu thị, trung tâm thương mại, người tiêu dùng đang hướng về những phiên chợ thuần túy, nơi không chỉ diễn ra hoạt động mua – bán mà còn là không gian thú vị để giao lưu văn hóa, trao đổi niềm vui và cả sự đam mê...
Chợ quê mộc mạc nhưng sao vẫn buồn
Trong mắt người nước ngoài, chợ phiên Việt Nam giống như một câu chuyện văn hóa. Chứng kiến nỗ lực tìm kiếm văn hóa và những nét thân quen nơi quê nhà của người Việt xa xứ mới thấy xót xa với cuộc sống đổi thay quá chóng vánh ở những phiên chợ quê, phải chăng đó là mặt trái của sự phát triển.
Chợ Cán Cấu - Lào Cai. |
Câu chuyện đổi thay của phiên chợ Đồng Văn khiến nhiều người lo ngại về tương lai của những phiên chợ khác như chợ Bắc Hà, chợ Sa Pa, chợ Cán Cấu... Nhưng vấn đề duy trì chợ phiên chỉ là một yếu tố nhỏ trong câu chuyện dài về bảo tồn và phát triển văn hóa Việt nói chung trong hoàn cảnh hiện nay. Và sự trăn trở của những người yêu văn hóa chợ phiên nói riêng có lẽ cũng chỉ dừng lại ở mức độ duy trì và tạo sức lan tỏa cho nó.
Chợ quê nơi thành thị
Tin vui với những ai yêu văn hóa chợ phiên, sắp tới đây, hàng loạt phiên chợ đặc sắc nhất từ Bắc đến Nam sẽ được tái hiện một cách sinh động ngay tại TP.HCM. Muốn thưởng thức món thắng cố ở Đồng Văn, muốn ngắm nhìn những chiếc váy thổ cẩm rực rỡ ở chợ Bắc Hà hay đơn giản là thưởng thức món xôi nếp cẩm của người Mông ở chợ Cán Cấu..., du khách không cần đường xa vạn dặm vẫn có thể thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc này.
Chợ phiên Đồng Văn, chợ phiên Bắc Hà, chợ phiên Sa Pa, chợ phiên vùng sơn cước Hà Giang… mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi cảnh mỗi tình. Người ta tìm đến với những phiên chợ không chỉ để bán mua hàng hóa mà còn để gặp gỡ, hẹn hò, mua may bán rủi, giao lưu văn hóa… Trải dài từ Bắc chí Nam, mỗi phiên chợ đều mang đậm hồn dân tộc, là sức hút du lịch với du khách cả trong và ngoài nước.
Dự kiến phiên chợ đặc biệt này sẽ được tổ chức định kỳ vào thứ bảy tuần đầu tiên mỗi tháng (từ 13 giờ đến 22 giờ) tại Nhà văn hóa Thanh niên thành phố. Phiên chợ đầu tiên sẽ được khai mạc vào ngày 13/10/2012.
Có thể nói, quy tụ được bản sắc của các phiên chợ quê tại một thành phố lớn và hiện đại là sự nỗ lực đáng kể. Mong rằng, từ hình thức này, giới trẻ sẽ hiểu hơn về văn hóa Việt và có thêm nhiều sáng tạo để duy trì những nét xưa độc đáo, thú vị.
Vũ Quân