Từ giữa tháng 11, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận/huyện; xã/phường. Những cán bộ này sẽ được xử phạt vi phạm vi phạm hành chính trong cả 3 lĩnh vực: y tế, NN&PTNT và công thương.
Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp triển khai quyết định của Thủ tướng về thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm do Bộ Y tế vừa tổ chức
Hai địa phương là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ thí điểm hình thức này trong vòng 1 năm, bắt đầu từ ngày 15/11. Mỗi nơi sẽ chọn 5 đơn vị hành chính cấp quận, 10 đơn vị hành chính cấp phường thuộc đơn vị hành chính cấp quận đã chọn. Lực lượng thanh tra chuyên ngành này sẽ tận dụng nguồn nhân lực sẵn có.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng- Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Y tế Thành phố đã đã tiến hành đào tạo bài bản cho 38 người, tuy nhiên vì nghiệp vụ còn hạn chế nên vẫn còn cần tiếp tục đào tạo để chuẩn hóa thành viên đoàn tham gia.
Ông Hoàng Đức Hạnh- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế Hà Nội cũng đã chọn 2 quận nội thành, 2 ngoại thành và quận mới tham gia thí điểm gồm: Ba Đình, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thường Tín.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, người dân rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, vì thế cần bước đột phá, thay đổi, cách làm mới nhất là trong lĩnh vực thanh kiểm tra. Trong 9 tháng đâu năm có hơn 21.000 đoàn đi thanh kiểm tra nhưng vẫn chưa đáp ứng được. Vì thế, Chính phủ đã đồng ý cho 3 Bộ Y tế, NNN&PTNT và Công thương thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận/huyện, xã/phường.
Theo đó, 3 Bộ giao quyền cho một thanh tra xã/phường có thể xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm trong cả 3 lĩnh vực: y tế, NN&PTNT và công thương. Những cán bộ này có quyền xử phạt ngay, được thành lập đoàn thanh kiểm tra, thậm chí tiến hành thanh kiểm tra độc lập. Đây là cơ chế đặc thù Chính phủ giao để tạo sự chuyển biến trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành tại xã phường là xử phạt hành chính tới 500.000 đồng, trường hợp vi phạm mức cao hơn có thể lập biên bản để trình UBND cùng cấp ra quyết định xử phạt, mức tối đa 5 triệu đồng.
“An toàn thực phẩm vẫn là nỗi bức xúc của người dân, nhất thiết phải có thay đổi. Việc thành lập thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong việc đưa ra giải pháp mới và tôi cho đây là giải pháp có thể mang lại hiệu quả. Sau thời gian thí điểm, đánh giá đây là hình thức tốt thì có thể nhân rộng” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Tại hội nghị này, phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) Lê Bá Anh cho biết trong giai đoạn thí điểm, thanh tra chuyên ngành sẽ có khoảng 100 người/thành phố, có thể xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của cả ba bộ Y tế, NN&PTNT và Công thương.
“Trong quá trình triển khai, các sở quản lý nhà nước chuyên ngành tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh phải theo dõi sát sao, ngăn chặn nguy cơ thanh tra chuyên ngành lạm quyền (như liên tục đến thanh tra các cơ sở) gây cản trở sản xuất kinh doanh”- ông Lê Bá Anh đề xuất.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc này sẽ tạo nhiều thuận lợi, tháo gỡ thút nắt chồng chéo trong quản lý hiện nay. Tuy nhiên, có người lo ngại việc để địa phương giữ lại 100% tiền phạt có thể khiến họ lạm dụng, làm khó doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, do thời hạn thí điểm ngắn và thực hiện theo đúng các luật liên quan sẽ rất khó khăn nên 3 bộ (Y tế, Công Thương, NN&PTNT) sẽ trình Chính phủ cho cơ chế đặc thù, trong đó sẽ trao quyền xử phạt cho cán bộ cấp xã, phường để có thể thực hiện được hiệu quả nhiệm vụ. Song việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm phải đúng quy định pháp luật, không được lạm dụng, làm quá để “hành dân”, khiến dân bức xúc.
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm cả nước có trên 20.000 đoàn thanh kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tổng số tiền xử phạt là hơn 24 tỷ đồng, số cơ sở vi phạm chiếm tỷ lệ hơn 22%. Việc xử lý vi phạm nhiều nơi còn chưa kiên quyết, tại tuyến xã hầu hết không xử phạt mà chủ yếu là nhắc nhở. Số cơ sở vi phạm nhưng chỉ bị nhắc nhở chiếm đến hơn 83%- với gần 65.000 cơ sở. Trong số hơn 12.000 cơ sở vi phạm bị xử lý thì vẫn còn một nửa là phạt cảnh báo, phạt tiền gần 7.000 đơn vị. Trong đó đình chỉ gần 700 cơ sở, hơn 4.000 loại sản phẩm bị tiêu hủy.
Thái Bình