Hà Nội

Cho phép kinh doanh ăn uống tại chỗ ở TP.HCM: Doanh nghiệp và người dân cần làm gì để kiểm soát dịch?

31-10-2021 10:32 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chỉ được hoạt động khi đã đáp ứng đầy đủ 4 tiêu chí về an toàn phòng dịch.

TP.HCM chính thức cho phép quán ăn uống phục vụ tại chỗ từ ngày maiTP.HCM chính thức cho phép quán ăn uống phục vụ tại chỗ từ ngày mai

Từ ngày 28/10, UBND TP HCM chính thức cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ nhưng phải kết thúc hoạt động trước 21 giờ hằng ngày và không bán, không phục vụ rượu bia, trừ quận 7 và TP Thủ Đức

Cho phép kinh doanh ăn uống tại chỗ với 4 tiêu chí

Cho phép kinh doanh ăn uống tại chỗ ở TP.HCM: Doanh nghiệp và người dân cần làm gì để kiểm soát dịch? - Ảnh 2.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống vui mừng vì được đón khách tại chỗ

Chiều 27/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 3677 về điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 3585 về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo đó, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chỉ được phép hoạt động khi đã đáp ứng đầy đủ 4 tiêu chí sau:

Tiêu chí 1 (đối với cơ sở):

Cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời bố trí khu vực giao – nhận thực phẩm đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch; trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, thiết bị làm khô tay; tự tổ chức xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên, định kỳ cho người làm việc tại cơ sở có nguy cơ lây nhiễm cao.

Cơ sở phải có đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/ và tổ chức quét mã QR của người tham gia hoạt động tại cơ sở theo Chỉ thị 18 của UBND TP Hồ Chí Minh.

Tiêu chí 2 (đối với khách hàng):

Phải thực hiện nghiêm 5K, quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và cơ sở kinh doanh.

Tiêu chí 3 (đối với nhân viên phục vụ, người bán hàng, người giao – nhận hàng, người đến liên hệ):

Thực hiện nghiêm 5K, quét mã QR và thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch.

Người làm việc tại cơ sở kinh doanh là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ít nhất một mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm.

Tiêu chí 4 (đối với chủ cơ sở):

Chủ cơ sở phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại cơ sở.

Có phương án tổ chức kinh doanh, công khai số lượng khách tối đa được ăn uống tại cơ sở trong cùng một thời điểm (có bảng thông báo rõ tại cơ sở) và đảm bảo số lượng khách đến ăn uống tại cơ sở không được vượt quá số lượng đã thông báo trong cùng một thời điểm.

Thực hiện báo cáo phương án tổ chức kinh doanh và các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch tại cơ sở cho UBND phường, xã, thị trấn để theo dõi, quản lý, kiểm tra, giám sát.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh quy định rõ, tuỳ theo tình hình dịch bệnh, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động phải đủ 4 bốn tiêu chí nêu trên và thực hiện theo quy định cụ thể của UBND TP Hồ Chí Minh.

Điều doanh nghiệp cùng người dân cần làm để kiểm soát dịch

Cho phép kinh doanh ăn uống tại chỗ ở TP.HCM: Doanh nghiệp và người dân cần làm gì để kiểm soát dịch? - Ảnh 3.

Người dân ăn uống tại quán tối 29/10

Sau khi biết thông tin này, trong hai ngày cuối tuần vừa qua, nhiều nhà hàng, quán cà phê đã tất bật dọn dẹp, sửa chữa, vệ sinh và trang hoàng lại không gian, bếp núc để chờ thời điểm được đón khách phục vụ tại chỗ. Ghi nhận sơ qua tại các tuyến phố thuộc quận 1, quận 3... tại TP.HCM cho thấy, nhiều nhà hàng đã được dọn dẹp sạch sẽ để sẵn sàng mở cửa đón khách.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều hàng quán tất bật chuẩn bị thì vẫn còn không ít hàng quán ở TP.HCM vẫn đóng cửa, nghe ngóng thêm tình hình vì còn nhiều băn khoăn. Đa phần các doanh nghiệp ngành ăn uống tỏ ra lo ngại trước quy định khu vực phục vụ ăn uống đảm bảo mật độ tối thiểu 4 m2/người.

"Với quy định này, một nhà hàng có diện tích 100m² chỉ được phục vụ tối đa 25 khách một thời điểm. Một phòng VIP 10m2 bình thường được phục vụ tối đa 10 người, nếu theo quy định này thì phòng chỉ dành cho 2 người," ông Lê Hoài Nam, Phó tổng giám đốc vận hành Công ty QSR Việt Nam cho biết. "Trong khi đó, khách hàng đi theo gia đình, nhóm bạn, đồng nghiệp trong công ty đã tiêm vaccine mà đến nhà hàng phải ngồi cách nhau 2m hoặc chỉ được ngồi 2 người/bàn là không thực tế".

Từ thực tiễn kinh doanh qua 4 đợt dịch, ông Lê Hoài Nam đề xuất cần cho các nhà hàng bố trí lại bàn ghế để các nhóm khách đã tiêm vaccine, đi cùng nhau được ngồi gần và ngồi cách xa các nhóm khách khác. "Cơ quan chức năng nên trao quyền quản lý, tự chịu trách nhiệm cho mỗi doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, bởi nếu có vấn đề phát sinh ca nhiễm, đơn vị đó sẽ phải đóng cửa và bị ảnh hưởng doanh thu," ông Nam đề xuất.

Bên cạnh đó, một số cơ sở kinh doanh khác cho biết họ ủng hộ đề xuất của Sở Công thương là chỉ hoạt động tối đa 50% công suất. Tuy nhiên, chỉ cho nhà hàng mở cửa đến 21h là quá sớm khi thông thường 18 - 19h tối mới là giờ khách bắt đầu đến các hàng quán để dùng bữa. Ngoài ra, nên quản lý theo "con người xanh", chính là người bán quán và thực khách đảm bảo đã tiêm vaccine, hơn là theo "vùng xanh". Bởi người dân hiện đã tự do đi lại trên địa bàn TP.HCM, quận này sang huyện khác, phường này sang xã khác.

Ông Lý Nhất Hiếu, chủ hệ thống Hàng Dương Quán thì cho rằng đã có nhiều quy định về hạn chế sử dụng rượu bia, cần theo đúng quy định cũ. Không nên vì dịch mà cấm luôn một mặt hàng nếu chưa có nghiên cứu thấu đáo về mối liên hệ giữa sử dụng rượu bia và khả năng tăng lây lan dịch. "Nhóm khách hàng đã tiêm vaccine, ngồi trong phòng riêng hoàn toàn có thể cho họ sử dụng rượu bia, bởi ngay tại quán cà phê thì khách cũng ngồi uống cà phê và giao tiếp với nhau cả tiếng," ông Hiếu nói.

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, tỷ trọng các lĩnh vực dịch vụ chiếm trên 60% GRDP của TP.HCM do đó cần phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này khôi phục, phát triển và tiếp tục đóng góp vào ngân sách của thành phố.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng việc mở cửa cũng cần phải có lộ trình vì tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở riêng TP.HCM vẫn rất phức tạp. "Riêng về lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống khi mở cửa trở lại phải cân nhắc 3 yếu tố. Thứ nhất là chi phí mặt bằng, thứ 2 là nhân công phục vụ và thứ 3 là khách hàng cũng sẽ có tâm lý thắt chặt chi tiêu sau dịch bệnh".

Bởi thực tế là, nếu mở cửa hoạt động lại thì các chủ quán ăn, nhà hàng sẽ phải chịu áp lực từ việc thuê mặt bằng, trả lương đầy đủ cho nhân viên... Ví dụ khi còn đóng cửa, phí thuê mặt bằng có thể được giảm 50 - 70%, nhưng khi mở cửa hoạt động thì tối đa cũng chỉ được giảm 20 - 30%. Trong khi đó, những lao động thông thường ở các tỉnh đã về quê rất nhiều, khi doanh nghiệp mở cửa trở lại sẽ gặp thách thức về nguồn nhân lực...

Vào tối 29/10, chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời", cơ quan chức năng trả lời về “Kiểm soát dịch và kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ”. Chương trình diễn ra trong bối cảnh TP HCM cho phép dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ, riêng quận 7 và TP Thủ Đức được phục vụ đồ uống có cồn.

Tại chương trình, bà Phạm Khánh Phong Lan lưu ý người dân không được mất cảnh giác vì F0 xung quanh còn nhiều.

"Trong cao điểm giãn cách, dịch vụ ăn uống bị ngưng toàn bộ, sau đó cho mở cửa từ từ bằng việc bán mang về. Hai ngày gần đây (từ 28/10), được phục vụ tại chỗ, riêng quận 7 và TP Thủ Đức được bán rượu bia (thức uống có cồn) dưới dạng thí điểm.

Tôi hi vọng sau thời gian thí điểm thì các hoạt động kinh tế sẽ được mở cửa thêm chứ không phải trường hợp xấu là toàn thành phố đều cấm bán rượu bia tại chỗ do các chỉ số về phòng chống dịch như số ca nhiễm, số tử vong tăng lên", bà Phong Lan nói.

Đối với người dân khi ăn uống ngoài hàng quán, bà Phong Lan khuyến cáo nên đeo khẩu trang tối đa, chỉ tháo khẩu trang khi đang ăn uống, sau đó lại đeo vào để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.

"Thật đáng tiếc nếu có người dân nào đó phải lặn lội xa xôi để đến quận 7, Thủ Đức để ăn nhậu, gặp gỡ bạn bè nhưng sau đó lại bị khuyến mãi thêm "con covid". Chúng ta đã chịu đựng trong nhiều tháng qua, bây giờ bà con nên cố gắng thêm để trước hết an toàn cho bản thân và tránh quá tải cho ngành y tế", bà Phong Lan khuyến cáo.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Nguyễn Ngân
Ý kiến của bạn