Hà Nội

Chợ “nhếch” trong lòng Hà Nội

03-05-2014 15:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Chợ chỉ họp trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Nhưng bên trong lòng chợ “nhếch” là những phận đời mưu sinh đầy nắng gió...

Chợ chỉ họp trong khoảng thời gian ngắn ngủi, vào những giờ đặc biệt. Gọi là chợ, nhưng không hề có biển hiệu, không cửa hàng, cũng chẳng thấy bóng dáng của kệ, bàn ghế. Tất cả hàng hóa được đổ đống hoặc cẩn thận lắm thì cũng chỉ sắp xếp thành hàng trên một tấm bạt cũ kỹ trải dưới nền đất. Nhưng bên trong lòng chợ “nhếch” là những phận đời mưu sinh đầy nắng gió...

Chợ nhếch trong lòng Hà Nội
Chợ nhếch trong lòng Hà Nội

Chợ họp sáng - chiều - tối

Chợ đồ cũ, hàng thùng, chợ “si-đa”, chợ nhảy, chợ “nhếch”... vốn chẳng phải những từ xa lạ với người dân Thủ đô. Từ nhiều năm nay, những chợ buôn bán các thứ đồ đã qua sử dụng đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người thu nhập thấp, sinh viên và cả những người lấy việc đi chợ là thú vui, thậm chí cả những tay săn đồ cổ, đồ “độc” sành sỏi.

5 giờ sáng, khi mọi người vẫn đang ngon giấc ngủ, thành phố sáng ánh đèn, trên đoạn đường Thanh Niên gần chùa Trấn Quốc và ở chiếu nghỉ ngã tư Đại Cồ Việt, Đào Duy Anh, đường Giải Phóng, phiên chợ sáng đã bắt đầu. Hàng hóa được đựng trong các bao tải đổ ra tấm bạt trải sẵn và được bày rất nhanh. Dòng người tụ họp vào khu vực này ngày một đông. Hàng hóa ở đây cũng đầy đủ chủng loại từ mớ rau, con cá đến các loại giày dép, mũ nón, hàng gia dụng, điện tử bày la liệt (chợ ngã tư đường Giải Phóng không có đồ thực phẩm). Lại thêm hàng ăn sáng, hàng nước chè phục vụ tại chỗ... Chợ này người dân vẫn quen gọi là chợ thể dục. Đơn giản vì chợ họp chiếm mất không gian tập thể dục của người dân. Khách hàng cũng chủ yếu là những người đi tập thể dục sáng. Chợ họp theo giờ tập thể dục buổi sáng (từ 5 - 7 giờ). Giá cả thì cũng chỉ phù hợp với túi tiền của người đi tập thể dục: áo chỉ 10.000đ cũng mua được 3 chiếc, áo khoác 15.000 - 30.000đ/chiếc, giày dép 20.000 - 100.000đ/đôi, truyện tranh thì 10.000đ mua được vài quyển. Vì chợ họp trong khoảng thời gian ngắn nên cảnh mua bán diễn ra cũng rất nhanh, không kỳ kèo vòng vo nhiều. Khách đi đường cũng đỗ xe dưới lòng đường nán lại xem đồ. Chỉ chừng chục phút đã có thể mua được vài món đồ. Khi trời hửng sáng, người tập thể dục vội vã về đi làm, các lực lượng chức năng sắp đi làm việc cũng là lúc chợ tan. Hàng hóa được cho vào bao tải, chất lên xe chở đi nhanh chóng.

14 giờ, chợ đồ cũ bán đảo Hoàng Cầu bắt đầu hoạt động. Nơi đây vốn chẳng xa lạ với dân chuyên săn lùng đồ cũ trong vài năm nay. Trước đây, quy mô của chợ khá lớn, tập trung dọc con đường Hoàng Cầu đang làm dở. Từ khi đường hoàn thành thì chợ bị dẹp bỏ. Người bán chuyển vào tập kết hàng trong bán đảo Hoàng Cầu. Trong khuôn viên rộng chừng 500m2, có vài chục chiếu hàng. Hàng hóa ở đây cũng đủ chủng loại nhưng chủ yếu là hàng gia dụng, điện tử cũ bán với giá rẻ. Chợ có cả những đồ đồng bán tiền trăm, triệu đồng. Cảnh bán mua ở đây thật náo nhiệt. Mỗi người đến đây với mục đích khác nhau, người già thì mê mẩn món đồ đồng hồ cổ, loa đài, kính mắt... Người trung tuổi thì tìm đồ điện, đồ gia dụng, giày dép, quần áo cũ. Sinh viên thì mải mê tìm máy nghe nhạc, điện thoại di động, sạc điện thoại, tai nghe, webcam... Chợ họp từ chiều đến nhá nhem tối thì nghỉ.

19 giờ, khi đường phố vẫn tấp nập người đi lại thì chợ ở đầu ngã tư Giảng Võ - Đê La Thành cho đến gần cổng Trường Đại học Văn hóa hay trên đường Giải Phóng, đoạn từ chân cầu vượt Ngã Tư Vọng đến đầu Cầu Trắng (có khi họp từ 16 giờ), hàng hóa bắt đầu được bày bán tràn lan. Chợ ngã tư Giảng Võ - Đê La Thành là cái tên rất nổi tiếng trong các chợ nhếch. Khách đến chợ này cũng rất đông với hy vọng mua được những món hàng xịn với giá hời. Ban đầu, nơi này cũng chỉ có vài hàng bán. Sau đó, do thấy bán được, họ mới đua nhau mang bạt ra trải khắp vỉa hè. Người đi bộ, người xem hàng, xe cộ tràn xuống lòng đường gây mất trật tự, ách tắc giao thông. Vừa bán vừa thấp thỏm bị lực lượng chức năng tuýt còi dẹp, vừa mua vừa chạy, song đây vẫn là nơi nhộn nhịp bậc nhất trong các chợ “nhếch” ở Hà Nội. Giá cả thì cũng dễ chịu. Đồ điện tử cũ dường như là thế mạnh ở khu này. Từ chuột, bàn phím vi tính, đồ sạc đến bếp từ, ấm đun nước, điện thoại..., tất cả đều có thể tìm thấy tại đây. 20.000 đồng cho 1 con chuột quang hay 1 bộ sạc điện thoại, 80.000 đồng/1chiếc điện thoại hay bếp từ, 60.000 đồng được bình đun nước siêu tốc... Khéo chọn và may mắn, nhiều người còn lùng được cho mình những sản phẩm mới đến 80%. Chợ họp đến hơn 22 giờ thì tan.

Nhọc nhằn mưu sinh

Người bán hàng ở chợ “nhếch” thường quen với cảnh mua bán chớp nhoáng nên ít khi họ trò chuyện với khách, việc tìm hiểu cảnh đời của họ hay thu nhập từ việc buôn bán lại càng khó khăn. Hầu hết họ ở các tỉnh xa lên Hà Nội kiếm sống. Phải mất mấy hôm trong vai là khách đi mua đồ, tôi mới lân la nói chuyện với họ được vài câu. Khi tôi giơ máy ảnh ra chụp, họ phản đối ngay: “Này này cái cô kia, chụp ảnh làm gì thế hả, đừng có tung lên mạng chỉ trích đấy nhé, mất miếng cơm manh áo của anh em. Chúng tôi phải phơi sương kiếm sống thế này là khổ lắm rồi”.

Ở chợ trên đường Giải Phóng, chị N. ngày ngày phải vừa bế con nhỏ chừng 18 tháng vừa bán quần áo cũ. Trời mưa lây phây, ẩm thấp, khói xe mù mịt, đứa bé có vẻ khó chịu nên khóc quấy. Thấy tôi đến gần, chị bảo: “Cô ơi, cô giữ cháu giúp tôi để tôi dọn hàng về sớm, cháu khóc quá”. Tôi bế cháu nhỏ và hỏi: “Bố cháu đâu mà chị phải mang con theo thế này”. Chị đáp: “Chồng tôi cũng đang bán hàng bên chân cầu Vĩnh Tuy nên buổi tối không có ai trông con. Tôi phải cho cháu theo, chứ gửi người trông mỗi tối vài chục nghìn đồng thì bán hàng chả đủ mà trả”.

Tại chợ ngã tư Đại Cồ Việt, một người đàn ông bán đồ cũ, có dáng vẻ chân chất, mang nét người thành phố. Anh cũng cởi mở chia sẻ: “Gia đình tôi có căn nhà cấp 4 gần 30m2 ở dưới Lĩnh Nam, hai vợ chồng cùng là công nhân. Lương tháng tổng cộng vỏn vẹn được hơn 5 triệu, nuôi 2 con nhỏ nên rất kẹt. Tôi tranh thủ buổi sáng sớm bán tý hàng thêm thắt đồng rau đồng cháo cho con đi học”. “Anh bán hàng ở đây đã lâu chưa?”, tôi hỏi. “Tôi bán cũng vài năm rồi. Mà năm nay chán quá, trời chả thương người nghèo. Mưa rả rích suốt mấy tháng, khách ít hẳn, bán chả được mấy, chỉ mất công chở hàng đi lại chở hàng về, đến là nặng”... Kim đồng hồ chỉ 6h30, vừa nói chuyện, anh vừa nhanh tay dọn hàng để về ăn sáng còn kịp đi làm.

Trong chợ trên đường Thanh Niên có nhiều cụ ông cao tuổi cũng đi bán hàng. Cụ T., 79 tuổi, ở Phúc Xá, Hà Nội bán dép ở chợ đã lâu. Cụ bảo hai vợ chồng cụ ngày trước đang làm Nhà nước lương ít quá, tằn tiện mãi chả đủ nuôi con, phải xin “về một cục”, kinh doanh kiếm sống. Thành ra bây giờ già, cả hai đều không có đồng lương hưu. Con cái cụ cũng trưởng thành cả, vẫn chu cấp cho bố mẹ hàng tháng. Họ không cho cụ đi bán hàng, nhưng cụ bảo cụ đi bán hàng cho thêm thắt đồng ra đồng vào. “Thế ai chở hàng ra đây cho cụ ạ?” - tôi hỏi, cụ nói ngay: “Tôi chở bằng xe máy”. Thấy tôi ngạc nhiên, cụ chỉ tay về phía chiếc xe Honda màu đỏ có trang bị gác đèo hàng và bảo: “Xe của tôi đây này. Cô không tin à? Tôi vẫn phóng như bay đấy chứ”... Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, tôi muốn giúp cụ dọn hàng sớm để về, kẻo chỉ với manh áo mỏng, cụ dầm mưa dễ bị ốm, cụ bảo: “Tôi chịu trời này quen rồi. Tôi ngồi bên hồ thấy sảng khoái lắm, xong tôi về tôi ăn bát phở nóng ngon lành”...

Thay lời kết

Có đi chợ “nhếch” mới thấy nhu cầu mua hàng cũ của người dân rất lớn, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Có cầu ắt phải có cung. Người bán hàng ở những chợ này cũng vì miếng cơm manh áo mà phải dãi nắng dầm mưa, chấp nhận bị lực lượng chức năng bắt hàng nếu sơ sểnh. Đó là chưa kể việc kinh doanh trên vỉa hè tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao, nhất là tại đoạn đường Giải Phóng, bởi phía trước mặt người bán là rất đông các phương tiện tham gia giao thông, còn sau lưng là tuyến đường sắt Bắc – Nam, nguy hiểm luôn cận kề. Đã nhiều lần lực lượng chức năng ra quân dẹp các chợ kiểu này nhưng dẹp chỗ này thì chợ lại tụ chỗ khác. Để chợ họp tự do gây nhếch nhác bộ mặt đô thị, mất an toàn giao thông và không kiểm soát được, là nơi tiêu thụ đồ ăn cắp. Vì vậy, cơ quan chức năng nên xem xét tạo những khu chợ cố định, có quy mô quản lý cho người lao động nghèo có chỗ buôn bán ổn định để kiếm sống. Bởi ngay cả những nước kinh tế phát triển hàng đầu thế giới cũng xem chợ đồ cũ là một nét văn hóa đáng được tôn trọng. 

Bài, ảnh: Hoàng Kim


Ý kiến của bạn