Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh cho biết, vào sáng 25/7, Phòng tiêm chủng dịch vụ của đơn vị có tiếp nhận một trường hợp đến tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại.
Cụ thể, anh Đ.X.L (28 tuổi, trú tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) bị chó cắn với hàng trăm vết thương trên cơ thể, gây tổn thương nặng. Để kịp thời và an toàn trong cứu chữa, anh đã đến Phòng tiêm chủng dịch vụ ở Quảng Ninh tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại.
Theo lời kể của bệnh nhân, vào tối 23/7, anh L. bị chó nhà hàng xóm (thuộc giống chó becgie, nặng trên 50kg) tấn công gây ra hàng trăm vết xước, vết cắn sâu, vết thương hở từ 1-3 cm trên hai cánh tay và lòng bàn tay.
Bị chó tấn công bất ngờ, anh L. chỉ kịp đưa 2 cánh tay ra chống đỡ và che vùng đầu, mặt. Sau một lúc lâu được sự hỗ trợ của mọi người, nam thanh niên đã thoát khỏi sự tấn công của con chó hung dữ.
Mặc dù được chủ nhà xác nhận con chó tấn công anh L. đã được tiêm vaccine phòng dại định kỳ song do những vết cắn quá nặng nên anh L. vẫn đến phòng tiêm chủng nhờ tư vấn, hỗ trợ xử lý tổn thương trên.
Tại đây, các y bác sĩ của trung tâm đã tư vấn cho anh L. nên tiêm cả vaccine và huyết thanh kháng dại. Bởi lẽ, huyết thanh có tác dụng kéo dài thời gian ủ bệnh để cơ thể có đủ thời gian sản sinh ra kháng thể chủ động do tiêm vaccine.
Cũng theo đại diện CDC tỉnh Quảng Ninh, trong buổi sáng ngày 25/7, tại Phòng tiêm chủng dịch vụ đơn vị (một trong 3 điểm tiêm có cả vaccine và huyết thanh kháng dại trên địa bàn tỉnh), ngoài trường hợp anh .L., còn có 5 trường hợp khác đến tiêm phòng dại, bao gồm trẻ em dưới 20 tháng tuổi và người trưởng thành.
Bác sĩ Bùi Thanh Nam cho biết, trên thực tế còn nhiều người có tâm lý chủ quan khi bị chó cắn/cào gây vết thương nhẹ và ngại đến cơ sở tiêm chủng để tiêm vaccine. Điều này gây nguy hiểm, vì virus dại có thể xâm nhập qua da dù chỉ vết xước rất nhỏ. Theo thống kê, bệnh dại lây từ chó sang người chiếm đến 95%. Điều đáng nói, hầu hết các trường hợp lây nhiễm bệnh dại đều từ chó nhà nuôi chứ không phải chó hoang.
Theo báo cáo của Chi cục thú y, tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận 5 ổ dịch dại trên chó tại các huyện: Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ và số ca mắc dại của địa phương tăng so với cùng kỳ 2022.
Do đó, cách phòng ngừa và điều trị bệnh dại duy nhất là tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại. Cùng với đó, cần tiêm đúng thời điểm và tuân thủ chặt chẽ phác đồ tiêm vaccine phòng dại của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần vệ sinh vết thương đúng cách sau khi phơi nhiễm để đảm bảo an toàn tối đa.
Người bị chó cắn gây ra những tổn thương về thể chất, tinh thần lâu dài; đặc biệt nguy hiểm khi bị tấn công vào vùng đầu, mặt, cổ, vết thương sâu, vết thương ở đầu ngón tay, bộ phận sinh dục. Dù đã được tiêm phòng dại thì những trường hợp bị chó cắn dẫn đến chảy máu. Nếu không được xử lý kịp thời, đúng cách có thể gây ra những vấn đề nguy hiểm như: nhiễm trùng, tổn thương thần kinh cơ, bệnh dại, thậm chí tử vong.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ca ghép thận tại Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng