Cho một thế giới không khói thuốc lá

08-06-2014 17:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việc ngày càng có nhiều người bỏ thuốc lá, công trước hết là do tuyên truyền, từ lời khuyên của các thầy thuốc

Những năm gần đây, sau một thời gian khá dài từ bỏ thuốc lá, thỉnh thoảng để ý thấy nhiều người thân quen trong các cuộc gặp gỡ có cả cà phê, thậm chí bia rượu, cũng đã từ bỏ thứ “thân quen” và khó bỏ này.

Ngay trên tàu hỏa, trong khoang tàu có biển báo nhắc người hút thuốc phải ra ngoài khoang, chỗ giáp mối nếu muốn hút thuốc. Quan sát thấy những người hút thuốc cũng đã ít đi nhiều.

Việc ngày càng có nhiều người bỏ thuốc lá, công trước hết là do tuyên truyền, từ lời khuyên của các thầy thuốc, đến những thông tin độc hại mà thuốc lá đem lại trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau đó, những chính sách quản lý của nhà nước, như: tăng thuế, cấm hút thuốc nơi công cộng… cũng đã mang lại hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nhất là bản thân người hút cảm thấy cần phải bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân, giảm chi tiêu.

Tuy nhiên, chúng ta không vội mừng vì theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới, với 56,1% số nam giới và 1,8% nữ giới hút thuốc; tỉ lệ phơi nhiễm khói thuốc (hít khói thuốc thụ động) tại nhà là 67,6%, tại nơi làm việc 49%.

Mới đây, nhân Tuần lễ Thế giới không khói thuốc (26 - 31/5), Bộ Y tế cho biết, người Việt Nam chi 22.000 tỉ đồng/năm mua thuốc lá. Cùng đó, tổng chi phí điều trị các bệnh liên quan tới thuốc lá và tổn thất ngày công bị mất đi do thuốc lá ước tính khoảng 23.000 tỉ đồng.

Nhiều người đã biết, các chuyên gia y tế đã khuyến cáo rằng, trong khói thuốc có hàng ngàn chất độc, gây nhiều bệnh tật cho người hít khói thuốc, điển hình như: ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, ung thư vòm họng, ung thư da, ung thư thanh quản; và những bệnh mãn tính khác…

Biết thuốc lá độc hại là vậy (và còn tốn nhiều tiền nữa) nhưng việc bỏ thuốc lá được không dễ, đòi hỏi nhiều vào quyết tâm của người hút thuốc. Thêm vào đó là nhận thức đúng. Nói chuyện này vì có người đã từ bỏ được thuốc lá nhưng hút lại chỉ vì lý do: tăng cân “ầm ầm”, sợ tăng huyết áp, đau tim. Những người này thú nhận: “Hút thuốc lại, ăn không ngon miệng nên ít ăn và trọng lượng cơ thể không tăng”. Một bác sĩ tim mạch khuyên: “Khi từ bỏ thuốc lá, chúng ta ăn ngon miệng hơn nên ăn nhiều. Điều quan trọng là chúng ta chọn thức ăn gây no nhưng ít năng lượng, kèm theo là rèn luyện thân thể, vận động nhiều. Có người tăng 3 - 5kg rồi chững lại, sau đó ổn định và giảm cân từ từ”. Bác sĩ này nói thêm: “Bỏ thuốc lá sẽ giúp bạn và người thân của bạn khỏe mạnh hơn”.

Bên cạnh đó, việc giúp mọi người bỏ được thuốc lá hay không vẫn cần chính sách mạnh tay và kịp thời hơn nữa của các cơ quan chức năng, như: mở rộng khu vực cấm khói thuốc (như đã cấm hút thuốc trong bệnh viện), tăng thuế nhiều ở mặt hàng thuốc lá…

Mong rằng, mai này thế giới không chỉ có tuần lễ không khói thuốc lá mà là cả tháng, quanh năm…

Thế Phong


Ý kiến của bạn