Hà Nội

Chỗ đứng của người thầy thuốc

11-08-2014 20:28 | Tin nóng y tế
google news

Dẫu chẳng muốn chút nào, thì rồi ai cũng phải đối mặt với bệnh tật ốm đau và vì thế cuộc sống ngày nay luôn cần tới sự có mặt của thầy thuốc

Đã là con người, ai cũng sẽ phải trải qua quy luật sinh-lão-bệnh-tử. Cho nên dẫu chẳng muốn chút nào, thì rồi ai cũng phải đối mặt với bệnh tật ốm đau và vì thế cuộc sống ngày nay luôn cần tới sự có mặt của thầy thuốc

Ai cũng biết rằng, vốn quý nhất của mỗi người là sức khỏe, vậy nên trong những câu chúc mừng, dẫu trang trọng hay chỉ là lời khách sáo, thì việc chúc cho nhau luôn khỏe mạnh trở thành điều không thể thiếu. Thế nhưng, SINH - LÃO - BỆNH - TỬ, quy luật ấy khó có điều ngoại lệ, cho nên dẫu chẳng muốn chút nào, thì ai rồi cũng phải đối mặt với bệnh tật và ốm đau. Và vì thế, cuộc sống này luôn cần đến sự có mặt của người thầy thuốc.

Nhiệm vụ của người thầy thuốc là chia sẻ và lấy đi những đau đớn bệnh tật để có thể trả về cho xã hội những người lao động khỏe mạnh bình thường. Nhiệm vụ của người bệnh nhân sẽ là sự trả công xứng đáng cho những cố gắng đó và lòng biết ơn nếu họ nhận thấy như vậy là cần thiết. Và giả dụ tất cả đều sòng phẳng, vì mạng người là rất quý, nên người thầy thuốc có quyền hãnh diện mà nhận hàng chục triệu cho một ca chữa bệnh thành công. Hơn nữa, vì “người sống là đống vàng”, nên bác sĩ có thể thoải mái nhận hàng trăm triệu nếu cứu sống được một mạng người. Nhưng nói sòng phẳng là nói thế thôi, vì người bệnh còn phải sống, và một quá trình điều trị tốn hàng trăm triệu thì sau đó khỏe mạnh rồi sẽ sống bằng cái gì? Người thầy thuốc đành cười trừ... Và đến khi người thầy thuốc hỏi lại rằng cái giá cho những đêm thức trắng, cho những phơi nhiễm nguy hại, những khi trằn trọc để có được một quyết định chính xác, kịp thời nhất cho người bệnh và cho những năm tháng đằng đẵng miệt mài học tập sẽ là mức lương như tất cả những ngành nghề khác hay sao? Xã hội đành cười trừ...

Đã là con người, ai cũng sẽ phải trải qua quy luật sinh-lão-bệnh-tử. Cho nên dẫu chẳng muốn chút nào, thì rồi ai cũng phải đối mặt với bệnh tật ốm đau và vì thế cuộc sống ngày nay luôn cần tới sự có mặt của thầy thuốc. Ảnh minh họa (internet)

Y đức không phải luật pháp, mà là qui ước. Y đức, do đó, là một luật luân lí về hành vi của con người liên quan đến những gì được xem là tốt và đúng, so với những gì được xem là xấu và sai... Đãi ngộ dành cho bác sĩ chẳng thể ngày một ngày hai mà thay đổi được. Xã hội chưa công bằng được với người thầy thuốc nên xã hội không thể chi li mà đòi hỏi sự bỏ công chính đáng, vì điều đó mà ai cũng phải hi vọng vào sự tự giác và tự hào nghề nghiệp trong mỗi người thầy thuốc. Y đức là mực thước để đánh giá đạo đức nhân viên y tế của xã hội, là những điều chân - thiện - mỹ trong chuyên môn mà người làm ngành y cần hướng đến... Nhưng để làm được đều này không phải dễ, bởi nhân viên y tế cũng là con người, họ cũng phải sống, họ cũng có những nhu cầu vật chất cho cuộc sống, họ cũng thèm một cuộc sống no giàu, họ cũng có những đam mê, và cũng bị cám dỗ, cũng có thể bị sa ngã trước của cải vật chất, địa vị xã hội... Chúng ta không thể nào cấm đoán tất cả mà chỉ có thể hạn chế, làm sao cho những việc làm sai càng ít đi và khuyến khích cái tốt ngày càng nhiều hơn. Thế nhưng khi chỉ còn duy nhất một cách để bấu víu là kêu gọi nâng cao y đức, mà không thể thay đổi được sự công bằng trong cách đối xử, điều đó có nghĩa đây chỉ là tiếng chuông cảnh báo cho sự mất niềm tin giữa người với người khi chưa thể tìm ra một định hướng đúng đắn và một chính sách công bằng trong hiện tại...

Người ta không sợ mệt bằng sợ đau, nỗi đau thành nỗi ám ảnh thường trực đối với con người, đến mức mà câu hỏi đầu tiên người bệnh hỏi trước khi quyết định làm bất cứ điều gì là “...có đau không bác sĩ?”. Nỗi đau có thể ở thân thể nhưng cũng có thể ở tinh thần. Một sự ghẻ lạnh, một thái độ vô ơn hay bất công trong đối xử đều có thể là nỗi đau. Đòi hỏi người thầy thuốc phải đạo đức hơn kỹ sư, phi công hay kế toán nhưng không sẵn sàng cho câu trả lời tại sao đãi ngộ bằng đồng lương lại chẳng bao giờ khác nhau... Giá như bác sĩ có thể hỏi lại xã hội rằng: đối xử với tôi như vậy, có sợ tôi đau không...

Bác sĩ Thọ Nhật Thích


Ý kiến của bạn