Bộ phim hiện đã đạt mức doanh thu “khủng” trên 600 triệu USD, cao gấp nhiều lần so với số vốn bỏ ra ban đầu là 183 triệu USD. Sự thành công của bộ phim một lần nữa khẳng định, truyện cổ tích không bao giờ xưa cũ, luôn có sức hấp dẫn với nhiều đối tượng khán giả và dòng phim khai thác từ chất liệu này còn rất nhiều tiềm năng.
Giải mã thành công của Aladdin
Aladdin vẫn giữ nguyên khoảng 80% nội dung so với bản hoạt hình sản xuất năm 1992 và khán giả gần như đã biết hết diễn biến trong phim. Tuy nhiên, khi xem Aladdin phiên bản người thực, khán giả vẫn tiếp tục được phiêu lưu từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bối cảnh trong phim được xây dựng rất sinh động và đầy màu sắc. Cùng với đó là sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ kỹ xảo điện ảnh đã khiến bộ phim trở nên hấp dẫn, đậm màu sắc cổ tích.
Thành công của Aladdin phải kể đến sự hóa thân rất “ngọt” của các diễn viên. Nữ chính Naomi Scott đã mang đến hình ảnh, hơi thở mới về nàng Jasmine. Jasmine đẹp lộng lẫy, kiêu sa nhưng cũng rất mạnh mẽ, bản lĩnh, cá tính - rất khác so với hình ảnh những nàng công chúa yếu đuối, yểu điệu thường thấy. Một số ý kiến cho rằng, chàng trai Aladdin có phần “lép vế” hơn so với diễn xuất của công chúa Jasmine và Thần Đèn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại đánh giá cao diễn xuất của chàng diễn viên trẻ. Mena Massoud đã mang đến hình ảnh một Aladdin trẻ trung, thông minh, chân thật và ấm áp.
Siêu sao Will Smith đã mang đến hình ảnh Thần đèn “siêu lầy lội” với sự dí dỏm, hài hước, rất duyên, những câu thoại đầy triết lý nhưng cũng đậm chất thời đại, mang đến cho khán giả tiếng cười sảng khoái. Nhiều khán giả bày tỏ sự bất nhờ khi Will Smith lại có thể vào vai Thần Đèn trẻ trung, duyên dáng đến thế. Thậm chí, vai diễn Thần Đèn còn được đánh giá là điểm nhấn quan trọng, làm bộ phim “bừng lên sức sống”. Chi tiết mối quan hệ giữa Thần Đèn và Dalia, cô nàng hầu gái “mê trai” là điểm mới được nhà sản xuất phát triển thêm, chưa từng có trong bất cứ phiên bản nào của Walt Disney.
Giống như rất nhiều bộ phim khác, âm nhạc luôn là thế mạnh, trở thành nét đặc trưng của Walt Disney. Âm nhạc của Aladdin được đánh giá cao. Các diễn viên thể hiện tâm trạng vui, buồn của mình thông qua những ca khúc khiến khán giả liên tưởng đến những vở nhạc kịch mang đậm phong cách Mỹ. Ấn tượng nhất là “đại nhạc hội cầu hôn” hoành tráng với màn nhảy múa của các vũ công, diễu hành của voi, đà điểu... hay đêm dạ hội đầy sôi động, phong cách với màn vũ đạo xuất sắc của Aladdin cùng Jasmine.
Aladdin được đánh giá là xứng đáng với phim bom tấn, mở đầu cho mùa phim hè năm nay.
Một cảnh trong Aladdin – một bộ phim của Walt Disney đang nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả trên khắp thế giới.
Vẫn là “vùng đất trống” của điện ảnh Việt
Một xu hướng khá rõ của hãng phim Walt Disney là đầu tư sản xuất dòng phim phiên bản người đóng lấy cảm hứng từ các câu chuyện cổ đã được xây dựng thành phim hoạt hình trước đó. Dòng phim này được gọi là “live - action”. Trước Aladdin đã có một số phim thuộc dòng “live - action” của Walt Disney gây được tiếng vang với khán giả như Người đẹp và quái vật, Maleficent, Cậu bé rừng xanh, Cinderella… Được biết, trong thời gian tới Walt Disney tiếp tục đầu tư sản xuất một số bộ phim thuộc dòng “live - action” như Nàng tiên cá, Vua sư tử, Hoa mộc lan…
Câu hỏi đặt ra là vì sao những bộ phim “live - action” lại có sức hấp dẫn với khán giả đến vậy. Rõ ràng, nội dung phim phục vụ đối tượng thiếu nhi nhưng đối tượng hướng đến là cả người lớn. Trẻ em đi xem phim nhưng thường có người lớn đi cùng nên đây cũng là “một mũi tên, trúng hai đích”. Bên cạnh đó, trong sâu thẳm mỗi con người trưởng thành, vẫn còn vẹn nguyên ký ức, mong muốn được sống lại những năm tháng thơ ấu, bay bổng trong trí tưởng tượng về thế giới thần tiên.
Nhìn sang thị trường phim Việt, có rất ít phim điện ảnh khai thác chất liệu từ truyện cổ tích, truyện cổ trong kho tàng văn hóa dân tộc. Đáng chú ý nhất là Tấm Cám: Chuyện chưa kể (đạo diễn Ngô Thanh Vân, ra rạp tháng 8/ 2016, doanh thu gần 70 tỷ đồng) và Trạng Quỳnh (đạo diễn Đức Thịnh, ra rạp tháng 2/2019, doanh thu gần 100 tỷ đồng). Mặc dù đạt doanh thu cao nhưng Trạng Quỳnh bị chê vì lỗi kịch bản thiếu logic, trong khi đó, Tấm Cám: Chuyện chưa kể bị chê về một số đoạn phát triển thêm không phù hợp, diễn xuất của nữ chính thiếu tự nhiên.
Điện ảnh Việt đang phát triển “nóng” với số lượng tác phẩm ra rạp không ngừng tăng qua các năm. Tuy nhiên, điều đáng nói là, phim cho trẻ em đang rất thiếu. Việt Nam có kho tàng truyện cổ tích, truyện dân gian phong phú, đa dạng nhưng chưa được các nhà làm phim khai thác để đưa lên màn ảnh rộng. Vào dịp hè, khán giả nhí mong muốn được xem những bộ phim thiếu nhi, nhất là phim được khai thác từ truyện cổ tích, dân gian Việt Nam nhưng thật đáng tiếc khi đó vẫn là “vùng đất trống” của điện ảnh Việt.