Hàng năm, cứ vào mùa hè, khi trời có mưa rào, những con cóc trong hang, nhất là những chú cóc vàng to bự nhảy ra săn mồi. Đương nhiên, chúng đã trở thành những món ăn hoặc thuốc uống cho một số người. Và tiếp theo đó là những hệ lụy khôn lường. Năm nào cũng vậy, cũng có những cái chết thương tâm vì ăn thịt cóc.
Ở nước ta, có loại cóc nhà và cóc rừng chỉ sống ở miền núi. Cóc có thể sống được cả ở trên cạn và ở dưới nước. Da cóc màu vàng hoặc xám, xù xì, phía sau mắt có 2 tuyến lớn nhô lên. Trong các mụn trên da và trong 2 tuyến lớn đó đều chứa một thứ nhựa độc, màu trắng đục. Khi tiếp xúc với không khí, nhựa cóc sẽ biến dần thành màu vàng ngà rồi nâu tối, vị rất đắng.
Lột bỏ da cóc. Cóc nhà. |
Thịt cóc: Từ lâu thịt cóc đã được sử dụng làm thuốc trị bệnh cam tích ở trẻ em. Trẻ có biểu hiện bụng to (bụng ỏng), mông teo nhẽo (đít vòn), mắt nhoèn gỉ, lỗ mũi viêm đỏ hay chảy nước có mùi tanh, thể trạng gầy, không lên cân, kém ăn, kém ngủ, hay quấy khóc... Thịt cóc có nhiều chất bổ: protid, trong đó nhiều acid amin có giá trị như histidin, tyrosin, methionin, leucin, phenylalanin, cystein...; lipid, các vitamin B1, B2, muối calci, phospho. Đều là những chất cần thiết giúp cải thiện sức khỏe cho trẻ bị còi cọc, ốm yếu. Để có thịt cóc, cần làm như sau: lấy những con cóc vàng to, cắt bỏ phần đầu, 4 bàn chân, rạch một đường ở sống lưng, lột bỏ hết da, bỏ hết phủ tạng. Rửa cho hết máu và nhựa, nhất là ở chỗ vết cắt nhiều lần bằng nước sạch, ngâm 15-20 phút bằng nước sạch. Vớt ra, để ráo nước. Sấy khô với nhiệt độ tăng dần (nhiệt độ ban đầu trong tủ khi bắt đầu sấy phải khoảng 60-70oC để thịt cóc không bị ôi thiu), sau đó tăng dần nhiệt độ đến khi thịt cóc khô vàng, giòn, thơm. Lấy ra để nguội, nghiền bột mịn. Đóng gói bảo quản nơi khô ráo. Trẻ em 2-4 tuổi, ngày 4-6g. Có thể ăn riêng bột rồi chiêu với nước cơm hoặc nước ấm. Cũng có thể trộn bột vào ít cháo nóng, quấy đều ăn. Tùy theo tuổi, tăng thêm liều lượng. Cần lưu ý, những trường hợp bị nhiệt: lở miệng, mụn nhọt, dị ứng, mẩn ngứa, tiểu buốt...không dùng.
Mỡ cóc: Những con cóc to, cho 2 chùm mỡ, mỗi chùm có khoảng 8-10 giải mỡ màu vàng nhạt đến vàng đậm. Sau khi rán sẽ cho một loại mỡ màu vàng, sánh, thơm, ngon.
Dạ dày cóc (còn gọi “tù và” cóc) sau khi rửa sạch có thể chế món ăn giòn và ngon.
Nhựa cóc (Đông y gọi thiềm tô): vị đắng, có độc. Thành phần chứa cholesterol, acid ascorbic và những chất độc: bufotoxin, bufotalin, bufotenin, bufotenidin... Nhựa cóc được dùng bào chế thuốc “Lục thần hoàn”: nhựa cóc, xạ hương, hùng hoàng, mỗi thứ 1g, ngưu hoàng, trân châu, băng phiến, mỗi thứ 1,5g. Nhựa cóc ngâm vào rượu cho tan rồi trộn đều với bột mịn của các dược liệu trên, làm thành viên hoàn nhỏ bằng hạt cải. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5-10 viên. Trị sốt cao, phát cuồng, mê sảng, co giật, nhất là đối với trẻ em.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Những điểm cần lưu ý khi chế biến thịt cóc Chỉ dùng những con cóc có trọng lượng trên 80g. Vì cóc rất có ích cho nông nghiệp. Hàng ngày, chúng bắt nhiều các loại sâu bọ phá hoại mùa màng. Khi chế biến cóc cần loại bỏ hết tất cả các phủ tạng như gan, mật, trứng… và nhựa cóc, đặc biệt là trứng cóc vì rất độc, mỗi con cóc cái trưởng thành đều có hai buồng trứng rất to, trong đó chứa rất nhiều trứng. Trứng cóc lầy nhầy, màu xám trông tựa trứng ếch hoặc trứng chão chuộc. Trứng cóc đun chín đều không có mùi gì đặc biệt, trông rất giống trứng ếch hay trứng chão chuộc nên đã có một số người lầm tưởng có thể ăn được. Sau khi ăn trứng cóc sẽ có những biểu hiện ngộ độc: nôn mửa dữ dội, đau bụng, sùi bọt mép... Nếu không cấp cứu kịp thời bằng các phương pháp thích hợp như phương pháp “thổ” (gây nôn) của Đông y, hay “rửa ruột” của YHHĐ sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Vì trứng cóc độc như vậy nên khi chế biến cóc cần phải loại bỏ một cách triệt để, nhất là những con cóc có buồng trứng bị sa xuống phía dưới, thường là một bên. Từ buồng trứng trong bụng cóc có một ống nhỏ, đường kính khoảng 2-3mm, trong suốt, kéo dài xuống phía dưới chân, nằm lách sâu trong kẽ bắp cơ đùi và cơ bắp chân của cóc. Trong ống đó có rất nhiều trứng cóc nên nhiều người không biết hoặc không để ý, đã ăn phải trứng cóc ở bộ phận này mà bị trúng độc. Ngoài ra, mặc dù đã loại hết các chất độc do cóc gây ra như nhựa cóc, trứng cóc..., song khi ăn thịt cóc dưới dạng nấu canh, nấu cháo... vẫn bị ngộ độc theo kiểu viêm cấp tính đường tiết niệu, gây đái buốt, nặng hơn thì đái ra máu hoặc các lớp màng niêm mạc của đường tiết niệu... Do đó, việc chế biến cóc cần phải hết sức thận trọng. |