Biểu hiện khi ngộ độc rượu
Ngộ độc Ethanol
Ethanol ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, giảm hoạt tính các nơron thần kinh. Vì thế, nếu uống nhiều rượu sẽ dẫn đến say, nghiện và gây ra những tác hại đối với sức khỏe.
Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống.
Ngộ độc cấp tính: Giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích (thấy sảng khoái, nói nhiều, các vận động phối hợp đã bị rối loạn). Giai đoạn ức chế biểu hiện: Phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung. Giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, tử vong.
Ngộ độc mạn tính: Uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da tái do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, rối loạn tâm thần.
Ngộ độc Methanol
Methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, thường có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi... tuy nhiên chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Phần lớn được chuyển hóa qua gan nhưng chậm. Bản thân chất methanol tác dụng giống ethanol (các biểu hiện kiểu "say rượu"), nhưng sau đó methanol chuyển hóa thành axít formic, rồi thành formate, gây nhiễm toan chuyển hóa, độc với các tạng, đặc biệt là thần kinh và thị giác.
Khi trong rượu uống có cả ethanol và methanol thì chuyển hóa gây độc của methanol xuất hiện chậm hơn và biểu hiện nhiễm độc muộn, bệnh nhân và thầy thuốc có thể chỉ chú ý đến ngộ độc kiểu ethanol lúc đầu và dễ bỏ sót giai đoạn ngộ độc thực sự về sau của methanol. Ngộ độc methanol thường nặng, dễ tử vong nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực.
Các triệu chứng nhiễm độc thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tuỳ thuộc vào số lượng và bệnh nhân có uống ethanol hay không (nếu có triệu chứng xuất hiện chậm hơn). Thường có 2 giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn ngộ độc rõ tiếp theo sau.
Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bỏ qua hoặc không được phát hiện.
Biểu hiện ngộ độc rượu thường gặp
Thần kinh: Methanol là chất ức chế thần kinh trung ương, tương tự ngộ độc ethanol nhưng ở mức độ nhẹ hơn, gây an thần và vô cảm. Bệnh nhân khi đến viện thường còn tỉnh táo nhưng rất đau đầu, chóng mặt, sau đó có thể gặp các triệu chứng: Quên, bồn chồn, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu não.
Mắt: Lúc đầu nhìn bình thường, sau đó 12-24 giờ nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác như có mây che trước mắt, sợ ánh sáng, đau mắt, song thị, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm...).
Các di chứng thần kinh: Rối loạn ý thức, hôn mê, hội chứng Parkinson, bệnh lý đa dây thần kinh, teo đĩa thị giác.
Tim mạch: Giãn mạch, tụt huyết áp và suy tim.
Hô hấp: Thở yếu, ngừng thở; thở nhanh, sâu nếu có nhiễm toan chuyển hóa.
Tiêu hoá: Viêm dạ dày xuất huyết, viêm tuỵ cấp biểu hiện đau thượng vị, nôn, tiêu chảy. Ngộ độc trung bình hoặc nặng có thể thay đổi chức năng gan.
Thận: Suy thận cấp, biểu hiện đái ít, vô niệu, nước tiểu đỏ hoặc sẫm màu nếu có tiêu cơ vân.
Có thể đau lưng, thân mình, cứng gáy (giống xuất huyết màng não), cứng cơ, da có thể lạnh, vã mồ hôi.
Những nguyên tắc khi uống rượu để tránh bị ngộ độc
Chỉ uống các loại rượu có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng, có tem chứng nhận của các cơ quan chức năng. Không uống rượu tự pha chế, rượu tự ngâm lá, rễ cây, động vật... mà không rõ thành phần, xuất xứ, công dụng. Không uống rượu có hàm lượng methanol >0,1%.
Không nên uống quá nhiều rượu. Tốt nhất, mỗi người chỉ nên uống 1 đơn vị rượu/ngày. Cụ thể, chỉ nên uống 300-350ml bia (nồng độ 4%), 150-200ml rượu sâm banh (nồng độ 11%), 50ml rượu có màu (nồng độ 17-20%) và chỉ nên uống 25ml rượu trắng (nồng độ 35-40%).
Lưu ý xử trí khi có người bị ngộ độc rượu
Ðối với những trường hợp say rượu nhẹ, có thể xử trí tại nhà như sau: Kê gối thấp cho người bệnh nằm nhằm làm nôn hết rượu ra, sau đó cho ăn cháo loãng, cứ vài tiếng phải đánh thức dậy cho ăn. Uống nước ấm tốt hơn là nước lạnh để hạn chế mất nước khi uống rượu. Một số loại nước uống như nước gừng tươi, nước chè xanh, cam vắt, nước chanh, nước ép bưởi... có thể giúp giải độc rượu hiệu quả. Không nên dùng thuốc chống nôn, thuốc giảm đau. Không để người bệnh tắm ngay khi đang say vì dễ gây hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, đột quỵ, tụt huyết áp.
Ðối với những trường hợp nặng, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu nếu có các dấu hiệu sau: Nôn liên tục, đặc biệt khi dịch nôn có máu. Lay gọi không tỉnh sau 2-3 giờ. Vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái, mạch bắt yếu, co giật, thở chậm, thở không đều, tím tái.
Video đang được quan tâm
Hoa cười đón xuân