Bệnh nhân T.T.K. (nữ, 45 tuổi, quê ở Bắc Giang) là nông dân và thường xuyên phải làm việc trên cánh đồng vào buổi trưa. Dù đã sử dụng mũ nón và khăn để bảo hộ song nhiệt độ quá cao vẫn khiến chị bị đỏ rát, bong tróc toàn bộ vùng mặt và cổ và phải vào viện khám.
Trường hợp khác, bệnh nhân N.M.H. (Hà Nội) đi khám vì toàn bộ vùng da hở đều bị đỏ rát, châm chích do cháy nắng sau chuyến đi du lịch tắm biển. Các bác sĩ BV Da liễu Trung ương chẩn đoán bệnh nhân bị cháy nắng, dù trước đó chị H. có bôi kem chống nắng nhưng do quá mải mê chụp ảnh bất chấp nắng nóng khiến toàn bộ vùng da hở như: cổ, mặt, cánh tay, lưng… bị đỏ lựng và bỏng rát.
Các bác sĩ đã kê cho H. đơn thuốc để giảm viêm, hạn chế cảm giác khó chịu do cháy nắng. Tuy nhiên, sau 1 tuần, hai bên cánh tay của bệnh nhân H. xuất hiện đầy những đốm đen loang lổ - hậu quả của việc tăng sắc tố sau viêm do cháy nắng gây ra.
Sau cơn đỏ rát, vùng da của bệnh nhân K. bị bong tróc và có dấu hiệu tăng sắc tố.
Theo BS. Diệp, khi bị “cháy nắng”, bệnh nhân thường có cảm giác vô cùng đau rát, châm chích ở vùng da tổn thương. Điều này không chỉ gây ra sự bất tiện trong cuộc sống mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề sức khỏe, thẩm mỹ.
Đáng lo là vùng da bị “cháy nắng” có thể để lại tình trạng tăng sắc tố sau viêm, gây sạm da, đẩy nhanh quá trình lão hóa da. Đặc biệt, tiếp xúc kéo dài với tia UV, theo nhiều nghiên cứu, có thể là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh ung thư da.
Hơn 90% các ung thư da xuất hiện ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng
Theo các bác sĩ, ngoài điều kiện thời tiết có mật độ tia UV cao, nguy cơ cháy nắng, bỏng nắng dễ dàng xảy ra với nhóm đối tượng có cơ địa nhạy cảm với ánh nắng hoặc những người đang dùng kháng sinh nhóm Cycline hay sử dụng VIT A Acid…
PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương cũng cho rằng, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá nhiều có thể gây hại cho làn da của bạn. Qua thời gian, tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời có thể phá hủy các tế bào da của bạn. Sự phá hủy này có thể dẫn đến bệnh dày sừng ánh nắng và đôi khi tiến triển thành ung thư tế bào gai.
Ung thư tế bào gai có thể lan rộng, xâm lấn hoặc di căn. Điều này giải thích tại sao cần chẩn đoán sớm và điều trị dày sừng ánh nắng. Đây là bệnh thường xuất hiện ở vùng da cơ thể thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như vùng mặt, da đầu, mặt duỗi cẳng tay, mu tay. Lúc đầu, bệnh biểu hiện như là một dát màu hồng, rám hoặc đôi khi không có thay đổi nào về màu sắc, bề mặt thô, khô, có ít vảy da .
Theo báo cáo, khoảng hơn 90% các ung thư da xuất hiện ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng.
Làn da dát đỏ, bề mặt thô, dày sừng nhẹ.
Làm gì khi da bị "cháy nắng"?
Khi da bị “cháy nắng”, bệnh nhân nên làm mát cơ thể bằng cách tắm, chườm khăn mát, đắp nha đam… lên vùng da tổn thương. Lưu ý, không chà mạnh lên vùng da này bởi da đang nhạy cảm, có thể gây kích ứng hoặc làm tổn thương thêm trầm trọng. Sau khi làm mát, có thể bôi một lớp kem dưỡng ẩm lên da, đặc biệt là loại kem có chiết xuất nha đam.
Với các trường hợp nặng hơn, cảm giác đau đớn, khó chịu, bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ để được chỉ định các thuốc chống viêm và giảm đau.
Bác sĩ Diệp cũng nhấn mạnh, bỏng nắng là tình trạng nguy hiểm và nặng nề hơn nhiều so với cháy nắng. Với bỏng nắng, vùng tổn thương thường rộng, lan tỏa. Bệnh nhân có thể xuất hiện các bọng nước trên da, kèm theo các biểu hiện như sốc nhiệt, buồn nôn, mệt mỏi… Đa phần các bệnh nhân này cần phải được đưa vào các khoa cấp cứu, hồi sức để điều trị trước tiên, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng.
Để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, bác sĩ da liễu khuyến cáo cần bôi kem chống nắng thường xuyên. Hạn chế ra nắng vào giờ cao điểm nắng gay gắt. Nếu ra nắng phải đeo kính râm, đội nón, mũ rộng vành và mặc quần áo dài để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng.