Ghi nhận trong những ngày này, trên một số tuyến đường như Trần Thái Tông, Duy Tân (quận Cầu Giấy), Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), Kim Mã, Đội Cấn (quận Ba Đình), Hà Nội… xuất hiện không ít phương tiện xe máy cũ nát, xe lôi tự chế chở những cây đào, cây quất cồng kềnh, quá khổ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do nhu cầu vận chuyển cây cảnh, đào quất của người dân trong những ngày giáp Tết tăng cao nên để có thêm thu nhập, không ít các chủ phương tiện dù xe cũ nát nhưng vẫn tìm mọi cách để vận chuyển hàng sao cho được nhiều nhất và nhanh nhất.
Ghi nhận của phóng viên, để có thể di chuyển, người lái xe phải lách vào các khe hở trên đường, "luồn lách" giữa "rừng" phương tiện. Có những cành đào, chậu quất cồng kềnh choán hết phần yên xe khiến việc ngồi điều khiển bị gò bó, tầm nhìn hạn chế, mất thăng bằng, không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Có trường hợp người chở đào, một tay giữ cây, tay còn lại điều khiển xe máy. Thậm chí, chứng kiến trường hợp đi như làm "xiếc", hai chân kéo lê, luôn chạm đất để giữ thăng bằng không bị ngã, khiến những người đi xung quanh lo nơm nớp.
Với những cây đào thế, quất bonsai có kích thước "khủng" và có giá thành hàng chục triệu, các lái xe sử dụng xe lôi tự chế chuyên chở để có thể luồn lách vào ngõ phố nhỏ và không bị rụng hoa, gãy cành,… trong quá trình di chuyển.
Anh N.H.Q (trú ở đường Trung Kính, quận Cầu Giấy) đang vận chuyển đào bằng xe lôi tự chế trên đường Trần Thái Tông, cho biết, anh chỉ nhận được 100 nghìn đồng tiền công. Dịp Tết nhu cầu mua sắm cây cảnh của người dân tăng cao nên tôi phải dùng loại xe này để chở những cây cảnh lớn mới an toàn và có thể đi vào các ngõ nhỏ để giao hàng.
Theo quan sát, dù đang di chuyển với cây cảnh cồng kềnh nhưng không ít người lái xe vẫn đi với tốc độ khá nhanh. Thậm chí để kịp giao hàng, có lái xe còn lấn sang làn ô tô để vượt lên khi làn xe máy bị kẹt cứng… Tình trạng này không chỉ khiến giao thông bị cản trở mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm.
Chứng kiến một người lái xe chở 2 cây đào to "phóng như bay", luồn lách trên con phố hẹp Đội Cấn, bà Nguyễn Thị Cúc, một người dân ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình (Hà Nội) lắc đầu ngán ngẩm: "Nguy hiểm, đường đông, đi như thế không xảy ra tại nạn mới lạ. Những ngày này, mỗi khi ra đường tôi rất sợ, không may bị các tay lái này va phải".
Theo khoản 4, Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về giới hạn sắp xếp hàng hóa trên mô tô, xe gắn máy, những loại xe này không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 m. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 m.
Quy định rõ như vậy, nếu xe mô tô, xe gắn máy chở hàng vượt quá quy định nêu trên, bị coi là chở hàng cồng kềnh và sẽ bị xử phạt lỗi xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định.
Trong quá trình tham gia giao thông nếu bị cảnh sát giao thông phát hiện đang chở đào, quất cồng kềnh thì người điều khiển xe máy vận chuyển hàng hóa đó sẽ bị phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (theo điểm k khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng (theo điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định xử phạt vi phạm giao thông) và sẽ phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 nếu gây tai nạn giao thông.
Được biết, trong những ngày qua, Đội CSGT số 6, số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) đã ra quân kiểm tra, nhắc nhở và xử lý hàng chục trường hợp xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật, chở hàng cồng kềnh gây mất an toàn giao thông dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, 1 cán bộ Phòng CSGT, Công an Hà Nội cho biết, hành vi chở đào quất, hoa cảnh ngày Tết cồng kềnh đương nhiên là vi phạm luật an toàn giao thông.
Lực lượng CSGT ban đầu sẽ nhắc nhở nghiêm khắc và yêu cầu ký cam kết không tái phạm. Trong trường hợp giữ được tài xế đã cam kết rồi mà vẫn vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Tin có thể bạn quan tâm: