Thời gian nghỉ hè của mỗi trường khác nhau, có trường nghỉ 3 tháng, có trường nghỉ 2 tháng. Dù thời gian nghỉ hè của con là 2 hay 3 tháng thì tôi cũng lựa chọn cho con gái về quê chơi với ông bà ít nhất 1 tháng. Tôi nghĩ rằng, cho con về quê nghỉ hè có rất nhiều lợi ích như:
Thứ nhất, sau nhiều tháng học tập với nhiều áp lực nên khoảng thời gian hè được về quê nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích. Ở quê, con được hòa mình với thiên nhiên, được thoải mái chạy nhảy, thỏa sức vui đùa, được tận hưởng nhiều điều thú vị nơi làng mà nơi phố phường không thể nào có được.
Thứ hai, bố mẹ không phải lo lắng vì con mình dán mắt vào ti vi, điện thoại, ipad xem youtube, tik tok, phim ảnh độc hại.
Thứ ba, là cơ hội để con thêm yêu quê hương, nguồn cội, biết quan tâm, thương yêu ông bà. Từ đó, xây đắp nên những tình cảm gia đình bền chặt. Những tình cảm gắn bó của người thân, những trò chơi ở làng quê sẽ là những ký ức đẹp của tuổi thơ theo suốt cuộc đời của con sau này.
Thứ tư, đây cũng là cơ hội giúp con biết quan sát, tiếp xúc thực tế, làm quen với đồng ruộng, biết thế nào là cảnh mò cua bắt ốc, chăn trâu cắt cỏ mà con chỉ biết trong sách vở. Đó cũng chính là bài học thực tế cũng như vốn kiến thức bổ ích mà con có được, thu thập được trong kỳ nghỉ hè. Nhờ những chuyến về quê mà những bài văn tả cánh đồng lúa, làng quê, con trâu, con bò... của con đúng với thực tế hơn, không cần đọc các bài văn mẫu viết. Sự trải nghiệm từ thực tế đã giúp con có những câu văn vừa rất chân thực, mộc mạc nhưng cũng thật sinh động, uyển chuyển. Con gửi gắm vào đó những tình cảm thân thương, trong trẻo của một đứa trẻ mà nếu không được tận mắt nhìn, được sống và trải nghiệm thì chắc chắn con không thể viết nên những bài văn ý nghĩa ấy được.
Thứ năm, đây là cách để đầu óc con trẻ được thỏa mái, hoàn toàn không còn chịu nhiều áp lực với chuyện học hành thi cử hay thành tích, điểm số ở trường lớp.
Sau khi con nghỉ hè 1 tháng ở quê, tôi cho con học thêm các lớp năng khiếu như múa, nhảy, đàn piano, bơi ở Trung tâm bồi dưỡng văn hóa để tăng cường, phát triển thể chất của con cũng như trang bị kỹ năng sống cần thiết cho con. Việc kết hợp học tập và vui chơi hợp lý trong hè giúp con có một kỳ nghỉ nhiều trải nghiệm và phát triển thêm kỹ năng. Hay đơn giản hơn là cho con làm việc nhà trong mấy tháng nghỉ hè như đi chợ, nấu cơm, lau nhà, giặt quần áo, đổ rác, tưới cây…nhằm tạo cho con tính tự lập, biết quan tâm, giúp đỡ người khác...
Đan xen với các hoạt động cho con trải nghiệm hè ở quê hay tham gia các khóa học kỹ năng sống, học năng khiếu, học bơi, các trại hè tiếng anh hay các khóa huấn luyện quân đội, bố mẹ nên cùng con sắp xếp thời khóa biểu học tập phù hợp với thời lượng cố định theo từng tuần hoặc từng tháng để duy trì thói quen học tập và vui chơi khoa học. Điều này giúp con phát triển tư duy tốt hơn và ít mắc tâm lý ngại, lười học sau một thời gian nghỉ dài.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên rèn thói quen đọc sách cho con trong hè như một cách để con trải nghiệm nhiều kiến thức mới. Việc này sẽ giúp con có thêm vốn từ, ngôn ngữ, rèn luyện kỹ năng đọc-hiểu, ghi nhớ, phát triển khả năng tư duy. Đây là một cách hiệu quả giúp các con "vừa học vừa chơi" trong hè với tâm lý thoải mái.
Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, cũng có gia đình không có quê để về vì ông bà nội, ngoại đều ở thành phố, hay có gia đình ông bà già sức khỏe yếu không thể lo cho cháu thì bố mẹ không thể gửi con về quê cả tháng, chỉ có thể đăng ký cho con đi học hè ở trường hoặc đi trại hè suốt thời gian nghỉ hè để bố mẹ còn đi làm.
Dù lựa chọn cho con về quê ở với ông bà trong mấy tháng nghỉ hè hay ở lại thành phố thì các bậc phụ huynh cũng cần hết sức quan tâm để cho con có một kỳ nghỉ hè đầy đủ ý nghĩa và đảm bảo an toàn nhất. Sử dụng mùa hè đúng cách để trẻ có trải nghiệm trọn vẹn, nhiều kỷ niệm là việc đáng để suy nghĩ và lựa chọn. Hy vọng các bậc phụ huynh có thể tìm hiểu, cân nhắc, lựa chọn cho con chương trình phù hợp nhất để con vừa có điều kiện phát triển về thể chất, tinh thần cũng như vừa đảm bảo được sự an toàn cần thiết và có được một mùa hè thật sự ý nghĩa.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.