Hà Nội

Cho con học chữ trước khi vào lớp 1 là hại con?

17-05-2015 14:48 | Thời sự
google news

Cho con học chữ trước khi vào lớp 1 hay không vẫn là băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh. Thực tế đã có không ít cha mẹ cố nhồi 'cục cưng' đang tuổi ăn, tuổi chơi của mình vào các lò luyện chữ để bằng bạn bằng bè.

Sợ thua kém bạn bè

Chị Nguyễn Hồng Hạnh (quận Đống Đa, Hà Nội) từ lúc ra Tết đến giờ luôn nhấp nhỏm khi cậu ấm chuẩn bị có con vào lớp 1. Mặc dù bé Gia Bảo xác định sẽ học trường công đúng tuyến, không chịu áp lực thi cử nhưng chị vẫn băn khoăn việc luyện chữ trước cho con.

Hiện tại là tháng 5, chỉ còn 3 tháng nữa sẽ khai giảng năm học mới. Trong khi con của bạn bè, đồng nghiệp chị Hạnh đã viết chữ nhoay nhoáy thì bé Gia Bảo chỉ cầm bút vẽ vời hoặc nguệch ngoạc lên trang giấy. Những lúc mọi người khoe thành tích của con làm lòng chị Hạnh càng như lửa đốt.

Theo lời mách của bạn bè, chị quyết định đăng ký cho con tham gia lớp học đầu tháng 6 tới cho yên tâm. Theo chia sẻ của chị, lớp học tuần 3 buổi và sau hai tháng cháu có thể viết được chữ và đọc được các từ 2 âm.

 - 1
Hầu hết phụ huynh cho rằng nên cho con học trước khi vào lớp 1.

Cùng chung nỗi băn khoăn của hầu hết các bà mẹ khi có con sắp vào học lớp 1, chị Hồ Mai Liên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại xin kinh nghiệm của mọi người trên mạng xã hội. Đáp lại lo lắng của chị là có nên cho con luyện chữ trước, hàng chục ý kiến của các bậc phụ huynh làm chị Liên thêm hoang mang: có người phản đối, tuy nhiên đại đa số khuyên chị "đừng để con... thụt lùi".

Một bà mẹ có con đang học lớp 1 bày tỏ: "Lúc đầu cũng nghe mọi người không cho đi học trước, đến khi đi học lúc nào cũng kém các bạn làm cháu có tâm lý chán học. Phải kèm cặp nhiều cháu mới khá hơn".

"Nếu tìm được giáo viên dạy viết chuẩn thì nên cho con tập viết trước vì nó không bao giờ là thừa", người khác nêu ý kiến.

Thậm chí có một phụ huynh còn đưa ra thực tế vô cùng "khắc nghiệt" là bé vào lớp 1 mà chưa được học trước thì sẽ bị các bạn khác khinh thường, cô giáo thì đánh giá kém vì chưa biết gì.

Thế nhưng, cũng có bà mẹ lấy dẫn chứng nhà mình là hai đứa con (một học trường công, một học trường tư) đều không biết chữ trước nhưng cuối cùng vẫn học tốt và còn vượt trội so với nhiều bạn đã đọc thông viết thạo ngay đầu vào.

Nên lượng sức con

Là một người mẹ có hai con đang học cấp 1, chị Đinh Hà Phương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ thân tình: "Các bậc phụ huynh nên lượng sức học của con".

Theo lý giải của chị Phương, nếu cha mẹ thấy con học chậm hơn so với các bạn thì nên tìm đến các cô giáo chuyên dạy lớp 1 để học chữ trước. Ép con học quá trình độ là không nên nhưng cho con biết trước mặt chữ, làm các phép tính đơn giản thì lúc bước vào năm học cháu sẽ không bị đuối so với các bạn.

Chị Phương cho rằng, hiện nay chương trình học khá nhanh, "hôm nay chữ này ngày mai chữ khác", các bé không theo kịp chương trình. Như vậy, khi biết lực học của con không bằng các bạn thì việc đi học chữ trước cũng giúp con giảm bớt áp lực.

 - 2
Nhiều phụ huynh đi "học" kinh nghiệm cho con vào lớp 1.

Thế nhưng, tiến sĩ Vũ Thu Hương (Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, đại học Sư phạm Hà Nội) khẳng định, không nên cho con đi học sớm, học trước. Lý giải về việc này, tiến sĩ Hương cho rằng con đi học trước chỉ có thế mạnh trong 1 năm đầu, sau đó bé bị chê liên tục sẽ khiến cho phụ huynh lẫn học sinh chán nản, đau khổ vì đã quen với thành tích giỏi trước đó.

Lý do thứ 2 là các bạn biết hết không có nghĩa là con sẽ nản vì con người chỉ nản khi không thể làm được hoặc đã biết hết. Bé càng học sẽ càng thấy mọi điều hấp dẫn, mới lạ.

Bên cạnh đó, học kém thì cô phải để ý đến con. "Đừng để con giỏi nổi trội mà phải dốt nổi trội", vị này dí dỏm. Bởi khi con đã biết thì cô sẽ không để ý nhiều đến con và nhiệm vụ dạy con sẽ giao nhiều hơn cho bố mẹ.

Lý do thứ 3, các bài học được thiết kế theo tuần và các cô có đủ thời gian để dạy từng bài cho học sinh. Vì vậy học trước sẽ không giải quyết được vấn đề gì.

Hơn nữa, trước khi 6 tuổi, tay của các bé rất yếu. Việc cho con viết sớm hoặc dạy cầm bút sai dễ khiến cho các bé bị dị tật ở tay, khi vào học chính thức cô giáo chủ nhiệm sẽ khó uốn nắn lại được.

Theo tiến sĩ Hương, điều quan trọng nhất là tâm lý cha mẹ phải thoải mái: "Lúc nào cha mẹ cũng nên nghĩ rằng con học không tốt nhưng có nhiều cái khác đáng được khen. Ví dụ như con lễ phép, biết nói lời 'cảm ơn, xin lỗi' đúng lúc, biết tự lập... những điều này cũng quan trọng không kém việc con học chữ, làm toán giỏi".

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn