Cho con bỏ trường, tự học ở nhà: Phải nhìn xa hơn nữa

11-05-2017 20:32 | Thời sự
google news

SKĐS - Gần đây, sau thông tin gia đình anh Đặng Quốc Anh và chị Lê Thị Thanh (ở quận Tân Bình, TP.HCM) quyết định cho hai con trai là Đặng Nhật Anh (sinh năm 1998) và Đặng Thái Anh (sinh năm 2003) ở nhà tự học...

Gần đây, sau thông tin gia đình anh Đặng Quốc Anh và chị Lê Thị Thanh (ở quận Tân Bình, TP.HCM) quyết định cho hai con trai là Đặng Nhật Anh (sinh năm 1998) và Đặng Thái Anh (sinh năm 2003) ở nhà tự học từ năm 2014 vì đã cảm thấy quá mệt mỏi với việc học của con ở trường và nhận thấy việc giáo dục ở trường có chỗ không phù hợp... khiến dư luận đưa ra không ít ý kiến tranh luận “nóng” về việc này.

Nhiều người đồng tình cho rằng đây là ý tưởng hay và dẫn chứng mô hình học ở nhà (home school) phát triển như một xu thế tất yếu của xã hội và khá phổ biến ở các nước trên thế giới như Mỹ, Australia... Đây là biện pháp giáo dục thay việc học “mặt đối mặt” bằng hình thức dạy và học trực tuyến. Bà Phạm Thị Ly - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu - Viện Đào tạo quốc tế - Đại học Quốc gia TP. HCM nhận định, nhiều phụ huynh chọn hình thức dạy con học tại nhà vì thấy cho con học ở nhà sẽ đạt những kết quả tốt hơn.

Từ góc độ giáo viên, cũng có nhiều nhận xét cho rằng, ưu điểm của tự học tại nhà là việc 1 giáo viên chỉ dạy 1 học sinh, do đó có thể toàn tâm toàn ý cho riêng 1 học sinh trong mọi giờ học, có thể điều chỉnh tốc độ dạy phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh. Tuy nhiên, mô hình này cũng có những nhược điểm.

Giáo dục tại nhà về mặt pháp lý, pháp luật nước ta vẫn chưa thừa nhận/cho phép mô hình này. Khi giáo dục tại nhà chưa được công nhận, chưa tương đương với giáo dục chính thức thì hình thức này vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề. Vì thế, trước khi cho con theo học hình thức này, phụ huynh cần rất thận trọng.

Trong hệ thống giáo dục quốc dân mục tiêu đào tạo hay mô hình nhân cách người học tương ứng với từng cấp học được xác định dựa trên điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đặc điểm của lứa tuổi học sinh, yêu cầu của thị trường lao động cũng như yêu cầu về sự phát triển hài hòa, toàn diện của các em. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, học sinh cần phải học nhiều môn học và tham gia nhiều hoạt động như: vui chơi, hoạt động tập thể với những trải nghiệm và hoạt động cùng nhau để hình thành nhân cách. Điều này rất khó thực hiện ở giáo dục gia đình. Hoạt động dạy học, giáo dục trẻ em phải được tiến hành bởi những người được đào tạo, có phương pháp và kỹ năng sư phạm, được tổ chức có hệ thống sẽ giúp các em phát triển một cách toàn diện.

So với môi trường giáo dục ở nước ta thì việc cho con nghỉ học ở trường để tự học ở nhà là hành động “khác người” và khá táo bạo. Mô hình học tại nhà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng dễ làm hỏng các con. Trong một số trường hợp cha mẹ có kiến thức và kỹ năng dạy con mình học tập có thể đạt được kết quả như mong muốn ở một số môn học và một số lĩnh vực. Nhưng về tổng thể không thể thay thế giáo dục nhà trường và các thầy cô giáo trong việc giáo dục tổng thể. Việc phụ huynh ở TP.HCM cho hai con chọn home school là một trong những trường hợp thành công đặc biệt. Nhưng không có gì đảm bảo tất cả những trường hợp chọn học tại nhà sẽ thành công hết sau này.

Hơn nữa, điều rất quan trọng là việc học tập tại gia đình sẽ làm hạn chế các mối quan hệ xã hội, giao tiếp của các em với các bạn cùng trang lứa với sự đa dạng về cá tính, tính cách, hoàn cảnh... điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng hòa nhập và thích nghi với cuộc sống vốn rất sôi nổi, phức tạp. Các kỹ năng hợp tác, hòa nhập, phòng tránh bạo lực học đường, xâm hại tình dục... thường được tổ chức dưới dạng các hoạt động tập thể, liên kết... và đây là thế mạnh của giáo dục nhà trường. Đồng quan điểm trên, dưới góc nhìn của các chuyên gia về kỹ năng sống, giá trị sống cho rằng, dạy và học ở nhà có hại cho trẻ, đó là khi các em bị tách khỏi cuộc sống tập thể và môi trường xã hội cùng trang lứa. Trong đó giao lưu, gắn kết với bạn bè là điều kiện phát triển nhân cách mà không người cha mẹ nào có thể cung cấp được cho con. Chưa kể việc tách con khỏi môi trường tập thể dễ khiến con phát triển sức khỏe tinh thần không đúng hướng. Không ít trường hợp trẻ có dấu hiệu rối loạn tâm lý, trầm cảm do kém hòa nhập bạn bè.

Dù hình thức dạy học ở nhà chưa thực sự phù hợp với nước ta, nhưng qua nhiều ý kiến rộng rãi của đông đảo phụ huynh cho thấy nó phần nào thể hiện sự khủng hoảng lòng tin trầm trọng của phụ huynh trong lĩnh vực giáo dục. Đây là điều mà ngành giáo dục phải nghĩ cách thay đổi phương pháp dạy và học, thay đổi cách quản lý, để phụ huynh và học sinh cảm thấy yêu trường lớp và quý trọng sự nghiệp giáo dục hơn nữa.


Hồng Liên
Ý kiến của bạn