Hoàng Lan và Đức Sơn là hai bạn đọc, viết thư nói rằng họ đại diện cho một số người bị bệnh tăng huyết áp (THA) trong xã, phường, mỗi người uống một loại thuốc khác nhau, nhưng bác sĩ đều dặn, uống thuốc, nếu có tác dụng phụ thì báo cho bác sĩ biết. Xin hỏi thuốc làm giảm huyết áp có mấy loại, có loại nào không có tác dụng phụ không và loại nào hay có tác dụng phụ nhất?
Tại sao phải điều trị bệnh tăng huyết áp
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ số huyết áp tốt nhất (huyết áp mục tiêu) là 120/80mmHg, trong đó 120 là chỉ số huyết áp trên (huyết áp tâm thu) và 80 là chỉ số dưới (huyết áp tâm trương). Gọi là tăng huyết áp khi hai số trên/dưới cao hơn 140/90mmHg.
Tại sao phải điều trị tăng huyết áp? Bởi vì, huyết áp cao thường gây ra các tai biến nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người, suy tim, thiếu máu cơ tim, co thắt mạch vành, suy thận, phình bóc tách động mạch chủ, hôn mê và tử vong. Do đó, mục đích chính của điều trị tăng huyết áp là để phòng ngừa những biến chứng này. Vì vậy, phải điều trị đạt được mục tiêu (trong đó có dùng thuốc), là đưa huyết áp về dưới 130/85mmHg đối với người tuổi trung niên, riêng đối với người có bệnh đái tháo đường hay bệnh thận thì phải đưa huyết áp về dưới 130/80mmHg, hoặc ở người từ 60 tuổi trở lên thì cần đưa huyết áp về dưới 140/90mmHg (bất luận là nam hay nữ).
Người bệnh tăng huyết áp cần định kỳ đi khám bác sĩ.
Hiện nay, có một số nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh tăng huyết áp, mỗi một nhóm thuốc đều có cơ chế tác động khác nhau, tất cả đều dẫn tới hạ huyết áp. Thuốc có thể làm thay đổi sức cản ngoại vi toàn phần, thể tích tống máu, nhịp tim hoặc cung lượng tim. Thuốc điều trị tăng huyết áp không những làm thay đổi chức năng cơ thể mà còn làm ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, các cơ quan nội tạng, nhất là thận.
Vì vậy, các bạn Hoàng Lan và Đức Sơn cũng nên lưu ý, điều thứ nhất là hầu hết các thuốc sử dụng điều trị bệnh tăng huyết áp đều có tác dụng phụ (ít hoặc nhiều). Lưu ý thứ hai là tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp không giống nhau ở mỗi người, có nghĩa là một loại thuốc nào đó có thể tác dụng phụ đối với người này nhưng với người kia thì không.
Một số nhóm thuốc thường được sử dụng và những tác dụng phụ cần quan tâm
Nhóm thuốc lợi tiểu (thiazide, hydroclorothiazid, indapamid, furosemid, sprironolacton, amilorid, triamteren). Nhóm này có thể gây hạ huyết áp thể đứng hoặc biến đổi nồng độ lipid máu gây hạ canxi, kali, magiê máu, có thể gây liệt dương (nam giới) và có thể gây tăng đường huyết (cần lưu ý, không nên dùng cho người đái tháo đường).
Nhóm thuốc chẹn bê-ta (atenolol, propranolol, metoprolol, bisoprolol, carvedilol...) có tác dụng phụ là co thắt mạch ngoại vi, làm chậm nhịp tim, co thắt phế quản, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ (do đó, cần lưu ý nhất đối với người hen suyễn, nhịp tim chậm không được sử dụng thuốc nhóm này).
Nhóm ức chế men chuyển (coversyl, captopril, enalapril, imidapril, lisinopril, perindopril, ramipril...) có tác dụng phụ như suy thận, phù mạch, nhức đầu, mệt mỏi, sụt cân, choáng váng, rối loạn men gan, rối loạn vị giác, đau cơ, khớp hoặc có thể gây liệt dương (nam giới), hạ huyết áp thể đứng, buồn nôn, nhức đầu, choáng váng, phù ngoại vi, đặc biệt là ho khan dai dẳng không có thuốc nào chữa được trừ khi ngừng dùng thuốc.
Nhóm chẹn kênh canxi (nifedipin, verapamil, diltiazem, amlodipin, felodipin, lacipin...) với tác dụng phụ có thể xảy ra nhức đầu, mệt mỏi, hồi hộp, choáng váng...
Nhóm thuốc giãn mạch (hydralazine, monoxidil...), nếu có tác dụng phụ thì chủ yếu gây nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, hồi hộp, đỏ bừng mặt, giữ nước, sung huyết mũi, đau ngực, tim đập nhanh, sử dụng lâu ngày có thể gây tổn hại mô liên kết gây nên bệnh lupus.
Nhóm thuốc tác động vào hệ thần kinh trung ương (clonidine...), có thể có tác dụng phụ gây khô miệng, buồn ngủ, giữ nước, nhịp tim chậm, nhức đầu, choáng váng, buồn nôn, nôn (cần lưu ý, không dùng cho người nhịp tim chậm).
Như vậy, điểm qua một số nhóm thuốc trong điều trị tăng huyết áp thì nhóm nào cũng có tác dụng phụ, không thể nói là nhóm nào có tác dụng phụ nhiều hay ít nhất. Vì vậy, việc điều trị tăng huyết áp là vô cùng quan trọng và không ít khó khăn, không thể tự mua thuốc để điều trị cho bản thân mình hoặc người nhà. Muốn sử dụng thuốc một cách an toàn và hiệu quả nhất trong bệnh tăng huyết áp thì người bệnh cần đi khám để được bác sĩ điều trị kê đơn, hướng dẫn sử dụng thuốc và nên định kỳ khám bệnh để các bác sĩ điều chỉnh thuốc (tăng hoặc giảm liều hoặc duy trì).
PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu