Chớ coi thường khi dị ứng

18-12-2013 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Dị ứng là hiện tượng cơ thể có những phản ứng “bất thường” với các chất “lạ” khi các chất này xâm nhập cơ thể.

Dị ứng là hiện tượng cơ thể có những phản ứng “bất thường” với các chất “lạ” khi các chất này xâm nhập cơ thể. Các chất “lạ” được gọi là dị nguyên - kháng nguyên, khi vào máu sẽ kích thích cơ thể sinh ra kháng thể để chống lại kháng nguyên từ ngoài vào. Nếu những phản ứng giữa kháng nguyên và kháng thể còn nằm trong tầm kiểm soát, sẽ không có hiện tượng gì xảy ra. Khi những phản ứng này xảy ra quá mức bình thường hay còn được gọi là  hiện tượng dị ứng - phản ứng bất thường - các triệu chứng sẽ xuất hiện.

Tác nhân gây dị ứng

Các tác nhân gây nên dị ứng thì rất phong phú và đa dạng, có thể nói, bất cứ chất gì không thuộc cơ thể khi vào máu đều có thể gây dị ứng. Vấn đề là ở chỗ dị ứng có xảy ra hay không lại phụ thuộc cơ địa của từng người. Vì vậy, yếu tố cơ địa là quan trọng nhất và ở những người hay bị dị ứng người ta gọi là có cơ địa atopy. Người ta thấy rằng những cặp song sinh nếu bị dị ứng thì cả hai cùng bị và nếu gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột bị dị ứng thì nguy cơ người đó bị dị ứng rất cao. Ngoài ra, hiện tượng dị ứng hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều có lẽ có sự góp phần của sự ô nhiễm môi trường, lối sống mất vệ sinh, bệnh nhiễm trùng, sự xuất hiện của nhiều loại hóa chất tổng hợp mới có khả năng gây dị ứng cao và chế độ ăn uống thay đổi.

Một trường hợp bị dị ứng.

Nhìn chung, có các nhóm tác nhân (dị nguyên) gây dị ứng là: Thuốc và các loại hóa chất. Các loại thuốc hay gây dị ứng nhất là thuốc kháng sinh trong đó penicillin chiếm tỷ lệ cao nhất. Hóa chất gây dị ứng thì vô cùng phong phú và đa dạng, không thể kể hết được, ví dụ như các loại hóa chất dùng trong công nghiệp thuộc da, dệt vải; thuốc trừ sâu, diệt cỏ, kích thích tăng trưởng trong nông nghiệp; hóa chất dùng trong mỹ phẩm như phấn, son, sáp môi… Các tác nhân từ môi trường bị ô nhiễm như khói bụi, xăng dầu, xác động vật bị nghiền nhỏ hóa bụi. Tiếp đến là nhóm các dị nguyên có nguồn gốc thực vật như phấn hoa, nhựa cây, lá cây độc. Các dị nguyên có nguồn gốc động vật như chất độc các loại côn trùng (ong, rắn, bò cạp, sứa…). Dị ứng có căn nguyên do nhiễm nấm, nhiễm ký sinh trùng như giun, sán các loại.

Thực phẩm cũng là một nhóm nguyên nhân hay gặp và rất nhiều người bị dị ứng khi uống sữa tươi, một số loại củ quả, mật ong, nhộng ong, nhộng tằm. Thực phẩm có nguồn gốc hải - thủy sản hay gây dị ứng hơn các loại thực phẩm khác và loại thực phẩm này gây dị ứng theo ba con đường: Thứ nhất là do hải sản có chứa nhiều loại protein bổ dưỡng nhưng cũng có những protein “lạ”, khi ăn vào cơ thể sẽ là những kháng nguyên thực sự. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây dị ứng. Thứ hai là một số protein có trong hải sản chỉ đóng vai trò là một “bán kháng nguyên” hay kháng nguyên không đầy đủ. Loại này khi vào cơ thể sẽ kết hợp với nhóm “quyết định kháng nguyên” sẵn có gây nên dị ứng. Nguyên nhân thứ ba là do một số hải sản có chứa nhiều chất histamin. Chất này khi vào cơ thể cũng gây nên các triệu chứng như dị ứng. Như vậy, các protein trong hải sản có thể là kháng nguyên, bán kháng nguyên đối với người bị dị ứng hải sản mà lại là những protein bình thường đối với tuyệt đại đa số những người không bị dị ứng hải sản. Còn hiện tượng hải sản có nồng độ histamin cao thì có thể gây triệu chứng cho tất cả mọi người ăn phải, (hiện tượng ngộ độc histamin).

Những thực phẩm có thể gây dị ứng.

Dị ứng nguy hiểm không?

Dị ứng biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau sau khi tác nhân gây dị ứng tâm nhập cơ thể. Hàng đầu là các biểu hiện ngoài da như đỏ da, mẩn ngứa, nổi mày đay. Các biểu hiện thần kinh như đau đầu, chóng mặt, ngất. Các tổn thương niêm mạc như phù nề niêm mạc mắt, mũi, miệng. Các triệu chứng hô hấp như: hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen, co thắt thanh quản, phù nề thanh môn gây tắc nghẽn hô hấp. Các biểu hiện đường tiêu hóa như đau bụng, ỉa chảy, buồn nôn, nôn mửa. Đặc biệt là triệu chứng sốc phản vệ khi có trụy tim mạch với các triệu chứng sốc như da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp, hôn mê…. Các trường hợp tối cấp như co thắt thanh quản, phù nề thanh môn, sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Quan trọng là dự phòng

Dự phòng dị ứng bao gồm các biện pháp như khi dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh phải chú ý tới tiền sử dị ứng của bệnh nhân. Khi dùng các loại hóa mỹ phẩm phải thử vào vùng da cẳng tay trước khi sử dụng. Mang đủ trang thiết bị bảo hộ lao động khi phải tiếp xúc với hóa chất, sơn, dầu, thuốc trừ sâu diệt cỏ. Điều trị tốt các bệnh nhiễm nấm, kí sinh trùng.

Với người bị dị ứng phấn hoa, dị ứng thực phẩm trong đó có hải - thủy sản phản hết sức thận trọng khi ăn uống. Đối với người có cơ địa dị ứng, có thể tới các trung tâm miễn dịch - dị ứng để điều trị giải mẫn cảm (cho bệnh nhân tiếp xúc dần dần với chất gây dị ứng để cơ thể quen và mất đi hiện tượng dị ứng với chất đó) hoặc xác định rõ loại chất gây dị ứng để bệnh nhân phòng tránh tiếp xúc.

Tiến sĩ, Bác sĩ  Vũ Đức Định

 

XỬ TRÍ TẠI CƠ SỞ Y TẾ

Xử trí dị ứng bao gồm cho các thuốc chống dị ứng như kháng histamin (clarytin), corticoid (methyprednisolon) đường uống trong những trường hợp dị ứng nhẹ hoặc tiêm truyền đường tĩnh mạch nếu nặng hơn. Có thể cho thêm vitamin C và các thuốc chống viêm đường uống khác. Khí dùng adrenalin và thuốc dãn phế quản nếu có phù nề thanh môn, co thắt phế quản nhiều. Khi có sốc phản vệ xảy ra, thuốc đầu tiên được chọn là adrenalin, sử dụng đúng theo phác đồ cấp cứu như bất cứ một sốc phản vệ nào khác. Adreanin có thể tiêm dưới da, tiêm, truyền tĩnh mạch tùy tình trạng bệnh nhân.

 


Ý kiến của bạn