Chợ “cóc” Sông Công: Thấy mà ghê!

18-04-2009 20:21 | Thời sự
google news

Dọc theo quốc lộ 3 từ Hà Nội lên Thái Nguyên, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe khách qua lại, với chiều dài chừng 80km nhưng số chợ “cóc” nằm hai bên đường ước chừng gần trăm cái.

Dọc theo quốc lộ 3 từ Hà Nội lên Thái Nguyên, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe khách qua lại, với chiều dài chừng 80km nhưng số chợ “cóc” nằm hai bên đường ước chừng gần trăm cái. Nhiều nhất là ở khu vực thị xã Sông Công (Thái Nguyên). Chất lượng hàng hóa bày bán ở đây vô cùng kinh hoàng.

 Thực phẩm bày bán ngay cạnh cống.
Rẽ vào đường Cách mạng Tháng Tám, chúng tôi có mặt tại thị xã Sông Công (Thái Nguyên), nơi có chợ trung tâm thị xã được xây dựng quy mô rộng rãi, mặc dù vậy, vẫn có tới hơn chục chợ “cóc” ở các ngõ ngách, lề đường giao thông. Đáng tiếc là chợ trung tâm chỉ họp buổi sáng còn buổi chiều tất cả hàng hoá, cá, thịt, gia cầm... lại ngang nhiên mang ra lề đường bày bán, gây ách tắc giao thông. Trong khi đó trụ sở của “lực lượng quản lý trật tự xây dựng và giao thông” thị xã nằm ngay bên cạnh?! Hay tại khu vực giáp ranh giữa 2 phường Thắng Lợi, Mỏ Cày và ngã 3 Việt Đức, chợ “cóc” bày bán suốt ngày ngay trên cống thoát nước, bẩn thỉu, ô nhiễm, ruồi muỗi bu đen... nhưng những cái “chợ” này vẫn vô tư tồn tại như thách thức lực lượng chức năng. Xét về đặc trưng tâm lý và quy luật kinh tế thì tiện mua, lợi bán, có cầu ắt có cung,  và chính cái “tiện, lợi” ấy vô hình trung trở thành mảnh đất màu mỡ để chợ “cóc” mọc lên và tồn tại. Chị Vũ Thị Hương, giáo viên Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức, cho biết: Sau giờ làm việc, trên đường về nhà chị thường ghé vào mua thực phẩm cho bữa tối của gia đình ngay tại chợ “cóc” trước cổng trường cho... tiện, đỡ phải đi xa tốn xăng, mất thì giờ. Còn chị Hà Thị Nhung, khu phố 5, phường Thắng Lợi, khẳng định: Với đồng lương công chức ít ỏi thì mua hàng ở chợ “cóc” là giải pháp tiết kiệm tối ưu. Đây cũng là ý kiến chung của không ít sinh viên đang trọ học ở đây. Khi được hỏi về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì những người mua hàng, kể cả các bạn sinh viên, đều thản nhiên cho rằng: “Cứ nấu sôi là chín hết, còn đồ ăn sống thì rửa kĩ là xong”. Cá biệt có người còn tặc lưỡi: “chết nó có số”(!). Nhận thức giản đơn, xem thường dịch bệnh là một trong những nguyên nhân làm cho chợ “cóc” mặc nhiên tồn tại, lan truyền bệnh tật trong cư dân. Mặt khác, người bán hàng đa phần là tự phát, buôn bán nhỏ, thiếu đạo đức kinh doanh, chạy theo lợi nhuận nên “quên” mất hậu quả gây ra cho người sử dụng. Một số nơi vừa bán vừa lo chạy công an nên gom hàng sống, hàng chín lẫn lộn, giấu trong bụi cây, cống, rãnh... bẩn thỉu vô cùng. Chị Lan, bán vịt nướng trên lề đường 3 phố Cò (Phổ Yên), thản nhiên khi trả lời chúng tôi về ý thức giữ vệ sinh thực phẩm: “Chú có thấy ai hỏi vịt này sạch hay bẩn không? Họ chỉ hỏi giá bán bao nhiêu thôi. Chỗ tôi bán còn sạch hơn nhiều chỗ khác”! Cái “sạch” mà chị Lan nói là thịt vịt được đậy bằng một cái khăn đen nhẻm, xám xịt, ruồi nuỗi vo ve (!). Vậy mà khách vẫn mua tới tấp bởi giá bán ở đây rẻ hơn trong chợ 1 nghìn đồng mỗi cân vịt nướng.

Không chỉ mất vệ sinh mà cứ ở đâu có chợ “cóc” là ở đó giao thông lộn xộn, ùn tắc, thỉnh thoảng lại xảy ra tai nạn, trộm cắp, móc túi nên khó quản lý.

Những bất cập trên chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương đều biết nhưng chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu. Điều này có một phần nguyên nhân từ ý thức của người dân đối với sức khỏe của chính mình và với cộng đồng xã hội. Do vậy, bên cạnh việc các cấp, ngành hữu quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên bằng những hình ảnh ấn tượng, tác động mạnh vào ý thức người dân, thì chính quyền các cấp phải có “thuốc đặc trị” để xoá bỏ chợ “cóc” với chế tài xử phạt nghiêm minh, “đánh” nặng vào thu nhập của người vi phạm; tiến hành kiểm tra gắt gao, liên tục không để “nhờn thuốc” do xử lý nương tay. Cùng đó, các địa phương cần tiến hành rà soát, quy hoạch, xây dựng chợ trung tâm, mở các khu vực bán hàng tiện lợi, thu hút cả người bán, người mua, tránh trường hợp chỉ họp buổi sáng còn buổi chiều tràn ra lề đường như chợ trung tâm thị xã Sông Công, vừa lãng phí, vừa mất trật tự lại nhếch nhác, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, làm tổn hại sức khỏe cộng đồng.

Bài và ảnh: Hoàng Thành


Ý kiến của bạn