Đàn ông ở nhiều ngôi làng của Ấn Độ không giấu giếm việc họ phải chi tiền cho môi giới để có vợ. Ảnh: CNN.
Ngay cả với một giáo viên như Narinder, kiếm được một cô vợ cũng khó. Narinder hay xấu hổ và nhút nhát nhưng người đàn ông 36 tuổi trên nói rằng, đó là số phận rồi, chẳng thể thay đổi được. Thầy giáo ấy cư xử rất lịch sự và lúc đầu tỏ ra miễn cưỡng khi chia sẻ về tình trạng hiện tại của mình.
Narinder sinh ra trong gia đình có bốn anh em nhưng chỉ duy nhất một trong số các anh của thầy là cưới được vợ. Ở nơi Narinder sống, bang Uttar Pradesh, chỉ có 858 cô gái cho 1.000 chàng trai.
"Thời buổi này, chỉ có đại gia và những viên chức làm việc trong cơ quan chính phủ mới lấy được vợ thôi. Còn lại, chẳng ai tìm nổi một cô dâu ở đây nữa đâu", Narinder than thở.
Trong xã hội Ấn Độ bảo thủ, một cô dâu tốt nghiệp đại học không phải sự lựa chọn của các gia đình chú rể. Một cô dâu mới phải chăm sóc gia đình nhà chồng bằng những bữa ăn và chu toàn việc nhà. Bởi vậy, họ chỉ cần sạch sẽ, biết chăm sóc con cái là đủ.
Narinder không thể kiếm nổi cô nào trong làng chỉ bởi ở đó có quá ít phụ nữ. Vì thế, anh phải nhờ đến trung tâm môi giới.
Narinder có thể là nạn nhân của việc lựa chọn giới tính trước khi sinh nghiêm trọng ở Ấn Độ. Trải qua nhiều thập kỷ, tình trạng nạo phá thai để chọn giới tính thai nhi đã gây nên sự mất cân bằng giới. Lợi dụng tình hình, những kẻ buôn người tuyển hoặc bắt cóc phụ nữ nghèo đem bán làm cô dâu.
Cô dâu bị bán ở Ấn Độ đến từ đâu
Một đôi vợ chồng lớn tuổi không cầm được nước mắt khi nhìn bức ảnh nhỏ chụp cô con gái Jaida, 16 tuổi. Bức ảnh cũ mờ là tất cả những gì còn lại của Jaida.
- Bức ảnh cũ mờ của Jaida là những gì còn lại của bố mẹ em kể từ sau khi cô bé mất tích. Ảnh: CNN.
Gia đình Jaida sống ở ngôi làng có nhiều căn nhà đắp từ bùn, cách sông Brahmaputra một khoảng an toàn. Tuy nhiên, những trận lụt ập tới đã phá hủy toàn bộ kế sinh nhai của họ. Cả nhà chỉ kịp giữ lại được vài chiếc nồi, chảo, mấy con dê cùng hai chiếc giường. Không ra đồng trồng trọt được gì, bố Jaida nuôi sống gia đình bằng nghề đan rổ, chiếu bằng rơm.
Cách đây 2 năm, cô gái này mất tích sau khi nói chuyện cùng người lạ trong một ngày mưa bên bờ sông Brahmaputra.
Mọi hy vọng của cha mẹ Jaida trông cậy cả vào nhà hoạt động nhân quyền Shafiq Khan, người đã tìm ra lý do tại sao hơn 3.000 phụ nữ mất tích ở bang Assam năm 2012. Trong năm đó, ước tính có khoảng 10 phụ nữ bị bắt cóc ở Assam mỗi ngày. Một vài trong số họ sau đó được tìm thấy, số còn lại mất tích mãi mãi.
Các bang ở phía đông Ấn Độ như Assam, Jharkhand, West Bengal và Odisha trở thành nguồn cung cấp cho hoạt động buôn bán cô dâu bởi những nơi ấy, tỷ lệ giới tính cân bằng hơn. Ngược lại, những bang ở phía tây bắc nước này thường bảo thủ và cũng giàu hơn nên có khả năng chi trả cho chi phí siêu âm chẩn đoán hình ảnh và nạo phá thai chọn giới tính.
Halida, 14 tuổi, sống ở ngôi làng gần gia đình Jaida. Tháng 12/2012, Halida bị một người đàn ông đi xe máy bắt cóc rồi nhốt trong một ngôi nhà và hãm hiếp suốt hai ngày. Sau khi nghe người đó nói sẽ đưa cô tới Delhi để bán, Halida càng có động lực trốn thoát.
- Tasleema và em gái Akhleema đều bị bán làm cô dâu. Ảnh: CNN.
Thoát khỏi sự giam cầm của kẻ bắt cóc nhưng Halida không thể thoát khỏi miệng lưỡi của người làng. Dân làng biết về vụ tấn công tình dục trên và lũ trẻ bắt đầu chòng ghẹo cô bé khiến việc đến trường của Halida trở thành một cơn ác mộng. Không ai muốn thuê bố em làm việc nên ông phải đi thật xa để kiếm tiền.
Trong suốt cuộc phỏng vấn với nhà báo của CNN, mẹ Halida ngồi lặng yên trong góc nhà. Không giấu giếm, bà cho rằng, con gái đã mang tới nỗi nhục nhã, xấu hổ cho cả gia đình.
Khi các cô dâu bị bán
Tasleema và em gái Akhleema đến từ thủ phủ Kolkata, bang tây Bengal. Quá nghèo nên gia đình đã quyết định bán hai chị em cho một kẻ buôn người. Hai chị em cô bị bán làm vợ cho hai người đàn ông sống ở một ngôi làng thuộc bang Haryana. Với Tasleema và Akhleema, thời thơ ấu là chuỗi ngày may mắn nhất cuộc đời bởi từ lúc đi lấy chồng, họ luẩn quẩn trong một chuỗi nấu nướng, làm việc trên đồng, bị đánh và lạm dụng.
Chồng của hai cô đã phải chi 2.000 USD cho môi giới để có vợ. Dẫu vậy, họ vẫn bị người làng chê cười vì đi mua vợ, thay vì "ăn cỏ đồng ta".
"Trong xã hội Ấn Độ, gia trưởng là cố hữu. Các cô gái không phải là những vị khách được chào đón trong gia đình chúng tôi, vì thế, họ không được đối xử tốt", Muttreja, một nhà hoạt động nhân quyền, nói.