Chớ chủ quan với vết lõm trên ngực trẻ vì đó là dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm

12-07-2019 07:07 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Lõm xương ức là dị tật thành ngực phổ biến nhất ở trẻ em. Tỉ lệ mắc 1/300 trẻ sinh sống. Nhiều bố mẹ chủ quan với những vết lõm trên ngực con mà không nghĩ rằng nó là dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm.

Trước đây, để điều trị bệnh này, các bệnh nhân được bác sĩ tiến hành phẫu thuật đặt thanh nâng ngực. Tuy nhiên, phương pháp được coi là duy nhất này vẫn còn tồn tại các biến chứng trong và sau mổ, bệnh nhân mang dị vật trong cơ thể trong khoảng thời gian dài.

Mới đây, một phương pháp điều trị không xâm lấn có tên gọi “đặt chuông nâng xương ức” đã được các bác sĩ khoa Ngoại - Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương ứng dụng đối với các bệnh nhân mắc dị tật lõm xương ức bẩm sinh. Sau 1 năm triển khai, 20 bệnh nhân với tình trạng bệnh khác nhau đã được điều trị bằng phương pháp mới, cho kết quả bước đầu khả quan.

Giảm đáng kể độ lõm ở ngực trẻ

Cách đây nửa năm, cháu Nguyễn Thanh Hoàng (14 tuổi, Thái Bình) được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám do có vết lõm ở ngực. Gia đình cho biết, khi Hoàng được 8-9 tuổi, cháu vẫn phát triển bình thường, ngực chưa thấy rõ vết lõm sâu. Năm cháu 11 tuổi, thấy con có vết lõm nhưng gia đình vẫn không để ý vì chưa biết đến bệnh lõm xương ức.

Mãi tới khi đọc thông tin trên mạng về căn bệnh này, nhìn thấy hình ảnh bệnh nhân, tôi mới nghi ngờ con có bệnh. Rồi khi thấy con kêu khó thở, tức ngực, gia đình mới đưa con đi khám - mẹ cháu Hoàng chia sẻ.

Sau khi thăm khám, cháu Hoàng được các bác sĩ chẩn đoán lõm xương ức. Được các bác sĩ giải thích về bệnh của con, đồng thời tư vấn phương pháp điều trị, gia đình cháu Hoàng đồng ý cho con điều trị bằng phương pháp đặt chuông nâng ngực. Trẻ được đặt chuông nâng ngực với đường kính vòm hút 26cm.

Đến nay, sau 6 tháng điều trị, cháu Hoàng không còn đau ngực, khó thở. Trong quá trình đặt chuông, bệnh nhi cũng không có cảm giác ngứa, không dị ứng hay xuất huyết dưới da trong quá trình sử dụng. Độ sâu vùng lõm đã cải thiện từ 18 mm xuống chỉ còn 10 mm, đường kính diện lõm từ 23 cm xuống còn 18 cm.

Bác sĩ kiểm tra diện tích vùng lõm của bệnh nhi (14 tuổi) sau 6 tháng đặt chuông nâng ngực.

Cùng đợt điều trị với cháu Hoàng là bé Hoàng Thanh An (6 tuổi, Hà Nội). Cháu được gia đình phát hiện tình trạng lõm xương ức từ cách đây 1 năm. Thấy con hay kêu khó thở, biếng ăn, ngực có một vết lõm sâu, gia đình đưa con đến BV Nhi Trung ương khám thì được biết con mắc căn bệnh lõm xương ức.

Tại bệnh viện, gia đình được các bác sĩ tư vấn sử dụng phương pháp điều trị đặt chuông nâng xương ức đường kính vòm hút 16cm. Tần suất dùng chuông tăng dần theo thời gian và khả năng đáp ứng với thiết bị: tuần đầu 30phút/lần, 2 lần/ ngày. Tuần 2: 30phút/lần, 4 lần/ngày. Tuần 3: sử dụng liên tục trong khi ngủ. Tuần 4: sử dụng liên tục với thời gian tối đa có thể.

Bệnh nhân được theo dõi các dấu hiệu cơ năng và thực thể trong quá trình đặt chuông và đánh giá độ sâu diện lõm sau 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng (30 phút sau khi bỏ thiết bị). Sau 6 tháng điều trị, diện tích vùng lõm ở vùng xương ức của cháu bé đã được cải thiện. Độ sâu diện lõm giảm từ 15mm xuống còn 8mm, đường kính diện lõm giảm từ 14cm xuống còn 11 cm.

Đặt chuông nâng xương ức có thể thay thế, hỗ trợ cho phẫu thuật

TS.BS Tô Mạnh Tuân - Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: Tại BV Nhi Trung ương, bệnh nhân đến mổ lõm xương ức gần như quanh năm nhưng đặc biệt mùa hè nhiều bệnh nhân hơn. Trước đây trẻ bị lõm xương ức được phát hiện rất muộn bởi vậy đối tượng bệnh nhân phẫu thuật thường là trẻ lớn từ 9-10 tuổi.

"Sử dụng chuông nâng xương ức trong điều trị lõm xương ức không xâm nhập bước đầu cho kết quả khả quan, an toàn, hiệu quả. Chúng tôi hy vọng phương pháp này thành công sẽ được ứng dụng rộng rãi, mang lại thêm lựa chọn cho các gia đình có con mắc dị tật này" - TS. Tuân cho hay.

Hình ảnh chuông nâng xương ức khi sử dụng trên cơ thể bệnh nhi.

Hình ảnh lồng ngực bệnh nhi trước và sau khi sử dụng chuông nâng xương ức.

Theo TS. Tuân, chuông nâng ngực là dụng cụ điều trị lõm xương ức ở trẻ em đã được sử dụng từ 10 năm nay trên thế giới. Ý tưởng sử dụng một công cụ nâng xương ức từ bên ngoài lồng ngực đã có từ hàng thế kỷ trước, nhưng gần đây sự ra đời của chuông nâng xương ức đã khiến việc điều trị không xâm nhập trở nên khả thi.

Chuông nâng xương ức là bộ thiết bị hút đặt bên ngoài lồng ngực, úp lên diện lõm của thành ngực trước, được điều chỉnh áp lực bằng bóng bóp. Thiết bị này có tác dụng nâng xương ức và khung xương sườn bằng lực hút chân không, có thể quan sát hiệu quả bằng cách nhìn vào kính quan sát.

Cấu tạo chuông gồm 3 phần: thân vòm, kính quan sát và bộ dây bóng bóp. Kích thước vòm cần đủ rộng để hộ trợ toàn bộ vùng ngực lõm, vừa đủ để không chạm vào họng và bụng. Ở bệnh nhân nữ, chuông cần được đặt khéo léo để không đè lên phần vú, gây đau.

Trước tiên, chuông nâng xương ức có thể sử dụng thay thế hoàn toàn cho phẫu thuật đặt thanh nâng. Ngoài ra, chuông cũng có thể dùng trong thời gian chuẩn bị mổ, thậm chí trong cuộc mổ để tạo khoang sau xương ức, giúp việc đặt thanh an toàn hơn.


Minh Khôi - Lê Mai
Ý kiến của bạn