Táo bón là trạng thái đi tiêu phân khô cứng, mắc đi mà không đi được, mỗi khi phải rặn mạnh, thời gian đi tiêu lâu hoặc nhiều ngày mới đi tiêu, trong điều kiện ăn uống bình thường.
Nguyên nhân
Táo bón là hiện tượng rất thường gặp, nhất là ở người già và người béo, có thể do những nguyên nhân cụ thể như sau:
Do dinh dưỡng: những người bị táo bón thường có chế độ ăn không hợp lý, trong khẩu phần ăn ít chất xơ, vì chất xơ hỗ trợ rất hiệu quả cho quá trình tiêu hóa và co bóp của dạ dày hay hững người có chế độ ăn kiêng khắt khe cũng dễ bị táo bón.
Uống ít nước: nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển chất trong cơ thể và giúp thức ăn dễ tiêu hóa cho nên khi lượng nước không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể, rất dễ gây táo bón.
Do tâm lý: thói quen nhịn đi cầu, đặc biệt là vừa đi vừa đọc sách, báo làm kéo dài thời gian đại tiện cũng là một trong những nguyên nhân gây ra táo bón.
Một số nguyên nhân khác: do bệnh lý ở đại tràng, các bệnh về nội tiết như: suy giáp trạng, cường giáp trạng…; do sử dụng thuốc làm giảm co bóp của đại tràng như: thuốc giảm đau, thuốc điều trị tăng huyết áp hay do nghề nghiệp phải ngồi lâu, ít vận động.
Nên đi tiêu khi có cảm giác mắc để làm trống ruột càng sớm càng tốt
Biến chứng của táo bón
Đi tiêu trong phân có máu: khi khối phân rắn cứa rách niêm mạc ống hậu môn trực tràng sẽ gây chảy máu nhưng mức độ chảy máu nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ chấn thương niêm mạc, có tổn thương mạch máu hay không và sự tái phát thường xuyên của táo bón.
Nứt kẽ hậu môn: khi khối phân rắn gây khó đi tiêu, người bệnh thường phải rặn mạnh, gắng sức tối đa làm rách niêm mạc, lớp dưới niêm mạc và có thể lan tới lớp cơ thắt ống hậu môn gây nứt kẽ hậu môn. Nứt kẽ hậu môn không chỉ gây đi tiêu trong phân có máu mà còn gây đau đớn ngay trong khi khối phân táo đi ra ngoài và sẽ còn gây tiếp diễn sự đau đớn của những lần đi tiêu sau đó.
Đau đớn khi đi tiêu: đau do nứt kẽ hậu môn gây ra hoặc do co thắt cơ thắt cơ vòng hậu môn và đau tăng lên khi có áp-xe hậu môn hoặc rò hậu môn...
Đau vùng bụng dưới do khối phân lớn chứa đựng ở trực tràng, đại tràng sigma làm cho người bệnh khó chịu, đau âm ỉ hoặc đau nhiều nếu có hiện tượng gây bán tắc ruột, tắc ruột do ứ phân.
Hậu quả
Thời gian mắc chứng táo bón càng lâu thì hậu quả do nó gây ra càng nhiều, càng trầm trọng.
Thay đổi tâm lý, stress: người bệnh luôn bị căng thẳng, cảm thấy bực bội, khó chịu, ăn uống không ngon, ngủ kém, thường xuyên mệt mỏi làm cho sức khỏe sa sút.
Chứng sợ ăn: hầu hết người mắc chứng táo bón, đặc biệt là trẻ nhỏ rất sợ ăn, biếng ăn, ăn kém do thường xuyên có cảm giác đầy bụng, khó tiêu và rất sợ đi tiêu.
Trĩ nội, trĩ ngoại: khi người bệnh mắc chứng táo bón kéo dài, hầu hết sẽ bị bệnh trĩ do hiện tượng tăng áp lực ổ bụng vì luôn gắng sức rặn khi đi tiêu làm cho các búi trĩ càng ngày càng to ra, mỗi lần đi tiêu và thường có máu kèm theo phân.
Viêm ống hậu môn trực tràng, áp-xe hậu môn, rò hậu môn: khối phân cứng nên gây ra sang chấn, viêm nhiễm vùng niêm mạc trực tràng, ống hậu môn cho nên làm tăng nguy cơ gây viêm nhiễm trùng, áp-xe hậu môn, trực tràng, rò hậu môn...
Tắc ruột do khối ứ phân: do phân ứ đọng lâu ngày trong đại trực tràng nên càng ngày nó càng rắn và có thể gây ra hiện tượng bán tắc ruột hoặc tắc ruột, với các biểu hiện như: đau bụng từng cơn xảy ra liên tục, bụng chướng, không đánh hơi hoặc đi tiêu được
Suy kiệt, nhiễm độc mạn tính: khi phân ứ đọng lâu ngày trong đại tràng sẽ tạo điều kiện cho vi trùng gây bệnh phát triển sinh ra các chất có hại và nó được hấp thu vào máu rồi dần dẫn tới nhiễm độc mạn tính gây nên tình trạng kích thích thần kinh làm ảnh hưởng tới tâm tính và tinh thần người bệnh, người bệnh lúc nào cũng cảm thấy bực bội, khó chịu, ăn uống kém thì về lâu dài sẽ làm cho người bệnh sút cân, thiếu máu, da xanh, niêm mạc nhợt, da khô xấu...
Tăng nguy cơ bị ung thư hậu môn, trực tràng: do tính chất phân của chứng táo bón khô và cứng nên sẽ có các độc tố và chất gây ung thư nhiều hơn so với phân của người bình thường. Thời gian phân nằm lâu trong trực tràng làm tăng thời gian tiếp xúc với niêm mạc trực tràng cũng là nguyên nhân dễ gây ung thư.
Tăng biến chứng cho những người sẵn có bệnh mạn tính: người bệnh cao huyết áp, người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, xơ gan cổ chướng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tâm phế mãn nếu bị táo bón thì rất nguy hiểm vì khi đi tiêu phải rặn nhiều nên sẽ làm tăng áp lực máu, tăng nguy cơ tắc mạch máu não hoặc xuất huyết não, tăng nguy cơ lên cơn khó thở, cơn hen...
Táo bón cũng làm tăng áp lực trong ruột, tăng ứ đọng phân, dịch trong lòng ruột thừa khiến cho người bệnh có nguy cơ dễ bị viêm ruột thừa. Mặt khác, khi táo bón dài ngày còn làm cho ruột già bị suy yếu, giãn ra tạo thành các túi thừa đại tràng và có nguy cơ thủng ruột.
Nứt kẽ hậu môn
Điều trị và phòng táo bón
Để điều trị khỏi táo bón, cần phải thay đổi chế độ ăn, thay đổi lối sống như năng vận động, uống đủ nước… và chỉ sử dụng thuốc khi thay đổi lối sống không cải thiện được tình hình và nên tới bác sĩ để được tư vấn đầy đủ về loại thuốc phù hợp và cách dùng.
Để phòng bệnh táo bón cần thực hiện các cách như sau:
- Tập luyện thói quen đi đại tiện vào một thời gian nhất định trong ngày, tốt nhất là vào buổi sáng.
- Ăn nhiều thực phẩm có chất xơ, uống đủ lượng nước trong ngày.
- Xoa bóp bụng hàng ngày để giúp cho quá trình co bóp của đại tràng đẩy phân di chuyển trong ruột được dễ dàng.
- Có thể sử dụng thuốc điều hòa hoặc tăng cường co bóp đại tràng nhưng phải được sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Người trẻ tuổi nên tập thói quen ăn uống hợp lý để phòng tránh táo bón như: ăn đủ chất xơ thường có trong rau quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu. Mỗi ngày nên ăn 25 - 30g chất xơ tức khoảng 300g rau, trái cây vì khi vào cơ thể, chất xơ không bị tiêu hóa, hấp thu tại ruột mà nó sẽ hút nước nên sẽ làm cho phân trở nên mềm, xốp, giúp nhuận trường. Đồng thời nên phối hợp đồ ăn thức uống và thay đổi món ăn thường xuyên để tạo cảm giác ngon miệng và tận dụng hết những ưu thế của các loại thực phẩm khác để tránh táo bón. Ngoài việc uống nhiều nước để phân trong ruột luôn mềm nhão cần hạn chế nước trà đặc, cà phê… và các loại nước trái cây, nước rau, canh súp lỏng cũng là nguồn cung cấp nước rất tốt cho cơ thể.
- Nhân viên một số ngành nghề đòi hỏi phải ngồi lâu, bất động như thợ may, nhân viên văn phòng, lái xe… nên tận dụng thời gian rảnh rỗi để vận động cơ thể phòng ngừa táo bón và tập thói quen đi cầu đúng giờ, chẳng hạn như đi cầu vào buổi sáng để tránh nhu cầu phát sinh trong lúc đang làm việc.
- Không được bỏ qua cảm giác muốn đi tiêu nhưng không đi và nên đi tiêu khi có cảm giác mắc để làm trống ruột càng sớm càng tốt.
- Ăn uống với chế độ cân bằng bao gồm các loại hạt ngũ cốc, trái cây tươi và rau, củ quả.
Khi người bệnh mắc chứng táo bón kéo dài, hầu hết sẽ bị bệnh trĩ
Một số thực phẩm thông thường có tác dụng nhuận trường, rất tốt cho người bị táo bón:
- Các loại rau: rau đay, mồng tơi, rau khoai lang, rau sam, rau má, rau cải trắng, rau cần, rau chân vịt, rau càng cua, lá sâm mồng tơi, khổ qua, đậu bắp, giá đỗ…
- Trái cây: đu đủ, thanh long, bưởi, cam quít, chuối, thơm, táo, lê…
- Củ quả: củ cải trắng, bí đỏ, dưa leo, khoai lang, khoai tây cả vỏ, khoai mỡ…
- Ngũ cốc, đậu: mè, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen cả vỏ, gạo lứt…
- Các loại khác: hạt é, rau câu, sương sâm, sương sáo, đậu ma…