Hà Nội

Chớ chủ quan với sốt xuất huyết

12-06-2019 16:37 | Y học 360
google news

SKĐS - Dịch sốt xuất huyết thường xuất hiện bắt đầu vào mùa mưa. Đây là dịch bệnh thường xuất hiện trên diện rộng và nếu không được điều trị, chăm sóc đúng, sẽ có những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ…

Biểu hiện của bệnh

Bệnh nhân đột ngột sốt cao 39-40 độ C liên tục, kéo dài 2-7 ngày. Nhiều trường hợp chỉ bị sốt cao trong những ngày đầu và không có bất cứ biểu hiện gì khác.  Bên cạnh triệu chứng sốt cao, đột ngột, có thể kèm theo các biểu hiện sau như: Cơ thể có cảm giác rất mệt mỏi, đỏ phừng mặt, da xung huyết, đau nhức khắp cơ thể, đau khớp, đau đầu. Trong một số trường hợp sẽ bị đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ở trẻ em và nhũ nhi có thể kèm triệu chứng ho sổ mũi hay tiêu chảy. Vào thời điểm này, những triệu chứng bệnh thường không đặc hiệu, không thể phân biệt với các loại virus khác nên nhiều cha mẹ vội vã ra nhà thuốc mua thuốc và cho trẻ uống tạm với hi vọng điều trị dứt điểm căn nguyên của bệnh. Tuy nhiên, việc làm này chỉ giảm được nhất thời tình trạng sốt nên dễ bị bỏ qua và làm cho cha mẹ trẻ chủ quan, bỏ qua các biến chứng sau này.

Xuất huyết - đây là dấu hiệu khá quan trọng, cho biết có tình trạng thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch máu, từ đó dẫn đến tình trạng sốc giảm thể tích rất nguy hiểm. Xuất huyết có thể xuất hiện trong thời gian từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 của chu kỳ bệnh. Nếu xuất hiện các chấm huyết dưới da không biến mất khi ấn vào hoặc có những vết bầm máu, bầm lâu tan, có chảy máu mũi, chảy máu chân răng mà không do cơ chế tác động gì từ bên ngoài, hoặc có nôn/đi tiêu ra máu… hãy nghĩ ngay đến sốt xuất huyết nếu đang có sốt cao.

Từ ngày thứ 3-7 của bệnh, bắt đầu hạ sốt 37,5-38 độ C hoặc thấp hơn, bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như: Lừ đừ, mệt mỏi, ói nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, gan to… Một số trường hợp diễn biến đến sốc sốt xuất huyết với biểu hiện chân tay lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp không đo được. Dấu hiệu quan trọng của sốc, xảy ra vào ngày thứ 3 - 6 sau khi xuất hiện triệu chứng sốt đầu tiên. Những trường hợp này phải nhập viện cấp cứu ngay.

sốt xuất huyếtMuỗi vằn là trung gian truyền bệnh.

Biến chứng của sốt xuất huyết

Các chuyên gia y tế đánh giá, sự nguy hiểm của căn bệnh sốt xuất huyết ở chỗ bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Mặc dù đa số các trường hợp được điều trị khỏi bệnh và không có biến chứng, nhưng sốt xuất huyết thường rất nguy hiểm nếu phát hiện bệnh chậm trễ và xử lý không kịp thời. Bệnh gây nguy hiểm khi có biến chứng sốc, trụy tim mạch, biến chứng thường xảy ra ở ngày 4 - 6 của bệnh. Biểu hiện nặng nhất của bệnh là hội chứng sốc Dengue. Do tình trạng thoát huyết tương từ lòng mạch ra ngoài gian bào, từ đó dẫn đến hiện tượng sốc giảm thể tích và rối loạn đông máu. Sốc giảm thể tích và xuất huyết là hai nguyên nhân chính dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Chăm sóc người bệnh như thế nào?

Mặc quần áo thoáng, màu sáng để thoát nước, không đắp chăn kín. Uống nhiều nước, bù nước bằng dung dịch oresol pha đúng theo hướng dẫn, uống nước trái cây, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu.

Các thuốc được dùng: Thuốc hạ nhiệt paracetamol, truyền dịch theo chỉ định của bác sĩ và tại cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu (trong trường hợp không uống được), lau nước ấm giúp hạ sốt. Không dùng hạ sốt bằng aspirin, ibuprofen vì dễ gây xuất huyết nặng.

Những quan niệm sai lầm

Bị một lần sẽ không bị lại: Nhiều người cho rằng, đã bị sốt xuất huyết một lần rồi thì sẽ không bị lại. Tuy nhiên, hiện lưu hành 4 týp virus sốt xuất huyết là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc các typ còn lại, và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước. Một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó, chứ không có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại.

Xuất huyết là dấu hiệu khá quan trọng, cho biết có tình trạng thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch máu, từ đó dẫn đến tình trạng sốc giảm thể tích rất nguy hiểm…

Giảm sốt là hết bệnh: Khi bị sốt xuất huyết, vào ngày thứ 4 bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước. Nhiều người cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi. Tuy nhiên, đây là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh khi có thể xuất hiện các biến chứng nặng. Người bệnh có thể gặp tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu hoặc xuất huyết do giảm tiểu cầu. Tất cả những biến chứng này chỉ có thể phát hiện bằng xét nghiệm. Bởi vậy, ngày thứ 4 tính từ thời điểm sốt là thời gian người bệnh sốt xuất huyết được khuyến cáo nên đến bệnh viện để kiểm tra.

Tiếp xúc với người bị sốt xuất huyết là lây bệnh: Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bởi vậy khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết, cần lưu ý tránh muỗi đốt.

Truyền dịch bị máu loãng: Thực tế một số bệnh nhân sốt xuất huyết không dám truyền dịch vì sợ máu loãng. Tuy nhiên, đây là nỗi sợ hoàn toàn vô lý, vì người bệnh có thể bị mất nước do sốt cao, giảm lượng đưa vào do ăn uống kém, hoặc do thoát dịch vào tổ chức gian bào.

Ăn cơm có nguy cơ thủng ruột: Một nỗi lo ngại của người bệnh là sợ ăn cơm khi sốt xuất huyết sẽ gây thủng ruột nên chỉ dám ăn cháo. Thông tin này là hoàn toàn sai lầm. Chế độ ăn trong bệnh sốt xuất huyết không phải kiêng khem, mà cần đảm bảo đủ năng lượng với thành phần dinh dưỡng hợp lý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên ăn chế độ ăn mềm, lỏng vì khi cơ thể đang mệt mỏi thì chế độ ăn này sẽ dễ ăn hơn.

Đánh răng khiến sốt xuất huyết bị nặng hơn: Đánh răng và chảy máu chân răng sẽ không làm bệnh sốt xuất huyết nặng lên. Vì vậy, bị sốt xuất huyết với số lượng tiểu cầu còn cao thì vẫn có thể đánh răng nhẹ nhàng, không chà xát quá mạnh để giảm nguy cơ bị chảy máu chân răng.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ xuất hiện ở những nơi ao tù nước đọng: Nhiều người nhầm tưởng chỉ những nơi cống rãnh, mất vệ sinh, ao tù là địa điểm sinh sôi, cư trú của muỗi vằn. Tuy nhiên, muỗi vằn sinh sôi nảy nở ở cả bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để trên ban thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ...

Cắt lể vào vết xuất huyết trên da “nặn máu độc”: Trong dân gian còn lưu truyền cách này và cho rằng sẽ khỏi bệnh. Tuy nhiên đây là việc làm nguy hiểm bởi sẽ gây chảy máu nặng hơn, tạo cơ hội cho nguy cơ nhiễm trùng…

Kiêng tắm: Người mắc sốt xuất huyết không cần kiêng tắm. Nếu kiêng tắm sẽ làm cơ thể không được vệ sinh sạch sẽ có thể bội nhiễm vi khuẩn.


BS. CKII. Lê Hải
Ý kiến của bạn