Viêm lợi là một trong những bệnh răng lợi hay gặp nhất. Bệnh gây tổn thương đến mô bao quanh và nâng đỡ răng. Bệnh có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ, viêm phổi… và rụng răng.
Vi khuẩn trú ẩn ở mảng bám răng gây viêm lợi
Mảng bám răng lúc đầu là một mảng không màu, dính bao quanh răng. Khi bị vôi hoá, mảng này biến thành cao răng, màu sẫm dần theo thời gian. Sự tích tụ mảng bám tạo nên những túi chứa vi khuẩn, từ đây, vi khuẩn sẽ sinh sôi phát triển khi gặp điều kiện thuận lợi rồi gây viêm lợi và dễ chảy máu. Ai cũng có thể bị viêm lợi, trong đó yếu tố nguy cơ nhất là vệ sinh răng miệng chưa đúng cách. Nhiều nghiên cứu còn cho thấy các yếu tố có thể làm tăng khả năng viêm lợi sau đây: di truyền, những người mẫn cảm với bệnh thường có cơ địa di truyền, nghĩa là trong gia đình có bố hay mẹ bị viêm lợi thì các con của họ cũng dễ bị viêm lợi.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Một số loại thuốc làm giảm tiết nước bọt, gây khô miệng, dẫn đến hậu quả là mảng bám răng và cao răng có thể tích tụ dễ dàng hơn, khi đó dễ bị viêm lợi và sâu răng. Các thuốc có tác dụng làm giảm tiết nước bọt là: thuốc chống trầm cảm, thuốc atropin…, uống rượu cũng làm giảm tiết nước bọt. Người hút nhiều thuốc lá, thuốc lào dễ bị viêm lợi vì hút thuốc làm cho các vết tổn thương lợi lâu liền hơn, chậm thay thế mô bị phá huỷ do vi khuẩn.
Bệnh nhân bị bệnh tiểu đường mà không kiểm soát được hoặc kiểm soát kém lượng đường huyết dễ bị viêm lợi do bệnh tiểu đường làm mạch máu dầy lên, giảm khả năng vận chuyển chất dinh dưỡng đến lợi và kém vận chuyển chất cặn bã từ lợi đi để đào thải ra ngoài, nên lợi bị yếu và dễ nhiễm khuẩn. Đối với phụ nữ có thai: do thay đổi hormon trong thời kỳ thai nghén làm cho lợi mẫn cảm với tác động gây tổn thương của mảng bám nên cũng dễ bị viêm lợi. Những bệnh nhân bị suy yếu hệ miễn dịch rất dễ bị viêm lợi.
Phải để ý mới biết mình bị viêm lợi
Bệnh viêm lợi phần lớn không gây đau, bạn phải để ý mới biết mình bị viêm lợi vì nhiều khi bạn chỉ thấy khó chịu nhiều năm sau khi đã bị viêm lợi. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển đến khi gây đau do mưng mủ, áp-xe. Nhưng bạn đừng chờ đến khi bệnh đã nặng như thế mà hãy tìm các triệu chứng sớm hơn của viêm lợi như: lợi mềm, sưng hoặc chảy máu, thường thấy nhất là chảy máu khi đánh răng.
Thay đổi màu của lợi từ hồng sang đỏ sẫm. Khi thấy lợi của bạn bị sưng, dễ chảy máu và có màu đỏ sẫm thay vì màu hồng, bạn nên đi khám ngay. Giai đoạn đầu viêm lợi, lợi thường sưng nề hơn là đau. Nếu bạn đi khám nha sĩ càng sớm, bạn càng có cơ hội giữ được lợi khỏe và ngăn ngừa viêm lợi tiến triển thành viêm nha chu nặng hơn. Bí quyết để xác định sức khỏe của lợi là độ sâu của túi lợi được tạo nên giữa lợi và răng.
Bác sĩ thường đo độ sâu của túi lợi bằng cách dùng một que thăm bằng kim loại (ảnh) đưa vào dưới lợi đến khi cảm thấy lực cản nhẹ. Nếu độ sâu là 2 - 3mm là lợi bình thường. Độ sâu lớn hơn 3mm là có một túi giữa lợi và răng, túi lợi càng sâu thì bệnh viêm lợi càng nặng. Chụp Xquang răng cũng có thể phát hiện được bệnh viêm lợi qua tình trạng mất xương.
Lợi khỏe mạnh (trái) và viêm lợi - túi lợi sâu (phải). |
Lưu ý trong phòng và chữa bệnh
Bệnh viêm lợi thường khỏi sau khi lấy cao răng, loại bỏ các mảng bám răng. Việc lấy cao răng và mảng bám sẽ loại bỏ nguồn kích thích lợi, tạo điều kiện để lợi nhanh liền các tổn thương. Viêm lợi nặng tiến triển thành nha chu, phải điều trị bằng kháng sinh kết hợp với thủ thuật làm sạch các túi lợi. Nếu viêm nha chu giai đoạn muộn, cần phải phẫu thuật để điều trị.
Phòng bệnh quan trọng nhất là vệ sinh răng tốt bằng cách chải răng ngày 2 - 3 lần sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Bạn nên chọn bàn chải có lông mềm, đầu tròn để không gây tổn thương lợi khi chải răng, to vừa phải để làm sạch được cả hàm răng của bạn. Thuốc đánh răng nên chọn loại có chứa fluor và có độ xút nhẹ. Chải răng đúng cách: chải mặt trong, mặt ngoài, mặt nhai của răng. Dùng chỉ tơ nha khoa làm sạch kẽ giữa hai răng. Định kỳ lấy cao răng và khám răng ít nhất mỗi năm 1 lần để kịp thời phát hiện và chữa các bệnh răng lợi.
Viêm lợi gây ra nhiều biến chứng nặng Viêm lợi tiến triển nặng sẽ dẫn đến bệnh nha chu và hậu quả là bạn dễ bị mắc các bệnh nguy hiểm như: bệnh tim mạch, nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa vi khuẩn ở miệng với tắc động mạch và huyết khối, có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ. Một số nghiên cứu khác cho thấy những người bị bệnh nha chu dễ bị đau tim và đột quỵ hơn những người không bị viêm nha chu, bệnh nha chu càng nặng thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao. Ðối với phụ nữ mang thai mà bị bệnh nha chu thì tăng nguy cơ đẻ non và đẻ con thiếu cân. Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ bị bệnh nha chu và các nhiễm khuẩn khác cao hơn người bình thường, trái lại viêm lợi và nha chu khiến khó kiểm soát nồng độ đường máu hơn. Nếu bạn bị bệnh viêm lợi nặng và có vấn đề về phổi, thì có nguy cơ viêm phổi tăng cao. Các nghiên cứu khác cho thấy có mối liên quan giữa bệnh loãng xương và tăng nhạy cảm với vi khuẩn ở miệng. Khi bị bệnh loãng xương làm cho xương ở miệng bị giảm mật độ và sự mất xương này có thể mở đường cho vi khuẩn làm lợi tách ra dễ dẫn đến rụng răng. |
ThS. Bùi Ánh Nguyệt