Chó cắn người gây thương tích, chủ nuôi chó có trách nhiệm gì?

03-08-2018 09:34 | Pháp luật

SKĐS -Trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ chó tấn công người gây thương tích. Nhiều trường hợp nạn nhân đã lên cơn dại và qua đời. Liên quan đến trách nhiệm của người nuôi chó trong những trường hợp chó cắn gây thương tích, phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với luật gia Phạm Văn Chung, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum về vấn đề này.

Phóng viên: Gần đây nhiều trường hợp chó cắn gây thương tích rất thương tâm, theo luật gia, trong những trường hợp như vậy người chủ nuôi chó sẽ bị xử lý như thế nào? Mức độ bồi thường ra sao?

Ông Pham Văn Chung: Theo quy định pháp luật hiện hành thì việc nuôi chó tại nhà phải tuân thủ một số quy định như phải: “Đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh” (Điều 6 Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09.01.2007).

Ngoài ra, nếu ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt (Điều 7 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15.3.2005).

Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ NN-PTNT cũng quy định: “Chủ nuôi chó, mèo phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh”.

Về chế tài xử lý:

Người chủ nuôi chó hoặc người đang quản lý chó phải có xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31.7.2017 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó quy định: "Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng".

Nếu gây thiệt hại cho người khác phải bồi thường về mặt dân sự cho người bị thiệt hại theo Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015. Đây là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời…”. Mức độ bồi thường tùy thuộc vào thiệt hại đã gây ra, tuy nhiên dựa trên chi phí hợp lý các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trường hợp gây chết người còn có thể xem xét xử lý hình sự theo Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Phóng viên: Trong trường hợp chó cắn chết người, người chủ sẽ bị xử lý ra sao?

Ông Phạm Văn Chung: Trong trường hợp chó cắn chết người hoặc gây thương tích cho người, chủ nuôi chó hoặc người đang quản lý chó phải bồi thường về mặt dân sự cho người bị thiệt hại (Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015). Mặt khác, có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể:

Về trách nhiệm dân sự: Theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, thì: “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác… Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.

Về trách nhiệm hình sự:   Cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý chủ nuôi chó hoặc người đang quản lý chó về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" theo Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác, đặc biệt là làm chết người thì có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù đến 12 năm.

Phóng viên: Hiện nay, dù đã có quy định xử phạt hành vi thả rông chó mèo nơi công cộng, nhưng chúng ta dễ dàng bắt gặp trong đời sống những hình ảnh mang theo chó mèo mà không có rọ mõm ở nơi công cộng, phải chăng các hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe, hay người dân chưa có ý thức trong việc nuôi chó mèo?

Ông Phạm Văn Chung: Theo quan điểm cá nhân, chế tài xử phạt hành vi thả rông chó, mèo hoặc không có rọ mõm khi dắt đến nơi công cộng (phạt đến 800.000 đồng) là hợp lý, cơ bản đủ sức đe, phòng ngừa hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là việc thực thi pháp luật, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, xử phạt của cơ quan chức năng chưa được thực thi nghiêm túc, thường xuyên. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về nuôi vật nuôi trong nhà như chó mèo, nhất là hành vi bị cấm như thả rông chó mèo, tiêm phòng dịch… chưa được sâu rộng, đến với mọi người dân. Do đó, ý thức của nhiều người dân trong việc chấp hành pháp luật về nuôi chó mèo chưa cao dẫn đến vi phạm nhiều.

Phóng viên: Ông có lời khuyên nào với người nuôi chó mèo để không vi phạm pháp luật và không gây ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe người khác?

Ông Phạm Văn Chung: Theo tôi, người dân khi chăn nuôi chó mèo phải thực hiện nghiêm quy định pháp luật như: Đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường; đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó, phải có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng... Đặc biệt là tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng như chó, mèo để phòng ngừa nguy cơ gây hại cho người dân khi bị chó dại cắn. Đối với các loài chó “khủng”, hung dữ có nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng con người cao như chó Becgie, chó Ngao… thì phải được nuôi nhốt đặc biệt và không nên đưa ra nơi công cộng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.


Hải Yến
Ý kiến của bạn