Tôi thường pha thuốc vào nước ngọt, sữa, nước trái cây, sinh tố... cho con dễ uống. Điều đó có nên không?
Trần Thanh Hòa (Thanh Hóa)
Trước tiên cần khẳng định rằng nên dùng nước đun sôi để nguội để uống thuốc là tốt nhất và không nên nghiền, bẻ thuốc để pha với sữa, nước trái cây, có thể gây một số bất lợi.
Dùng nước đun sôi để nguội uống thuốc là tốt nhất.
Đầu tiên là một số thuốc có thể tương tác với các protein trong sữa, khi đi vào cơ thể bị vón lại cùng với sữa, có thể khiến cơ thể giảm hấp thu thuốc hoặc thậm chí là hầu như không hấp thu được. Với những đồ uống ngọt như nước đường, nước trái cây, phần lớn thuốc khi dùng chung cũng không gây hại nhưng cũng có vài loại sẽ bị hạn chế tác dụng. Ngoài ra, việc nghiền thuốc, mở viên nhộng có thể ảnh hưởng đến quá trình tác dụng của thuốc: Một số thuốc cần tác dụng chậm, cần nuốt nguyên viên, nếu bị nghiền, mở vỏ, thuốc có thể bị dịch đường tiêu hóa phân hủy làm giảm hoặc mất tác dụng.
Bên cạnh đó, một số thuốc khi bị hấp thu quá nhanh, nồng độ hóa chất trong máu tăng vọt có thể dẫn đến quá liều thuốc, có thể gây ngộ độc hoặc tăng tác dụng phụ.
Để biết thuốc nào có thể uống chung với sữa hay nước trái cây, thuốc nào không nên uống cùng, cách duy nhất là bạn phải hỏi bác sĩ kê đơn thuốc cho cháu xem thuốc đó có tương tác bất lợi với thứ đồ uống bạn định cho bé uống cùng hay không? Tốt nhất khi bé khó cho uống thuốc, bạn nên nói rõ điều này với bác sĩ để cân nhắc các cách uống hợp lý hơn, có thể cho thuốc dạng siro hoặc loại có vị mà bé dễ chấp nhận.
Trẻ con mỗi bé mỗi tính, có bé chịu uống thuốc ngọt nhưng sợ thuốc đắng, có bé ngược lại. Đồng thời, các bạn nên xem kỹ toa thuốc để cho bé uống đúng lúc. Không chỉ đồ uống, thức ăn cũng có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc: có thuốc cần uống lúc no, có thuốc cần uống lúc đói... Nên tuân thủ điều này để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất, tránh tác dụng phụ.
BS. Nguyễn Minh Tiến