Theo đó, tại bản hợp tác này trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên Hiệp hội tự kỷ liên bang Đức và Hiệp hội trường Đại học, Cao Đẳng Việt Nam sẽ phối hợp nghiên cứu và hỗ trợ những người mắc tự kỷ. Nghiên cứu và chuyển giao phương pháp chẩn đoán, trị liệu cho người tự kỷ ở Việt Nam; hỗ trợ giúp người tự kỷ hòa nhập với gia đình và cộng đồng; đào tạo đội ngũ giảng viên hướng dẫn kĩ năng làm việc cho người tự kỷ.
Cụ thể phía Hiệp hội tự kỷ liên bang Đức sẽ đào tạo chuyển giao chương trình giảng dậy kỹ năng cho người mắc chứng tự kỷ, đồng thời đào tạo và chuyển giao chương trình đào tạo giảng viên giảng dậy cho phụ huynh và người chăm sóc người mắc chứng tự kỷ. Chứng chỉ đào tạo trên sẽ do Hiệp hội tự kỷ liên bang Đức cấp. Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức cũng hỗ trợ kết nối với các trung tâm đào tạo nghề cho người mắc chứng tự kỷ tại Đức để phía Việt Nam học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
Bà Maria Kaminski Chủ tịch Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức phát biểu tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ
Ths. Trần Vi Li, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực thuộc Hiệp hội các trường Đại học cao đẳng Việt Nam, đơn vị trực tiếp thực hiện nội dung trên cho biết, Hiện nay, nhiều gia đình có trẻ tự kỷ rất lo lắng, thậm chí khá tốn kém trong việc chạy chữa cho con em bị mắc chứng tự kỷ.
Vì vậy, trước hết, chúng ta cần có những nghiên cứu cơ bản, tương đối đầy đủ về lịch sử, thực trạng, nguyên nhân dẫn đến hội chứng trẻ tự kỷ ở Việt Nam. Nghiên cứu và đưa ra các dự báo về tính hình phát triển số lượng, tính chất, đặc thù của trẻ tự kỷ ở Việt Nam, về các hệ lụy cho gia đình và xã hội nếu bộ phận trẻ tự kỷ không được quan tâm giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho họ.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Cùng với đó là xúc tiến nhanh việc nghiên cứu, xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp phù hợp với đặc điểm người tự kỷ ở Việt Nam. Tập hợp các nguồn lực của xã hội, huy động các cơ sở giáo dục và đào tạo hiện có, kết nối các cơ sở với nhau để triển khai các chương trình giáo dục đào tạo và hướng nghiệp cho người tự kỷ.
“Hiện nay chúng ta chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này; chưa có những đơn vị có đủ năng lực để nghiên cứu tiếp cận các chương trình tiên tiến và vận dụng vào Việt Nam”, ông Li nói.
Cũng theo ông Li, người mắc chứng tự kỷ nếu được sàng lọc, phân loại để hướng nghiệp cho họ thì cũng là một nguồn lực có ích cho xã hội. Sử dụng lao động là người tự kỷ đã được giáo dục đào tạo không những mang lại kết quả lao động có ích, mà quan trọng hơn là sẽ giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.