“Xin chịu trách nhiệm” hình như đã thành câu cửa miệng trong xã hội hiện nay. Từ bác vá xe máy khi được hỏi vá có bảo đảm không đến quan chức trước việc mình làm thảy đều hứa chịu trách nhiệm nhưng chịu như thế nào thì chả ai biết!
“Xin chịu trách nhiệm” là lời hứa danh dự của người có trách nhiệm từ việc to đến việc nhỏ, chuyện công đến chuyện riêng nhưng hình như “trách nhiệm” phải chịu không rõ nên dạng thứ nhất là tha hồ thi nhau xin… ”chịu trách nhiệm”. Xe máy, ôtô cháy liên tục có hàng loạt cơ quan xin chịu trách nhiệm như Bộ Công Thương chịu nếu do xăng; Bộ GTVT chịu nếu như do kiểm tra phương tiện tham gia giao thông; Bộ Công an chịu nếu do có phá hoại. Nhiều cơ quan xin chịu trách nhiệm nhưng xe vẫn cháy và dân vẫn tiếp tục lo.
Ngược với việc hào phóng xin chịu trách nhiệm là đùn đẩy trách nhiệm. Hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc tràn lan thị trường gây ảnh hưởng nền sản xuất trong nước, người bảo trách nhiệm thuộc Quản lý thị trường. Quản lý thị trường bảo phải ngăn từ hải quan, biên phòng. Người lại bảo trách nhiệm thuộc chính quyền cơ sở quản lý địa bàn.
Một “trách nhiệm” luôn có địa chỉ phải gánh nhận là… nhân dân!
Chuyện ùn tắc giao thông là do ý thức người dân. Chuyện ô nhiễm môi trường, rác bẩn đường phố cũng là ý thức người dân. Nhưng dân là ai, ông bà nào để quy trách nhiệm thì làm sao tìm ra. Địa chỉ phải nhận trách nhiệm thứ 2 là hoàn cảnh, ví dụ như do “lực lượng mỏng”, “phương tiện thiếu” và rồi những bất cập vẫn tồn tại dài dài dù rằng ai cũng thấy cần phải thay đổi tức thì. Dạng thứ 3 là “chịu trách nhiệm tập thể” mà ai cũng chịu trách nhiệm, tức là chả có ai chịu trách nhiệm.
Trong trường hợp phải đền bù, khắc phục hậu quả cho dân thì tiền “tập thể” cũng là tiền ngân sách, tiền của dân.
Nhiều chuyện, việc đa rõ rành rành và người có trách nhiệm phải đứng ra xin chịu trách nhiệm nhưng chưa thấy ai xin lỗi, xin từ chức. Chỉ khi bị cách chức mới có được lời xin lỗi muộn mằn.
Bản chất của việc “chịu trách nhiệm” là lòng tự trọng với chính mình và trách nhiệm thật sự với công việc mình đảm đương, nắm giữ. Ở nước ngoài, một vụ tai nạn tàu hỏa xảy ra có khi Bộ trưởng Giao thông xin từ chức vì thấy có lỗi trong vụ tai nạn, còn ở ta, trách nhiệm chỉ thuộc anh lái tàu. Nhiều trường hợp khác, trách nhiệm quan trọng lại thuộc người không có trách nhiệm như cậu đánh máy, chị văn thư…
Khi thiếu gì người ta hay nói đến nó chăng nên “chịu trách nhiệm” hiện nay thành câu cửa miệng của không ít người. Đa đến lúc phải quy trách nhiệm cho từng cơ quan, tổ chức, cá nhân một cách cụ thể và việc “chịu trách nhiệm” phải là sự trả giá cho thói vô trách nhiệm do mình gây ra. Nhân viên công quyền gây thiệt hại cho dân thì phải bỏ tiền của mình ra “đền” dân, nặng hơn thì bị cách chức, bị truy tố mới có thể làm gương cho những nhân viên khác có trách nhiệm hơn.
Nói đến “chịu trách nhiệm” là nói đến lòng tự trọng. Một quốc gia chỉ có thể bay lên, có bản sắc khi đó là một quốc gia tự trọng của những con người tự trọng.
LÊ QUÝ HIỀN